Hội chợ đồ gỗ quốc tế được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2025. Ảnh: V.Thế |
Về phần mình, để thích ứng, các doanh nghiệp (DN) phải chủ động đa dạng hóa thị trường, tận dụng lợi thế, đồng thời giảm rủi ro và nâng cao cạnh tranh cho sản phẩm.
Nỗ lực đa dạng hóa thị trường
Công ty TNHH Kim Vĩnh Phú (ở thành phố Biên Hòa) là DN ngành gỗ có 18 năm hoạt động. DN này ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu tại các thị trường quan trọng như: châu Âu, Mỹ, Nhật.
Giám đốc công ty Nguyễn Phú Vinh cho hay, ngành gỗ đang đứng trước nhiều thử thách. Trước hết là đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của những thị trường khó tính, nhất là châu Âu; ngoài ra, chính sách đánh thuế vào hàng nhập khẩu từ nước Mỹ đang làm nhiều DN lo lắng. Để phát triển bền vững, Kim Vĩnh Phú định hướng mở rộng hợp tác nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cao nhất cho các thị trường xuất khẩu. Đồng thời, DN khai thác thêm thị trường Nhật Bản vì có nhiều tiềm năng.
Giảm thuế đối với hàng nhập khẩu và gia tăng sản lượng, giá trị mua hàng Mỹ của Việt Nam được xem xét như giải pháp nhằm cân bằng thương mại giữa hai bên. |
Công ty CP Tập đoàn Thiên Long với thương hiệu bút bi Thiên Long đã có hợp tác với DN Mỹ để xuất khẩu đến 67 quốc gia, mảng xuất khẩu đóng góp 20% doanh thu cho công ty. Thực hiện mục tiêu phát triển, ngoài mở rộng danh mục sản phẩm, công ty cũng mở rộng thị trường ra các nước trong khu vực. DN đặt mục tiêu sẽ có mặt trong tốp 5 ngành bút viết và văn phòng phẩm ở Đông Nam Á.
Theo ông Ngô Ngọc Tú, Trưởng phòng Sản xuất Công ty TNHH Thiên Long Long Thành (ở Khu công nghiệp Long Thành, thuộc Tập đoàn Thiên Long), công ty sản xuất khoảng 739 triệu sản phẩm/năm. DN đang vào mùa cao điểm nên tuyển thêm lao động để tăng công suất, để tiêu thụ nội địa và mở rộng xuất khẩu.
Mở rộng thị trường cũng là điều mà ông Trần Quý, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Nhật Nam (ở thành phố Biên Hòa), đang nỗ lực thực hiện. Ngoài xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ, Nhật Bản, DN đang tìm thêm khách hàng ở trong nước để đẩy mạnh cung ứng sản phẩm.
Tính đường tăng nhập khẩu sản phẩm của Mỹ
Cùng với mở rộng thị trường, để cân bằng hơn trong ngoại thương với Mỹ, Việt Nam đang tìm cách nhập thêm hàng hóa, sản phẩm từ quốc gia này. Ở cấp độ nhà nước thì việc đàm phán giữa 2 quốc gia sẽ nhanh chóng được triển khai.
Đối với cộng đồng DN cũng phải tích cực chuẩn bị, tự thân vận động. Trong lĩnh vực chăn nuôi, theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công, đơn vị đã gửi văn bản lên Chính phủ đề xuất giải pháp nhập khẩu hàng nông nghiệp từ Mỹ. Hiện nay, Mỹ là nước cung cấp sản lượng lớn các mặt hàng đầu vào cho nông nghiệp như: đậu nành, khô đậu nành, bắp, các loại con giống… với trị giá hàng tỷ USD mỗi năm nên việc nhập hàng phục vụ ngành chăn nuôi cũng là giải pháp để cân bằng thương mại. Trong đó, Nhà nước cần tạo điều kiện cho các ngân hàng bảo lãnh Chương trình GSM-102 (Chương trình Hỗ trợ tín dụng xuất khẩu GSM-102 do Bộ Nông nghiệp Mỹ triển khai) lãi suất từ 1-1,5% để giảm bớt gánh nặng cho các DN nhập khẩu.
Tương tự, Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai đã có buổi tiếp, làm việc với Phòng Nông nghiệp đối ngoại (Bộ Nông nghiệp Mỹ) và Hiệp hội Gỗ mềm Mỹ (SEC) về cơ hội hợp tác nhập khẩu gỗ mềm vào Việt Nam. Các bên đã trao đổi về tiềm năng hợp tác, các chính sách hỗ trợ DN, các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định và chất lượng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ tại Việt Nam.
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai Phạm Văn Sinh chia sẻ, đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu gỗ hợp pháp là rất quan trọng đối với ngành sản xuất gỗ của Việt Nam. Đặc biệt, Mỹ đang xem xét nâng mức đánh thuế với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, việc gia tăng nhập khẩu nguyên liệu và minh bạch nguồn gốc xuất xứ hàng hóa sẽ tạo nên lợi thế cho sản phẩm Việt Nam, tránh được nguy cơ chịu thuế suất cao.
Văn Gia
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202505/doanh-nghiep-da-dang-hoa-thi-truong-de-han-che-rui-ro-48f324a/
Bình luận (0)