Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Doanh nghiệp phải tiên phong, dẫn dắt chuyển đổi số

Các doanh nghiệp nhà nước phải phát triển, tăng trưởng, ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, trên cơ sở thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tăng năng suất lao động; vừa phát triển cho chính mình, vừa góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Báo Đại biểu Nhân dânBáo Đại biểu Nhân dân16/04/2025

Đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng, sáng qua, 15.4.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của nước ta. Đây là các doanh nghiệp nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho người lao động, tham gia tích cực công tác an sinh xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Trong năm 2024, tổng tài sản của 671 DNNN đạt trên 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2023; vốn chủ sở hữu đạt gần 3 triệu tỷ đồng, tăng 61%, tổng doanh thu đạt gần 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 24%, lợi nhuận trước thuế gần 227,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8% và nộp NSNN gần 400 nghìn tỷ đồng, tăng 9%.

Đối với lĩnh vực công nghệ số, đã xuất hiện các DNNN thể hiện được rõ nét vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số cho các cơ quan của Chính phủ và nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, trong đó có Viettel, MobiFone... Hiện các DNNN hoạt động ở nhiều lĩnh vực như: viễn thông, tài chính, năng lượng... đã “gặt hái” được thành công trong chuyển đổi số với mức tăng trưởng ấn tượng.

Bên cạnh kết quả đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua, các tập đoàn, công ty nhà nước thực hiện chuyển đổi số nhưng chưa thực chất, hiệu quả chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; năng lực cạnh tranh, khoa học công nghệ còn hạn chế; công cụ quản trị kinh doanh còn chậm đổi mới, chưa làm chủ công nghệ lõi trong chuyển đổi số dẫn đến năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp. Hạn chế, tồn tại này cần sớm được khắc phục để phát triển tương xứng với nguồn lực, tiềm năng thế mạnh, thể hiện vai trò dẫn dắt nền kinh tế thông qua chuyển đổi số.

Có thể thấy, doanh nghiệp nói chung, và DNNN nói riêng ở thời điểm này có rất nhiều thuận lợi để hiện thực hóa “cách mạng về công nghệ”. Nhiều chính sách hỗ trợ, cơ chế đặc thù được ban hành, kích hoạt dành cho doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành, tạo cú hích cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trên cơ sở đó, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 193 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Và, theo dự kiến chương trình, nội dung Kỳ họp thứ Chín tới đây, Quốc hội cũng sẽ xem xét nhiều dự án luật quan trọng về lĩnh vực này như: dự án Luật Công nghiệp Công nghệ số, dự án Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo khung khổ pháp lý vững chắc để các các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và thúc đẩy chuyển đổi số.

Có thể nói, việc ban hành cơ chế, chính sách nhằm tạo nền tảng, động lực phát triển. Nhưng điều quan trọng là các doanh nghiệp phải phát huy sức mạnh nội lực, xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ sống còn. Theo đó, các doanh nghiệp phải chủ động hoàn thiện quy trình, quy định, chuẩn hóa theo chuyển đổi số; xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa tài liệu, hồ sơ để thúc đẩy, phát triển, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động của doanh nghiệp.

Mục đích của chuyển đổi số phải tạo ra được tăng trưởng. Do đó, doanh nghiệp phải có hướng đi riêng, không thực hiện chuyển đổi số theo phong trào. Muốn vậy, doanh nghiệp phải khai thác được tiềm năng, thế mạnh, tạo ra sản phẩm số phù hợp với chiến lược phát triển. Doanh nghiệp phải tiên phong trong chuyển đổi số, tham gia dẫn dắt quá trình chuyển đổi số, tham gia xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, chuyển đổi số là đổi mới sáng tạo, tạo ra những mô hình mới, nhưng có những rủi ro. Nếu người đứng đầu không trực tiếp làm thì sẽ không thành công. Do đó, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu - đây là yếu tố quyết định chuyển đổi số thành công của doanh nghiệp. Cùng với đó, cần có chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số đáp ứng được yêu cầu mà doanh nghiệp, thị trường đặt ra trong kỷ nguyên số.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/doanh-nghiep-phai-tien-phong-dan-dat-chuyen-doi-so-post410384.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm