Với mục tiêu nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước hướng tới phát triển công nghiệp bền vững, tỉnh Bắc Ninh triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Samsung tổ chức các chương trình hợp tác nhằm nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước; là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành chính sách hỗ trợ việc giảng dạy và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn phục vụ nền công nghiệp số trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Cuối năm 2024, Bắc Ninh tổ chức Triển lãm công nghiệp và sản xuất Việt Nam với sự tham gia của hơn 600 gian hàng đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới: Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, Mỹ, Đức, Anh… tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm máy móc, công cụ và dụng cụ, thiết bị công nghiệp, gia công cơ khí, tự động hóa, công nghệ in và thiết kế 3D; giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0, IoT, sản xuất thông minh, AI, Robot trong công nghiệp và logistic…tập trung chủ yếu vào công nghệ, thiết bị và giải pháp cho phát triển công nghiệp phụ trợ. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp của Việt Nam tăng cường hợp tác, tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn.
Công ty cổ phần công nghiệp Kim Sen (KCN Yên Phong) chuyên ngành cơ khí chính xác đạt 52% tổng doanh thu là xuất khẩu. |
Bắc Ninh hội tụ nhiều dự án của các tập đoàn có thương hiệu nổi tiếng khu vực và thế giới như: Samsung Electronics, Samsung Display, Canon, ABB, Amkor, Goertek, M.C.C…sử dụng máy móc, thiết bị thế hệ mới, công nghệ sản xuất tiên tiến, sản xuất các sản phẩm sạch, không phát sinh nhiều yếu tố ảnh hưởng đến môi trường. Đây là nhân tố quan trọng thúc đẩy gia tăng hàm lượng công nghệ trong giá trị của sản phẩm, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Đến nay, Bắc Ninh đã cấp đăng ký đầu tư cho 2.475 dự án FDI còn hiệu lực đến từ 42 quốc gia, vùng lãnh thổ và 1.656 dự án đầu tư trong nước nhân tố chính đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, góp phần thúc đẩy mở rộng quan hệ kinh tế với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đưa nền kinh tế của tỉnh tham gia hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới.
Với 21 KCN tập trung (16 khu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển đến năm 2020; 5 khu mới được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050), Bắc Ninh đang trở thành thủ phủ công nghiệp trọng điểm phía Bắc, dư địa phát triển công nghiệp còn rất lớn. Bắc Ninh đang cho thấy tiềm năng lớn về thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với định hướng phát triển nền công nghiệp hiện đại, công nghiệp xanh. Nhiều chuyên gia nhận định, cơ hội phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tại Bắc Ninh rất lớn, đặc biệt là trên các lĩnh vực: Máy móc, thiết bị công nghiệp, gia công cơ khí, tự động hóa, công nghệ in và thiết kế 3D, các giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 sản xuất thông minh và tự động hóa cao trong sản xuất công nghiệp.
Bắc Ninh đang thực hiện tập trung thu hút các dự án đầu tư theo hướng có chọn lọc, lựa chọn các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng lao động chất lượng, hình thành ngành công nghiệp mũi nhọn điện tử - viễn thông, bán dẫn…tác động tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, góp phần phát triển ngành công nghiệp điện tử, bán dẫn của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ.
Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn thị sát quy trình sản xuất, năng lực quản trị tại Công ty cổ phần chế tạo máy Autotech Việt Nam (KCN VSIP). |
Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên trên cả nước hỗ trợ khoảng hơn 1.000 tỷ đồng đào tạo nhân lực chất lượng cho ngành công nghiệp bán dẫn; đang hình thành các Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ; thu hút nhiều trường đại học danh tiếng…vì vậy, các doanh nghiệp trong nước đầu tư trên địa bàn tỉnh cần tạo ra những bước đột phá trong công nghệ sản xuất, đặc biệt là chuyển đổi số, để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời các doanh nghiệp có những đề xuất, đóng góp xây dựng chính sách, cơ chế hỗ trợ để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, tạo sức bật cho doanh nghiệp nội địa trong tình hình mới.
Để doanh nghiệp nội địa phát triển, nhiều ý kiến mong muốn tỉnh tạo diễn đàn, thành lập các hiệp hội kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời cụ thể hóa và triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh đầu tư cho chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Xây dựng các giải pháp thúc đẩy việc chuyển giao tri thức, đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thông qua doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh; triển khai áp dụng bộ tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và các chương trình hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh chuyển đổi số.
Bắc Ninh cam kết mạnh mẽ nhất để đồng hành cùng các nhà đầu tư trong quá trình phát triển của tỉnh cũng như của doanh nghiệp. Tuy nhiên các nhà đầu tư nước ngoài, trong nước, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ kết hợp nhuần nhuyễn hơn, hiệu quả hơn tạo chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng giữa nhà đầu tư FDI và doanh nghiệp trong nước; các doanh nghiệp FDI tạo tác động lan toả lớn hơn về công nghệ, kỹ năng của nhà quản lý và người lao động, chuỗi cung ứng đến các nhà sản xuất nội địa của Việt Nam. Đặc biệt các doanh nghiệp nội địa cần tiếp tục nâng tầm về công nghệ, quản trị, chất lượng sản phẩm để có thể đáp ứng tiêu chuẩn cung ứng cho nhà đầu tư FDI, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nguồn: https://baobacninh.com.vn/web/bbn/news/-/details/20182/doanh-nghiep-trong-nuoc-no-luc-nang-tam-tham-gia-hoi-nhap
Bình luận (0)