Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Độc lạ bảo vật quốc gia: Thạp đồng Hoàng Long kể chuyện hiến tế người

Những hình ảnh hiến tế trên thạp đồng Hoàng Long (văn hóa Đông Sơn) cho thấy sự thay đổi của tập tục này qua thời gian. Thạp đồng này được công nhận là Bảo vật quốc gia vào cuối năm ngoái.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên07/07/2025



Nghi lễ hiến tế người sớm nhất được biết đến

Bảo vật quốc gia Thạp đồng Hoàng Long hiện thuộc bộ sưu tập của nhà sưu tập Lương Hoàng Long (P.Hội An, TP.Đà Nẵng; trước đây là TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam). Thạp có chiều cao (tính cả nắp) là 58 cm, đường kính miệng thạp 39 cm, đường kính chân đế thạp 35,5 cm. Bảo vật do cha ông của ông Long sưu tầm và truyền lại.

Độc lạ bảo vật quốc gia: Thạp đồng Hoàng Long kể chuyện hiến tế người- Ảnh 1.

Hình những chú chó săn được đánh giá là vô cùng sinh động

ẢNH: CỤC DI SẢN VĂN HÓA CUNG CẤP

Thạp đồng Hoàng Long có phần nắp thạp với ngôi sao ở chính giữa. Nắp thạp còn có vành hoa văn với 4 chú chim bay ngược chiều kim đồng hồ. Chim có cánh xòe rộng, đuôi hình tam giác dài, mỏ dài, mắt là hình vòng tròn đồng tâm, có chùm lông sau gáy. Đặc biệt trên nắp thạp có tượng 4 con chó săn rất sinh động: Chó có thân thon, đầu có mắt và miệng, hai tai vểnh lên, đuôi nhọn và vểnh lên, 4 chân.

Phần thân thạp có 18 vành hoa văn. Trong đó vành 9 rộng nhất, cũng là vành hoa văn chủ đạo. Hồ sơ bảo vật cho biết vành hoa văn này mô tả một đoàn thuyền có hướng đi từ trái sang phải, gồm có 4 chiếc thuyền nối đuôi nhau. Trên cả 4 chiếc thuyền này đều có hoạt động hiến tế.

Ở thuyền đầu tiên, có người đứng chèo, người đứng ở sàn thuyền tay nắm tóc người hiến tế, người đánh trống tay đang giữ một người hiến tế, người cầm cung tên. Đặc biệt, có con gà đứng trên mũi thuyền và có chiếc xiếm ở dưới thuyền gần mũi (xiếm là công cụ để giúp thuyền được cân bằng khi di chuyển). Ở thuyền thứ hai, có người đứng chèo, người cầm rìu xéo và đầu lâu, người cầm dao găm đang túm tóc người chuẩn bị hiến tế... Thuyền thứ ba cũng có người hiến tế bị giam dưới khoang lầu, người cầm rìu túm tóc người hiến tế… Thuyền thứ tư có người tay túm tóc người hiến tế tay kia cầm mũi giáo…

Các nhà nghiên cứu đánh giá, hoa văn 4 chiếc thuyền này chính là hoa văn hiện thực đẹp nhất của thạp Hoàng Long. "Đây có lẽ là loại thuyền đi biển vì ngoài kích thước lớn lại chuyên chở nhiều người và đồ vật. Ngoài ra, thuyền còn có hoa văn chiếc xiếm ở phần trước mũi phía dưới của thuyền để giữ cân bằng. So sánh với các loại thuyền đơn giản có chức năng bơi chải khác trong các tài liệu và hiện vật thuộc văn hóa Đông Sơn thì không thấy có bộ phận này", hồ sơ bảo vật thạp Hoàng Long phân tích.

Cũng theo hồ sơ bảo vật, hình ảnh hiến tế người ngay giữa trung tâm thuyền được miêu tả rất rõ. Theo Hội đồng Di sản quốc gia, cảnh hiến tế này thỉnh thoảng vẫn gặp trên thạp đồng Đông Sơn, tuy nhiên hoa văn to rõ và sắc nét như trên thạp Hoàng Long thì rất hiếm gặp. "Trên thạp đồng Hoàng Long, đó là bằng chứng rõ nét nhất về nghi lễ hiến tế người sớm nhất trong lịch sử nước ta từng được biết đến", hồ sơ cho biết.

Những hình ảnh này cũng mở đường so sánh với các thực hành hiến tế sau này. Chẳng hạn, bắt người đi lạc vào làng để hiến tế thần Hổ ở làng Ngọc Cục, tỉnh Hải Dương, nay thuộc TP.Hải Phòng (theo Vũ Trung tùy bút, tục này đến 1.800 mới bỏ); hay lễ "khao lề thế lính" Hoàng Sa cầu cho những người lính bình an trở về bằng cách đóng con thuyền cùng tượng lính bằng gỗ rồi thả ra biển…

Chú gà trên mũi thuyền và những khối tượng chó

Các nhà nghiên cứu cũng đánh giá cao hoa văn hiện thực là hình ảnh con gà trống đứng trên mũi thuyền. Theo đó, dù gà xuất hiện nhiều trên trống và thạp đồng Đông Sơn, nhưng lại chưa có hiện vật nào có gà trống đứng trước mũi thuyền. Thông thường nó hay xuất hiện một mình ở cạnh hoạt cảnh người giã gạo.

Độc lạ bảo vật quốc gia: Thạp đồng Hoàng Long kể chuyện hiến tế người- Ảnh 2.

Thạp đồng Hoàng Long

ẢNH: CỤC DI SẢN VĂN HÓA CUNG CẤP

Theo hồ sơ bảo vật, gà là lễ vật quan trọng trong các nghi lễ cầu cúng của con người đến các vị thần linh: Hùng Vương thách cưới gà chín cựa trong Sơn Tinh, Thủy Tinh; An Dương Vương diệt yêu tinh gà trắng rồi mới xây được thành Cổ Loa… Với thạp Hoàng Long, gà đứng trước mũi thuyền còn được phỏng đoán là vật đối chứng về tỷ lệ để cho thấy sự to lớn của con thuyền. Cũng phải nói thêm, trên thuyền có hình ảnh trống đồng, gợi ý đến những chiếc thuyền vượt biển giao thương. Nhờ đó trống đồng loại I của ta còn xuất hiện tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Campuchia hay nam Trung Quốc.

Bên cạnh đó, khối tượng chó ở thạp đồng Hoàng Long cũng được đánh giá cao về độ sinh động, độc đáo. Những khối tượng này đều hướng lên phía ngôi sao trên đỉnh nắp của thạp, hai tai vểnh lên, miệng hơi há, hai chân trước duỗi ra như đang trong lúc đi săn. Theo hồ sơ bảo vật, chưa từng có chiếc thạp nào có bộ tượng chó tương tự. Các khối tượng chó trông rất đơn giản, chỉ khắc họa những đường nét cơ bản, nhưng cả 4 con như đang cùng phối hợp trong một chuyến đi săn. Nó cũng thể hiện trình độ luyện kim và đúc đồng điêu luyện, vượt xa các vùng khác trong khu vực Đông Nam Á.

Cũng theo hồ sơ của Cục Di sản văn hóa, tài liệu dân tộc học cho biết chó là vật tổ thiêng của người Cơ Tu, tộc người có những yếu tố tương đồng trong phong tục tập quán, được ví như hậu duệ của người Đông Sơn. Ông tổ chó cũng có mặt trong nhiều chuyện cổ của người Xê Đăng, S'tieng, Chăm, Dao, Lô Lô… Chính vì thế, sự tồn tại của khối tượng chó trên thạp đồng Hoàng Long có thể là "hóa thạch văn hóa" của quan niệm chó là vật tổ của một bộ tộc, dân tộc. (còn tiếp)


Nguồn: https://thanhnien.vn/doc-la-bao-vat-quoc-gia-thap-dong-hoang-long-ke-chuyen-hien-te-nguoi-185250707231853776.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm