Cuối năm 2024, nhiều DN đã tập trung tìm kiếm thị trường và có kế hoạch sản xuất khá phấn khởi, với số đơn hàng đảm bảo đến nửa năm, thậm chí cho cả năm 2025. Thông qua nhiều kênh từ trực tiếp đến gián tiếp, các công ty liên tục tuyển dụng lao động, nhưng vẫn gặp khó vì số lượng tuyển vào khá thấp, mặc dù đã áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút lao động ở địa phương. Hiện nay, đại diện các công ty duy trì đến từng huyện để phối hợp cùng ngành chức năng tuyên truyền, giới thiệu, tư vấn lao động trực tiếp… nhằm tiếp cận nguồn lao động đang tìm việc.
Khu Công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành) và Bình Long (huyện Châu Phú) có 6 DN FDI, 2 DN chế biến thủy sản. Tuy có phần băn khoăn về việc áp thuế của Hoa Kỳ, song đại diện các DN cho biết vẫn đẩy mạnh sản xuất và chờ đợi kết quả đàm phán của Việt Nam. Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh An Giang Trần Lưu Phong, thông tin, đầu năm đến nay, tình hình các DN hoạt động ổn định. DN ngày càng quan tâm chăm lo các chính sách tốt hơn cho người lao động (NLĐ). Trong đó, nhiều DN tiếp tục tuyển dụng lao động đáp ứng phục vụ các đơn hàng. Tổ chức công đoàn luôn đồng hành cùng DN tuyển dụng lao động, vừa góp phần tạo việc làm cho NLĐ ở địa phương, vừa tạo nguồn phát triển đoàn viên.
Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tuyển nguồn lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất - kinh doanh
Trong khu công nghiệp, các công ty đang tuyển số lượng lớn lao động, như: Công ty TNHH An Giang Samho (2.000 lao động); Công ty TNHH NV Apparel (1.500 lao động); Công ty TNHH Universal Apparel (1.200 lao động)… Thông tin về chế độ, phúc lợi đi kèm cũng được công khai. Điển hình tại Công ty TNHH NV Apparel, công ty không yêu cầu lao động có trình độ chuyên môn, nếu không có tay nghề may, công ty vẫn nhận và đào tạo trong 6 ngày. Trong thời gian đào tạo, NLĐ vẫn được nhận lương như công nhân thử việc, sau đào tạo sẽ ký hợp đồng lao động. Ngoài mức lương cơ bản, khi ký hợp đồng chính thức, NLĐ còn hưởng thêm các phụ cấp, như: Chuyên cần, xăng xe, ăn trưa, có con nhỏ dưới 6 tuổi, thưởng sản lượng, tiền trách nhiệm…
Thông tin tuyển dụng của các DN được đăng tải trên nhiều kênh, kể cả trang thông tin của các huyện, xã. DN còn gửi văn bản đến các cơ quan chức năng, Trung tâm Dịch vụ việc làm đề nghị hỗ trợ truyền thông, giới thiệu. Đồng thời, phối hợp chính quyền địa phương trực tiếp đến địa bàn dân cư, mời đối tượng trong độ tuổi lao động đến tham gia tư vấn. “Kết quả tuyển dụng so nhu cầu thực tế của các DN chỉ đạt 30% - 40% thực tế. Một phần nguyên nhân do đối tượng đến dự tư vấn, giới thiệu việc làm không nằm trong độ tuổi lao động; phần khác, lao động cho rằng chính sách của công ty chưa đủ thuyết phục. Ghi nhận thực tế thì công ty nào có chính sách cho lao động tốt, ở đó thu hút được lao động thuận lợi hơn” - ông Phong chia sẻ.
Thực tế, lượng lao động đang thiếu việc làm hiện nay cũng không ít. “Cung” vẫn chưa gặp “cầu” do chênh lệch yêu cầu, trình độ, tay nghề chuyên môn và cả những mong đợi từ 2 phía. Nhiều ngành nghề mới theo tính chất tự do đang có sức hút với nhiều lao động trẻ tuổi. Anh Linh, làm nghề giao hàng ở TP. Long Xuyên cho biết, trước đây anh cũng làm công nhân, nhưng chuyển sang công việc mới thấy phù hợp hơn, thu nhập cao, chủ động thời gian linh hoạt. Trong khi đó, lao động nữ muốn chọn việc ở gần gia đình, thuận lợi chăm sóc con cái, cha mẹ, kinh doanh online, dù nguồn thu nhập không cao so với đi làm cố định nhưng bù lại chi phí sinh hoạt thấp. Tìm kiếm việc làm trong DN, NLĐ cũng thận trọng hơn, mong muốn sự ổn định, phúc lợi lâu dài, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động.
Theo thống kê, hiện có 29 DN mở rộng quy mô sản xuất nên cần tuyển thêm 6.697 lao động, tập trung vào ngành may mặc, da giày, chế biến thực phẩm… Ngoài các DN ở 2 khu công nghiệp lớn, một số DN đóng trên địa bàn huyện, thành phố cũng đang tăng cường tuyển thêm lao động, như: Chi nhánh 4 Công ty Cổ phần TBS An Giang tại TP. Long Xuyên (500 lao động), Công ty TNHH Long Seafood - AG tại huyện Châu Thành (200 lao động), Công ty Cổ phần may Việt Mỹ tại TP. Châu Đốc (200 lao động), Công ty Cổ phần Thủy sản An Mỹ tại huyện Thoại Sơn (200 lao động), Công ty TNHH Dream An Giang tại huyện Chợ Mới (200 lao động)…
Theo đánh giá của ngành chức năng, ngoài những yêu cầu đối với DN về cải thiện chính sách thu hút và giữ chân nhân sự một cách hiệu quả, cần chú trọng kết nối cung - cầu lao động một cách tích cực và hiệu quả hơn; thông tin giữa người tìm việc và việc tìm người chặt chẽ, chi tiết, thuyết phục… NLĐ là nguồn lực quan trọng của DN, ngoài thực hiện tốt các chế độ, chính sách theo quy định, họ còn mong muốn có sự quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, cải thiện môi trường làm việc để yên tâm gắn bó lâu dài với công việc.
MỸ HẠNH
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/doanh-nghiep-van-kho-tuyen-lao-dong-a418922.html
Bình luận (0)