Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố điều chỉnh giá bán điện từ ngày 10/5/2025. Mức giá bán lẻ điện bình quân sau khi điều chỉnh là 2.204,0655 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Theo tính toán của EVN, với khách hàng kinh doanh dịch vụ, mức tăng trung bình mỗi khách hàng là 332.000 đồng/tháng; với khách hàng sản xuất, sau điều chỉnh giá, mỗi khách hàng sẽ trả thêm trung bình là 677.000 đồng/tháng.
Đây là lần tăng giá điện thứ 4 liên tiếp kể từ năm 2023. Trước đó, trong năm 2023, EVN đã 2 lần tăng giá điện với mức tăng lần lượt 3% và 4,5%; ngày 10/11/2024, EVN tiếp tục điều chỉnh tăng giá điện thêm 4,8%.

Như vậy, tính từ năm 2023 đến nay, giá điện đã tăng hơn 17%, gây bất lợi đối với doanh nghiệp trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh (TX Kỳ Anh) chuyên xuất khẩu tôm, mực chế biến sang thị trường Nhật Bản. Hoạt động trong ngành chế biến thủy sản, doanh nghiệp tiêu tốn lượng điện năng lớn bởi đặc thù quá trình chế biến phải qua các khâu làm mát, trữ lạnh nguyên liệu, tẩy rửa dụng cụ...
Ông Phạm Văn Túc – Phó Giám đốc điều hành Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh chia sẻ: “Điện chiếm tỷ trọng khoảng 15% trong chi phí sản xuất, bởi vậy, việc tăng giá điện là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp. Mỗi tháng, công ty tiêu tốn hơn 250 triệu đồng tiền điện, nay giá tăng 4,8% đồng nghĩa mỗi tháng phát sinh hơn 12 triệu đồng cho chi phí này. Thời gian qua, mặc dù nguyên liệu đầu vào khan hiếm và tăng giá nhưng công ty vẫn nỗ lực tiết giảm chi phí sản xuất chứ không tăng giá thành sản phẩm để cạnh tranh trên thị trường. Giờ đây, điện tăng giá, đơn vị phải cân đối lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh, triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất”.

Được biết, Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh vừa đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua mới hệ thống cấp đông với công suất cao hơn, sửa chữa lại nhà xưởng phù hợp công năng, tránh tổn thất điện năng. Ngoài ra, doanh nghiệp tiếp tục áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng như: thu hồi nhiệt từ hệ thống lạnh để sản xuất nước nóng; sử dụng trực tiếp nước lạnh thay cho đá vảy và nước, tránh sử dụng máy móc tiêu tốn điện công suất lớn vào giờ cao điểm. Công ty cũng đang nghiên cứu, tính toán lắp đặt điện mặt trời mái nhà để chủ động nguồn điện.
Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh (TX Hồng Lĩnh) chuyên sản xuất, xuất khẩu sợi đi các thị trường Ai Cập, Nhật Bản, Bangladesh… Với dây chuyền máy móc hiện đại, công suất lớn, tự động hóa cao, mỗi tháng, doanh nghiệp tiêu tốn hơn 2 tỷ đồng tiền điện. Giá điện tăng 4,8% đồng nghĩa mỗi tháng doanh nghiệp phải trả thêm hơn 100 triệu đồng tiền điện. Mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh đã có dấu hiệu phục hồi so với giai đoạn trước, song ngành sợi vẫn đối mặt nhiều thách thức. Theo đó, chi phí nguyên liệu nhập khẩu tăng, tỷ giá USD tăng… đã tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Cùng đó, giá điện biến động 3 năm liên tục (từ 2023 – 2025) càng gây áp lực cho doanh nghiệp.

Để giảm chi phí, công ty tiếp tục rà soát, đầu tư thay thế các máy móc cũ kỹ, tiêu hao nhiều điện năng; tập trung bảo dưỡng các thiết bị, máy để tránh tổn thất điện năng; xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, ưu tiên sản xuất trong giờ thấp điểm để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, doanh nghiệp tham gia điều chỉnh phụ tải điện (DR) theo khuyến cáo của EVN, hạn chế sản xuất trong giờ cao điểm, bố trí dịch chuyển nhiều phần việc sang các khung giờ khác; tránh việc vận hành đồng thời tất cả máy móc vào một thời điểm; phân bổ các dây chuyền, thiết bị luân phiên hoạt động…
Công ty CP Sản xuất đầu tư và Thương mại TAAD Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh) có quy mô hơn 10 chuyền may, chuyên may gia công sản phẩm quần áo xuất khẩu sang Nhật Bản. Mỗi tháng, đơn vị tiêu thụ trên 150 triệu đồng tiền điện. Theo lãnh đạo Công ty CP Sản xuất đầu tư và Thương mại TAAD Hà Tĩnh: Theo tính toán, với lần tăng giá điện này, mỗi tháng, doanh nghiệp bị “đội thêm” hơn 7,5 triệu đồng tiền điện. May gia công lợi nhuận thấp, nên phát sinh chi phí sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu của doanh nghiệp và mức lương của người lao động.

Với các doanh nghiệp có trạm biến áp riêng, ngành điện khuyến cáo cần thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng theo quy định.
Công ty CP Sản xuất đầu tư và Thương mại TAAD Hà Tĩnh có 1 trạm biến áp (công suất 400 KVA), để vận hành an toàn, ổn định, tránh tổn thất điện năng, doanh nghiệp đã phối hợp với Điện lực TP Hà Tĩnh làm tốt công tác bảo trì, bảo dưỡng theo quy định. Ngoài ra, đơn vị ưu tiên sử dụng lò hơi với công suất hợp lý, tránh tình trạng non tải. Với hệ thống chiếu sáng, không gian nhà xưởng rộng, công ty đã đầu tư bóng đèn có hiệu suất chiếu sáng cao, bố trí các bóng đèn và công tắc hợp lý để đảm bảo nhu cầu chiếu sáng và tiết kiệm năng lượng, sử dụng máy may có công suất phù hợp…
Còn tại Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu (CCN Bắc Cẩm Xuyên), với đặc thù ngành nghề sản xuất vật liệu xây dựng, tiêu thụ lượng điện lớn, năm 2020, công ty đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời để phục vụ sản xuất nên giảm thiểu được chi phí tiền điện đáng kể. Tuy nhiên, trung bình mỗi tháng, công ty vẫn phải bỏ ra chi phí khoảng 60 triệu đồng. Chị Trần Thị Thanh – kế toán trưởng công ty cho biết: “Trong bối cảnh nhiều nguyên vật liệu đầu vào như đá, cát, sắt, xi măng, các vật liệu phụ trợ tăng giá thì giá điện tăng thêm 4,8% từ ngày 10/5 cũng là gánh nặng tăng thêm cho công ty. Để giảm thiểu chi phí này, công ty tiếp tục bố trí nhân lực sản xuất hợp lý, vận hành các xưởng sản xuất và thiết bị chéo giờ nhau, tránh các khung giờ cao điểm”.

Ông Phan Văn Anh – Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Điện lực Hà Tĩnh khuyến cáo: Để tiết kiệm điện, các doanh nghiệp cần tối ưu hóa hệ thống điện, thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng thiết bị máy móc, thay thế thiết bị hiệu suất thấp, công nghệ cũ; tăng cường thực hiện tiết kiệm điện nội bộ, xây dựng ý thức tiết kiệm điện trong doanh nghiệp.
Ngành điện khuyến khích khách hàng tham gia chương trình dịch chuyển phụ tải (DR), tức là giảm sử dụng điện vào các giờ cao điểm, hoặc dịch chuyển việc sử dụng điện từ các giờ cao điểm sang các giờ thấp điểm, góp phần bảo đảm cung ứng điện, nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện. Đồng thời, sử dụng năng lượng tái tạo, lắp đặt, tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo như hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà tự sản xuất tự tiêu thụ vào hệ thống năng lượng nội bộ; có các giải pháp tận dụng ánh sáng tự nhiên trong quá trình làm việc, thay thế các bóng đèn điện.
Nguồn: https://baohatinh.vn/doanh-nghiep-ha-tinh-kich-hoat-cac-giai-phap-ung-pho-gia-dien-tang-post287775.html
Bình luận (0)