Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Doanh nghiệp tư nhân với khát vọng định hình diện mạo hạ tầng mới của quốc gia

(Dân trí) - Sự góp mặt của các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn tại loạt dự án giao thông trọng điểm không chỉ hiện thực hóa mục tiêu 5.000km cao tốc, mà còn mở rộng hệ sinh thái hạ tầng quốc gia, từ sân bay, hàng không đến năng lượng, logistics và cảng biển.

Báo Dân tríBáo Dân trí02/07/2025

Vietravel Airlines đón chiếc máy bay sở hữu đầu tiên

Ngày 28/6, Vietravel Airlines (VU) chính thức đón Airbus A321 - chiếc máy bay đầu tiên thuộc quyền sở hữu của hãng. Đây là dấu mốc chiến lược trong hành trình xây dựng đội bay riêng, củng cố vị thế của hãng hàng không non trẻ nhưng đầy tiềm năng này.

Trong tháng 7, hãng dự kiến tiếp tục đưa vào khai thác hai tàu bay Airbus A320, củng cố cho kế hoạch tăng cường đội bay với các dòng máy bay hiện đại, linh hoạt và hiệu quả. Hãng sẽ tăng cường tần suất các đường bay kết nối Hà Nội, TPHCM với các điểm du lịch lớn như Đà Nẵng, Phú Quốc, Quy Nhơn và cả các điểm đến quốc tế trong khu vực.

Doanh nghiệp tư nhân với khát vọng định hình diện mạo hạ tầng mới của quốc gia - 1

Vietravel Airlines đón chiếc máy bay đầu tiên thuộc sở hữu của hãng.

Bước tiến này không chỉ gia tăng năng lực khai thác mà còn khẳng định sự trở lại mạnh mẽ của Vietravel Airlines sau giai đoạn khó khăn, đặc biệt kể từ khi Tập đoàn T&T Group trở thành cổ đông chiến lược vào cuối năm 2024. Tập đoàn T&T Group khẳng định sẽ dành nhiều tâm huyết, quyết tâm và nguồn lực để đưa Vietravel Airlines trở thành hãng hàng không hàng đầu.

Vietravel Airlines giờ đây đã trở thành mảnh ghép quan trọng trong hệ sinh thái mới mà T&T đang hướng tới, với tham vọng phát triển mô hình tập đoàn hàng không. Hệ sinh thái hàng không này bao gồm cả hãng bay, sân bay, dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, dịch vụ bay, dịch vụ sân bay mặt đất cũng như tổ hợp công nghiệp hàng không - logistics - đô thị sân bay.

Ngành hàng không Việt Nam đã chứng kiến những doanh nghiệp tư nhân lớn đầu tư vào các dự án xây dựng sân bay trong thời gian thần tốc 2 năm, mở rộng thêm hệ thống cảng hàng không, sân bay cả nước. Điều này cũng minh chứng cho việc doanh nghiệp tư nhân có thể đảm nhận tốt những lĩnh vực khó, phức tạp như đầu tư hạ tầng sân bay.

Doanh nghiệp tư nhân với khát vọng định hình diện mạo hạ tầng mới của quốc gia - 2

Máy bay Airbus A321 mang mã hiệu VN-A129 của Vietravel Airlines.

Sự ra đời Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết 198 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân được kỳ vọng sẽ “cởi trói”, mở đường cho tư nhân phát triển lớn mạnh, đảm đương những siêu dự án lớn như đường sắt tốc độ cao, sân bay, đường bộ cao tốc…

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Nghị quyết 68 đã tạo đột phá khi khẳng định kinh tế tư nhân là động lực tiên phong trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Đặc biệt, nghị quyết đặt ra mục tiêu có các doanh nghiệp vươn tầm cỡ quốc tế, toàn cầu.

Với hàng không, Nghị quyết 68 có thể ví như đôi cánh, cùng với đề án xã hội hóa đầu tư hàng không đã được xây dựng, sẽ giúp ngành hàng không Việt Nam cất cánh, không chỉ gia tăng thêm nhiều hãng hàng không tư nhân, mà nhanh chóng mở rộng hệ sinh thái hạ tầng hàng không.

Từ siêu cảng đến tổ hợp công nghiệp hàng không

Tháng 7/2024, T&T Group khởi công xây dựng dự án cảng hàng không Quảng Trị với quy mô hơn 265ha, tổng mức đầu tư 5.800 tỷ đồng. Theo quy hoạch ban đầu, cảng hàng không này được xây dựng theo tiêu chuẩn cấp 4C; tuy nhiên mới đây nhà đầu tư và tỉnh Quảng Trị đã đề nghị cho phép nâng lên cấp 4E, nhằm mở rộng năng lực tiếp nhận các loại máy bay thân rộng như Boeing 777, Airbus A350, phục vụ mục tiêu kết nối quốc tế và phát triển vùng trung tâm Bắc Trung Bộ.

Doanh nghiệp tư nhân với khát vọng định hình diện mạo hạ tầng mới của quốc gia - 3

Cảng hàng không Quảng Trị có quy mô hơn 265ha, tổng mức đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng.

Ông Đỗ Quang Hiển, nhà sáng lập, Chủ tịch điều hành tập đoàn T&T Group, cho biết dành nhiều tâm huyết cho mảnh đất Quảng Trị. Sân bay Quảng Trị không chỉ đơn thuần phục vụ phát triển kinh tế địa phương, mà còn là công trình tiếp nối và tri ân vùng đất anh hùng.

Không dừng ở đó, T&T cũng đang có kế hoạch phát triển một tổ hợp công nghiệp hàng không - logistics - dịch vụ - thương mại - đô thị sân bay với quy mô khoảng 10.800ha (riêng tổ hợp công nghiệp hàng không khoảng 7.000ha) đặt tại tỉnh Quảng Trị; gồm đầy đủ các khu chức năng cho một tổ hợp công nghiệp hàng không như: bảo trì bảo dưỡng máy bay, sản xuất lắp ráp linh kiện phụ tùng máy bay, thiết bị bay, sản xuất và thử nghiệm máy bay…, khu dịch vụ kho vận và trung chuyển hàng hóa (logistics hub), khu hàng không sáng tạo, khu trung tâm dịch vụ hiện đại và đô thị sân bay. Nếu triển khai thành công ý tưởng này, đây sẽ là mô hình tổ hợp công nghiệp hàng không - đô thị sân bay đầu tiên tại Việt Nam.

Doanh nghiệp tư nhân với khát vọng định hình diện mạo hạ tầng mới của quốc gia - 4

Phối cảnh tổ hợp đô thị sân bay Quảng Trị (Ảnh: CPG Corporation Singapore).

T&T Group cũng là tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tiên của Việt Nam trở thành cổ đông chiến lược của cảng Quảng Ninh - cảng nước sâu nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của Việt Nam.

Dù khá kín tiếng khi tham gia vào lĩnh vực hạ tầng, song nếu quan sát những bước đi chiến lược của T&T Group trong nhiều năm trở lại đây, dễ dàng nhận thấy T&T Group đang dần khẳng định vị thế của một tập đoàn kinh tế tư nhân chủ lực về các dự án hạ tầng quy mô lớn đã, đang và sắp triển khai trên khắp cả nước.

Cùng với sân bay Quảng Trị, cảng Quảng Ninh, siêu cảng logistics thông minh Việt Nam SuperPort tại Vĩnh Phúc, cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ, tập đoàn đang thể hiện tầm nhìn lớn với tổ hợp công nghiệp hàng không - đô thị sân bay Quảng Trị và hãng hàng không Vietravel Airlines. Hệ sinh thái khép kín của T&T Group sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển vận tải đa phương thức cũng như tạo ra sự cạnh tranh và đột phá cho ngành logistics nhiều tiềm năng của Việt Nam.

Bức tranh hạ tầng của T&T Group không chỉ dừng lại ở hạ tầng giao thông, cảng biển, logistics. Tập đoàn cho hay đang tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư, trở thành một tập đoàn chủ lực về phát triển hạ tầng năng lượng - đúng theo tinh thần Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hiện T&T Group đã hoàn thành đầu tư hàng chục dự án điện mặt trời, điện gió tại khu vực ven biển miền Trung và Tây Nguyên với công suất 50-100MW; đang xây dựng dự án LNG Hải Lăng công suất 1.500 MW (giai đoạn 1) tại Quảng Trị, dự án điện gió Savan 1 công suất 300 MW (giai đoạn 1) tại Lào…

Điều này cũng phù hợp với định hướng trong Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó nhấn mạnh: Chú trọng phát triển hạ tầng năng lượng, nhất là năng lượng mới, năng lượng sạch và bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển khoa học, công nghệ, các ngành công nghiệp chiến lược.

T&T không chỉ đang đầu tư vào năng lượng tái tạo mà còn từng bước xây dựng nền tảng cho hệ sinh thái công nghiệp công nghệ cao, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia - nền tảng quan trọng cho một nền kinh tế hiện đại và độc lập.

Những tuyến đường cao tốc giải phóng tiềm năng kinh tế chiến lược

Để hiện thực hóa mục tiêu 5.000km cao tốc đến năm 2030, những dự án cao tốc đang triển khai khắp các miền đất nước, ghi dấu ấn các doanh nghiệp tư nhân lớn. Ngày 29/6, cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương (giai đoạn 1) do liên danh T&T Group - Futa Group - Phương Thành đầu tư được khởi công tại Lâm Đồng.

Doanh nghiệp tư nhân với khát vọng định hình diện mạo hạ tầng mới của quốc gia - 5

Các đại biểu bấm nút khởi công dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương.

Dự án có tổng vốn đầu tư 17.718 tỷ đồng, dài hơn 73,6km, vận tốc thiết kế 100km/giờ, khi hoàn thành sẽ trở thành mắt xích quan trọng trên trục Dầu Giây - Liên Khương dài hơn 200km, rút ngắn thời gian di chuyển từ TPHCM đến Đà Lạt xuống chỉ còn 3 giờ.

Tuyến Bảo Lộc - Liên Khương sẽ được đồng bộ với hạ tầng hàng không của tỉnh, trong đó nổi bật là sân bay Liên Khương - một trong những cảng hàng không lớn nhất khu vực Tây Nguyên, đang được quy hoạch nâng cấp thành sân bay quốc tế. Sự kết nối chặt chẽ giữa đường bộ tốc độ cao và đường hàng không sẽ hình thành một hệ sinh thái giao thông hiện đại, góp phần đưa Lâm Đồng trở thành trung tâm trung chuyển chiến lược của toàn vùng Nam Tây Nguyên - duyên hải miền Trung - Đông Nam Bộ. Giá trị của tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương không chỉ nằm ở gần 74km, mà còn giải phóng tiềm năng cho cả hành lang kinh tế chiến lược dài hàng trăm cây số, tạo ra động lực tăng trưởng mới cho cả vùng.

Bên cạnh việc tham gia dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, T&T cũng đăng ký trở thành nhà đầu tư dự án thành phần 3 - đầu tư xây dựng Vành đai 4 và đang chờ chủ trương để có thể xúc tiến thực hiện.

Theo TS Phan Lê Bình, Trưởng đại diện Công ty tư vấn OCG - Nhật Bản, việc mở rộng cơ chế cho tư nhân tham gia đầu tư vào hạ tầng rất cần thiết, huy động được tiềm lực tài chính, sự năng động của doanh nghiệp tư nhân nhiều hơn.

Doanh nghiệp tư nhân với khát vọng định hình diện mạo hạ tầng mới của quốc gia - 6

Phối cảnh cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương.

Sự kiện khởi công cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương và Vietravel Airlines đón tàu bay đầu tiên thuộc sở hữu của hãng là hai điểm nhấn gần nhất trong hành trình mở rộng hệ sinh thái hạ tầng - giao thông - logistics - hàng không mà Tập đoàn T&T Group đang theo đuổi. Đây là mô hình phát triển hiện đại mà các tập đoàn tư nhân lớn tại Việt Nam đang hình thành: tổng lực - tích hợp - đa phương thức, theo chuẩn quốc tế.

Không chỉ là nhà đầu tư sân bay, cảng biển hay cao tốc, T&T Group đang đi theo con đường khác biệt: tạo ra một hệ sinh thái hạ tầng hoàn chỉnh gồm năng lượng, cảng biển, hàng không, logistics, đường bộ cao tốc, đô thị, bất động sản….

Trong bối cảnh chính sách đã “cởi trói” với khu vực tư nhân, những doanh nghiệp như T&T đang góp phần xác lập nền hạ tầng hiện đại, đồng bộ và đa kết nối - yếu tố sống còn để Việt Nam vươn mình trở thành trung tâm sản xuất, logistics và hàng không hàng đầu trong khu vực.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả nhận định: “Việc lựa chọn các lĩnh vực xương sống của nền kinh tế là một minh chứng cho tinh thần phụng sự và trách nhiệm xã hội của T&T. Đây là hình mẫu về vai trò tích cực của khu vực kinh tế tư nhân trong tiến trình phát triển đất nước, đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”.

Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-tu-nhan-voi-khat-vong-dinh-hinh-dien-mao-ha-tang-moi-cua-quoc-gia-20250702094603741.htm


Chủ đề: T&T Group

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm