Đồng chí Vương Quốc Tuấn, Uỷ viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thị sát quy trình sản xuất tại Công ty Micro Commercial Components Việt Nam, KCN Yên Phong II-C (ngày 17-2-2025).
Bắc Ninh hiện có 16 KCN tập trung với tổng diện tích 6.397,68 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 61,1%, đang sử dụng gần 295 nghìn lao động. Ngoài ra, tỉnh có 39 cụm công nghiệp trong quy hoạch tạo việc làm cho khoảng 13 nghìn người. Dân số tỉnh Bắc Ninh năm 2024 đạt 1,54 triệu người, lực lượng lao động 809.000 người; lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 36,1%, là tỉnh đầu tiên có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn, có khả năng tiếp cận nhanh các công nghệ hiện đại cũng như trình độ quản lý tiên tiến đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.
Với sự xuất hiện của các Tập đoàn lớn đầu tư vào các ngành công nghiệp, sử dụng công nghệ hiện đại, có dây chuyền sản xuất lớn đã thay đổi cơ cấu sản phẩm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, điện thoại thông minh là sản phẩm xuất hiện từ năm 2011, là sản phẩm chính từ năm 2015 của Tổ hợp Samsung Bắc Ninh và trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh, tạo nền móng góp phần đưa Bắc Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung trở thành trung tâm sản xuất và lắp ráp linh kiện cho các sản phẩm điện tử của nhiều hãng lớn trên thế giới như Samsung, LG, Canon, Toshiba…
Tập đoàn Amkor được thành lập song song giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc đầu tư dự án sản xuất, lắp ráp thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại KCN Yên Phong II-C từ cuối năm 2023, có quy mô với tổng vốn đầu tư đến năm 2035 là 1,6 tỉ USD. Giai đoạn 1 đầu tư khoảng 530 triệu USD, tập trung vào việc cung cấp các giải pháp lắp ráp và kiểm tra hệ thống tiên tiến trong gói (SiP) cho các công ty sản xuất điện tử và bán dẫn. Là Tập đoàn sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới, nên doanh nghiệp cần những điều kiện đặc thù trong việc chọn địa phương đầu tư, cho thấy Bắc Ninh hội tụ đầy đủ các yếu tố để doanh nghiệp phát triển với định hướng trở thành trung tâm sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới của Tập đoàn. Năm 2024, tại hội nghị xúc tiến đầu tư, Tập đoàn Amkor cùng 17 doanh nghiệp FDI tiếp tục đặt niềm tin phát triển tại các KCN Bắc Ninh là minh chứng rõ ràng về sự hấp dẫn của Bắc Ninh đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Bên cạnh nhà máy của Amkor, Bắc Ninh thu hút được sự quan tâm từ các tập đoàn lớn khác trong ngành công nghiệp bán dẫn. Các dự án có tầm ảnh hưởng như dự án của Victory Giant Technology tại KCN VSIP Bắc Ninh; nhà máy thiết bị bán dẫn Micro Commercial Components tại KCN Yên Phong I với tổng vốn đầu tư 90 triệu USD, chuyên sản xuất và lắp ráp thiết bị bán dẫn, bao gồm quang điện, sản phẩm gắn kết bề mặt và sản phẩm tín hiệu mức thấp. Hiện công ty đã thực hiện xong đầu tư giai đoạn 1, trong quý I-2025 sản xuất thử nghiệm và hoạt động ổn định. Theo kế hoạch, giai đoạn 2 dự kiến được thực hiện từ tháng 4-2026, đi vào hoạt động ổn định từ năm 2027, phấn đấu đứng trong tốp 3 của Trung Quốc và tốp 10 của thế giới về ngành công nghiệp bán dẫn… Đây là những dự án không chỉ đóng góp về mặt kinh tế mà còn góp phần mở rộng quy mô ngành công nghiệp bán dẫn tại Bắc Ninh từ các khâu thiết kế, sản xuất, cho đến đóng gói và thử nghiệm, tạo nền tảng vững chắc cho hệ sinh thái ngành bán dẫn tại Việt Nam.
Đây là cơ sở quan trọng để đưa Bắc Ninh sớm trở thành thủ phủ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Xác định rõ hướng phát triển này, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi, sản phẩm chip chuyên dụng (AI, IoT) và xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung cho nghiên cứu, phát triển công nghệ bán dẫn; nghiên cứu và phát triển các thiết bị điện tử thế hệ mới tích hợp chip chuyên dụng. Phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn kết nối với các đối tác trong trong nước và quốc tế, thúc đẩy sử dụng chip trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp tự động hóa, điện tử tiêu dùng; xây dựng cơ chế ưu đãi để đầu tư vào nhà máy chế tạo chip bán dẫn phục vụ nghiên cứu và sản xuất. Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất chip theo mô hình tập trung để tiết kiệm chi phí và khuyến khích nghiên cứu. Phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn của tỉnh và cả nước trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn.
Bắc Ninh đang là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc, một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội, có hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội-giao thông phát triển đồng bộ, hiện đại.
Công ty Cổ phần chế tạo máy Autotech Việt Nam (KCN Vsip) chuyên cung cấp các giải pháp, thiết bị tự động hoá cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Xác định thu hút đầu tư đóng vai trò quan trọng, là nguồn lực then chốt, lan toả thúc đẩy doanh nghiệp đồng hành trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong tình hình mới, bên cạnh đầu tư nước ngoài, kinh tế tư nhân được nhận định là lực lượng tiên phong, động lực quan trọng cho tăng trưởng. Để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước đã năng động, sáng tạo nhưng rất cần sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách của Nhà nước tạo sự công bằng trong cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Bà Phạm Thị Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần chế tạo máy Autotech Việt Nam (KCN Vsip) chia sẻ: Thành lập năm 2013, công ty chuyên cung cấp các giải pháp, thiết bị tự động hoá cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI. Với khoảng 300 lao động chất lượng, công ty đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản trị vận hành, quản trị dữ liệu, định hướng trở thành doanh nghiệp sản xuất toàn cầu.
Tại các Khu công nghiệp tập trung hiện có gần 700 dự án trong nước. Cuối tháng 3 vừa qua, Bắc Ninh tiếp tục trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 14 doanh nghiệp trong nước, tổng vốn đầu tư khoảng 324,6 triệu USD; 6 doanh nghiệp nước ngoài, tổng vốn đầu tư 320,5 triệu USD (số vốn đăng ký mới của các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào tỉnh tương đương với doanh nghiệp FDI). Để doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ, nhiều ý kiến cho rằng, cần tạo diễn đàn, thành lập các hiệp hội kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời cụ thể hóa và triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh đầu tư cho chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Xây dựng các giải pháp để thúc đẩy việc chuyển giao tri thức, đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thông qua doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh; có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ của tỉnh đầu tư ra thị trường trong và ngoài nước. Triển khai áp dụng bộ tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và các chương trình hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh chuyển đổi số. Thu hút, thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp công nghệ chiến lược quy mô lớn trên địa bàn tỉnh để phát triển hạ tầng số, nhân lực số, dữ liệu số, công nghệ chiến lược, an toàn an ninh mạng và xây dựng cơ chế thu hút doanh nghiệp công nghệ đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Bắc Ninh.
Tình hình thế giới hiện nay đang diễn biến hết sức nhanh, phức tạp, khó lường. Tác động của khoa học công nghệ, xung đột chính trị, thương mại giữa các cường quốc... khiến nền kinh tế và trật tự thế giới đang có sự điều chỉnh và thay đổi sâu sắc. Với một tỉnh phát triển và hội nhập mạnh mẽ như Bắc Ninh cần xây dựng một nền kinh tế có tính tự chủ cao, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cùng với chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tăng sức chống chịu trước những “cú sốc” từ bên ngoài.
Nguồn: https://baobacninh.com.vn/web/bbn/news/-/details/20182/phat-trien-he-sinh-thai-cong-nghiep-ban-dan
Bình luận (0)