Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Doanh nhân sẽ cùng xây dựng đất nước hùng cường

Không chỉ đặt trọng tâm, động lực phát triển đất nước vào khu vực tư nhân, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị lần đầu tiên đề cập tới việc huy động đội ngũ doanh nhân xuất sắc tham gia quản trị đất nước. Có thể nói, lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp Việt chưa bao giờ được trao cơ hội lớn như bây giờ để cống hiến hết trí lực đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên11/05/2025

Góp tiếng nói mạnh mẽ xây dựng chính sách phát triển kinh tế

Nội dung cuối cùng trong phần giải pháp để xây dựng khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia mà Nghị quyết 68 đưa ra là tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước. Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các doanh nhân, doanh nghiệp (DN) điển hình, tiên tiến, kinh doanh hiệu quả, bền vững, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, tham gia tích cực các hoạt động vì cộng đồng. Huy động đội ngũ doanh nhân xuất sắc, có tâm, có tầm tham gia quản trị đất nước.

Doanh nhân sẽ cùng xây dựng đất nước hùng cường- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp VN và Hội Doanh nhân tư nhân VN ngày 11.10.2024

ẢNH: TTXVN

TSKH Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM, cho rằng Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong tư duy về kinh tế tư nhân, khi lần đầu tiên nhấn mạnh vai trò của doanh nhân trong quản trị đất nước. Điều này có thể mang lại những tác động sâu rộng đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Việc khuyến khích doanh nhân tham gia vào quản trị đất nước giúp họ có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc xây dựng chính sách kinh tế; tạo động lực cho DN tư nhân đầu tư vào công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh. Khi có sự tham gia trực tiếp của khối doanh nhân, chính sách hỗ trợ DN tư nhân có thể được thiết kế phù hợp hơn với thực tế, giúp giảm bớt rào cản pháp lý và hành chính. Từ đó, DN tư nhân có thể đóng vai trò lực lượng tiên phong trong hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hơn thế, chính sách mới có thể giúp VN thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo động lực cho DN tư nhân mở rộng quy mô và thị trường.

"Việc doanh nhân tham gia quản trị đất nước giúp tăng cường sự hợp tác giữa DN tư nhân và các cơ quan nhà nước, tạo ra một hệ sinh thái kinh tế vững mạnh. Đồng thời, giúp DN tư nhân có cơ hội đóng góp vào các quyết sách quan trọng, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Tư duy mới này có thể tạo ra cú hích mạnh mẽ cho kinh tế tư nhân, giúp khu vực này phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế quốc gia", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Doanh nhân sẽ cùng xây dựng đất nước hùng cường- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các doanh nhân VN dự Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ DN, ngày 10.2.2025

ẢNH: TTXVN

Phân tích rõ hơn yêu cầu huy động đội ngũ doanh nhân xuất sắc, có tâm, có tầm tham gia quản trị đất nước, ông Trần Quang Thắng chỉ rõ nội dung này có thể được hiểu theo hai cách. Đầu tiên là đưa các doanh nhân tham gia vào quá trình hoạch định chính sách. Lực lượng doanh nhân có thể đóng vai trò quan trọng trong việc góp ý, phản biện chính sách thông qua các hiệp hội DN, diễn đàn kinh tế, và các cơ chế tham vấn chính thức. Điều này giúp chính sách kinh tế phản ánh đúng thực tiễn, hỗ trợ DN phát triển bền vững. Thứ hai là doanh nhân có thể hợp tác với cơ quan nhà nước trong quản lý kinh tế như tham gia vào các hội đồng tư vấn, nhóm nghiên cứu chính sách hoặc các chương trình hợp tác công - tư để thúc đẩy cải cách kinh tế. Điều này giúp tăng cường sự liên kết giữa khu vực tư nhân và nhà nước, tạo môi trường kinh doanh minh bạch và hiệu quả hơn.

"Khi doanh nhân được công nhận là một lực lượng quan trọng trong quản trị đất nước, họ sẽ có động lực mạnh mẽ hơn để đầu tư vào các lĩnh vực mới, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Việc phản biện chính sách một cách trung thực và kịp thời giúp loại bỏ các rào cản pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Huy động doanh nhân tham gia quản trị đất nước không chỉ giúp cải thiện chính sách kinh tế mà còn tạo ra một hệ sinh thái kinh doanh năng động, thúc đẩy sáng tạo và đổi mới trong khu vực tư nhân", TSKH Trần Quang Thắng khẳng định.

Việc thực hiện Nghị quyết 68 không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ, mà còn cần sự chủ động từ DN và sự hỗ trợ từ xã hội. Nếu được đồng lòng triển khai đúng hướng, khu vực kinh tế tư nhân sẽ trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế VN.

TSKH Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM

Nâng cao nền quản trị quốc gia

Thực tế, việc đưa các doanh nhân tham gia vào hệ thống quản trị đất nước đã được manh nha đề xuất trong thời gian qua. Phát biểu tại tổ thảo luận về dự án luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) hôm 7.5, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã nêu một trường hợp đầy băn khoăn về việc tuyển dụng một giám đốc ngân hàng tư nhân về cống hiến cho nhà nước. Ông Thanh cho biết, theo quy định hiện nay, người 45 tuổi không được vào công chức. Vì thế, muốn lấy một giám đốc ngân hàng tư nhân hoặc lấy một nhà khoa học ở viện nghiên cứu của tư nhân về để giúp cho nhà nước các lĩnh vực mà họ giỏi nhưng không thể thực hiện được vì vướng luật.

Doanh nhân sẽ cùng xây dựng đất nước hùng cường- Ảnh 3.

Doanh nhân VN đang được trao cơ hội lớn để cống hiến hết trí lực đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới

ẢNH: TTXVN

Ngược lại, theo ông Trần Sỹ Thanh, có những lao động nhà nước ra ngoài làm việc cho các DN tư nhân lại rất tốt, vì họ đã hiểu cơ quan nhà nước nên tư vấn, tham mưu, giúp việc rất hiệu quả. "Tại sao chúng ta không lấy được phần tư nhân vào nhà nước? Bộ Chính trị và Trung ương đã đề cập đến vấn đề này, và đề nghị phải sửa đổi, bổ sung quy định này cho hợp lý để thực hiện, nhằm tăng trưởng, nâng cao nền quản trị quốc gia. Nếu không có sự giao lưu, giao thoa giữa cán bộ khối nhà nước và tư nhân và nếu chỉ loay hoay ở khối công chức nhà nước thì cán bộ không thể hiểu hết được nhiều vấn đề như các loại hình kinh doanh, vận hành xã hội, kinh tế, văn hóa…", Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đặt vấn đề.

PGS-TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, nhìn nhận Nghị quyết 68 sẽ hình thành một nền tảng cơ bản giải quyết những vướng mắc về luật trong việc thu hút nhân tài từ khối DN tư nhân vào khu vực nhà nước. Theo ông, từ trước đến nay, Chính phủ cũng luôn lắng nghe ý kiến, góp ý từ cộng đồng DN nhưng chủ yếu thông qua các hiệp hội ngành nghề hay tổ chức đại diện DN cả nước là Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI). Các DN luôn được khuyến khích bày tỏ ý kiến, phản biện các chính sách mọi lúc mọi nơi. Chính phủ và các cơ quan ngang bộ cũng tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ trực tiếp với cộng đồng DN để nghe hiến kế cho các chính sách, vấn đề phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tinh thần này, tư duy này được đưa trực tiếp vào một văn kiện của Đảng, trong đó nêu rõ cần thiết lập mối quan hệ giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền với DN chặt chẽ, thực chất, chia sẻ cởi mở, chân thành.

"Việc này hợp cùng một dòng tư tưởng với quan điểm chỉ đạo xem kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia đã được nhắc đến từ đầu trong Nghị quyết 68. Khi xem lực lượng kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, chủ chốt thì phải lắng nghe ý kiến, tạo điều kiện để DN, doanh nhân tham gia quá trình xây dựng các văn bản, quy định nhiều hơn. Từ đó, nâng cao nền quản trị quốc gia theo hướng thực chất hơn, đúng và trúng hơn. Về phía các hiệp hội ngành nghề, cần phát huy hơn nữa vai trò đại diện DN, chủ động đóng góp ý kiến trong các văn bản, thực hiện chính sách của cơ quan nhà nước. Nếu không thực hiện tốt điều này có nghĩa là các hiệp hội chưa làm tròn vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình", PGS-TS Võ Đại Lược nhìn nhận.

Chuyển hóa khu vực kinh tế tư nhân từ "được thừa nhận" sang "được dẫn dắt và khơi dậy"

Đánh giá tổng quát những sự thay đổi đột phá của Nghị quyết 68, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, khẳng định nghị quyết không chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt trong phát triển kinh tế tư nhân, mà còn mang một tầm nhìn chiến lược dài hạn, góp phần cụ thể hóa mục tiêu lớn của đất nước đến năm 2045: trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao, có nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập sâu rộng, hiệu quả.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết xác định rõ rằng khu vực kinh tế tư nhân sẽ đóng vai trò then chốt, là trụ cột song hành cùng khu vực kinh tế nhà nước để tạo ra sự đột phá trong tăng trưởng, năng suất và sức cạnh tranh quốc gia. Đây là một bước chuyển có tính chiến lược: thay vì tiếp tục phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư công hoặc vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) như trong các giai đoạn phát triển trước, VN đang chủ động chuyển sang một mô hình phát triển lấy nội lực làm nền tảng, lấy khu vực tư nhân làm động lực dẫn dắt.

Sự chuẩn bị này không chỉ là về chính sách, mà còn là về thể chế, hạ tầng và năng lực con người - để bảo đảm rằng DN tư nhân VN có thể vươn lên ngang tầm khu vực, từng bước tham gia và làm chủ các chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt trong những ngành nghề có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa và hàm lượng công nghệ lớn. Cùng với đó, việc khuyến khích doanh nhân tham gia quản trị đất nước còn thể hiện quyết tâm chuyển hóa khu vực kinh tế tư nhân từ "được thừa nhận" sang "được dẫn dắt và khơi dậy". Điều này thể hiện một sự thay đổi mang tính hệ thống, gắn với chiến lược phát triển quốc gia trong thời kỳ mới.

Tuy nhiên, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn lưu ý Nghị quyết chỉ là khởi đầu, khâu thực thi mới là yếu tố quyết định thành bại. Nhiều nghị quyết trước đây cũng đã đặt ra những chủ trương rất tiến bộ, nhưng rốt cuộc rơi vào tình trạng trên nóng dưới lạnh, quan điểm hay nhưng thực thi kém. Để Nghị quyết 68 thực sự đi vào cuộc sống và tạo chuyển biến cho khu vực tư nhân, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn kiến nghị cần tập trung một số điểm then chốt như: Cụ thể hóa bằng hệ thống pháp luật, chính sách rõ ràng, minh bạch từ sửa đổi các luật về đầu tư, đất đai, đấu thầu, tín dụng đến các nghị định, thông tư hướng dẫn. Cải cách mạnh thể chế thực thi, khắc phục bộ máy trung gian chây ì, trên bảo dưới không nghe. Trung ương cần có cơ chế giám sát độc lập, minh bạch quá trình thực hiện, đặc biệt ở các cấp chính quyền địa phương. 

Ngoài ra, trách nhiệm cá nhân của cán bộ thực thi cũng phải được gắn rõ với kết quả cải thiện môi trường kinh doanh. Cùng với đó, thiết lập cơ chế đối thoại và phản hồi từ DN tư nhân, tuyệt đối không để DN tư nhân kêu gào trong im lặng, hoặc "chạy xin" để tồn tại. Cải thiện năng lực hỗ trợ, không chỉ mở cửa mà phải dẫn đường.

"Quan trọng nhất là kiên trì thực hiện, không để Nghị quyết rơi vào đợt cao điểm rồi nguội lạnh. Chúng ta thấy có một sai lầm phổ biến là chỉ tập trung thực hiện Nghị quyết trong 1 - 2 năm đầu theo phong trào rồi dần buông lơi. Với Nghị quyết 68, cần một chương trình hành động dài hạn, có mục tiêu đo lường cụ thể theo từng giai đoạn, đồng thời có chế độ báo cáo, giám sát minh bạch để đảm bảo không bị "đánh trống rồi bỏ dùi", TS Đỗ Thiên Anh Tuấn lưu ý.

Đồng quan điểm, theo TSKH Trần Quang Thắng, để Nghị quyết 68 thực sự phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân, cần có những hành động cụ thể và quyết liệt từ cả Chính phủ, DN và xã hội. Ngoài những giải pháp đã được nêu rõ thì cần tăng cường sự liên kết giữa DN tư nhân và nhà nước để phát triển các dự án lớn. Bên cạnh đó, hoàn thiện mô hình quỹ bảo lãnh tín dụng để giúp DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn dễ dàng hơn; hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ vào quản lý và sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh; cho phép thử nghiệm có kiểm soát để thúc đẩy sáng tạo mà không lo rủi ro pháp lý; tạo động lực để DN tư nhân mở rộng quy mô, vươn ra thị trường quốc tế…

"Việc thực hiện Nghị quyết 68 không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ, mà còn cần sự chủ động từ DN và sự hỗ trợ từ xã hội. Nếu được đồng lòng triển khai đúng hướng, khu vực kinh tế tư nhân sẽ trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế VN", TSKH Trần Quang Thắng chia sẻ thêm.

Mục tiêu của Nghị quyết 68

Đến năm 2030

- Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối khác của Đảng.

- Phấn đấu có 2 triệu DN hoạt động trong nền kinh tế, 20 DN hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 DN lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

- Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10 - 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84 - 85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5 - 9,5%/năm.

- Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.

Tầm nhìn đến năm 2045

Kinh tế tư nhân VN phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu DN hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.

Xây dựng luật riêng cho DN tư nhân VN

Để thực hiện đúng tinh thần, tư duy đổi mới của Nghị quyết 68, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, PGS-TS Võ Đại Lược đề xuất phải xây dựng luật DN tư nhân và luật này chỉ dành riêng cho DN VN. Trong đó, cụ thể hóa tư tưởng, giải pháp từ Nghị quyết 68. Các DN tư nhân trong nước cần phải được ưu tiên ngang bằng với khối DN FDI và thậm chí còn phải được ưu đãi hơn. Từ đó mới thật sự tạo điều kiện, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân sáng tạo, đổi mới và phát triển mạnh mẽ. Để xây dựng luật nhanh và đưa vào áp dụng thì phải có lựa chọn. Singapore với thể chế, quy định tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho DN phát triển là hình mẫu để VN có thể xem xét, tham khảo xây dựng luật dành cho DN tư nhân.

Thanhnien.vn

Nguồn:https://thanhnien.vn/doanh-nhan-se-cung-xay-dung-dat-nuoc-hung-cuong-185250510221953414.htm




Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

 Mê cung xanh rừng Sác
Nhiều bãi biển ở Phan Thiết rợp cánh diều gây ấn tượng cho du khách
Lễ duyệt binh Nga: Những góc quay 'tuyệt đối điện ảnh' khiến người xem sửng sốt
Xem lại tiêm kích Nga trình diễn ngoạn mục trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm