Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Độc đáo Lễ hội Thắk Côn

Lễ hội Thắk Côn (Lễ Cúng Dừa) của người Khmer, thuộc địa bàn xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng (cũ); nay là xã An Ninh, TP Cần Thơ; vừa được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Báo Cần ThơBáo Cần Thơ02/07/2025

Lễ hội Thắk Côn ở xã An Ninh, TP Cần Thơ.

Lễ hội Thắk Côn hay còn gọi là Lễ Cúng Dừa, là một lễ hội độc đáo riêng biệt của đồng bào Khmer ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng (cũ), nay là xã An Ninh, TP Cần Thơ. Lễ hội được hình thành theo truyền thuyết cách nay khoảng 300 năm, được duy trì, bảo tồn và trao truyền qua nhiều thế hệ.

Lễ hội Thắk Côn diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 13-3 đến ngày 17-3 âm lịch hằng năm, trong đó nghi thức khai hội bắt đầu từ rằm tháng 3 âm lịch. Lễ hội mang ý nghĩa cầu an của đồng bào Khmer Nam Bộ, bắt nguồn từ một truyền thuyết về gò đất nổi lên, khi dẫm chân lên có âm thanh vang như tiếng cồng. Qua quá trình lịch sử, sự kiện này dần dần được linh thiêng hóa và trở thành tín ngưỡng dân gian mang đậm dấu ấn của cư dân nông nghiệp. Bên cạnh đó, lễ hội còn phản ánh tư duy của nghề nông khi ngay từ thời điểm tổ chức, người nông dân bắt đầu vào mùa vụ mới và mừng một mùa thu hoạch. Việc lựa chọn sản vật dâng cúng cùng với nguyện ước tạ ơn trời đất, thần linh, ông bà phù hộ cho mùa màng tươi tốt hoặc tạ ơn bề trên đã cho một mùa bội thu. Lễ hội Thắk Côn có vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục truyền thống... nhắc nhở mọi người sống thiện, sống đẹp để ngày một hoàn thiện bản thân. Lễ hội được tổ chức đều đặn hằng năm, mang tính giao lưu văn hóa các dân tộc, quảng bá du lịch của địa phương và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Đặc biệt, Lễ hội Thắk Côn còn có một dấu ấn riêng là các slathodon (bình bông làm bằng trái dừa), tượng trưng cho sự thanh khiết và mong cầu mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an. Thực hành di sản lễ hội truyền thống này đã tạo nên sự cố kết cộng đồng, sự đoàn kết, giao lưu văn hóa giữa cộng đồng người Khmer với người Kinh, người Hoa trên địa bàn huyện Châu Thành và các vùng lân cận.

Trong Lễ công bố Quyết định và trao Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Thắk Côn vào cuối tháng 6 vừa qua, lãnh đạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch địa phương khẳng định lễ hội cũng là dịp để nhân dân và du khách tham gia trải nghiệm, khám phá những di sản văn hóa giàu bản sắc như nghệ thuật trình diễn dân gian Dù kê, nghệ thuật múa Chhay-dăm, múa Rom Vong, nhạc Ngũ âm... làm cho không gian của phần hội luôn mới mẻ, tươi vui, bên cạnh những nghi lễ truyền thống trang trọng và linh thiêng. Đồng thời đề xuất, ngành chức năng tham mưu cấp thẩm quyền định hướng giải pháp phát huy giá trị và mở rộng về quy mô, nâng cao về chất lượng hoạt động tổ chức lễ hội trong thời gian tới. Đưa lễ hội vào Chương trình phát triển văn hóa của Chính phủ; tuyên truyền, giới thiệu và khai thác Lễ hội Thắk Côn thành sản phẩm du lịch đặc trưng, gắn với quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng cư dân địa phương.

DUY LỮ

Nguồn: https://baocantho.com.vn/doc-dao-le-hoi-thak-con-a188078.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm