Khu vực chăn nuôi được thiết kế khoa học, thoáng mát, tạo điều kiện cho gà sinh trưởng và phát triển tốt, sản lượng trứng bảo đảm yêu cầu. Mô hình mở ra hướng chăn nuôi mới cho người dân địa phương.
Hơn 10 loại phế phẩm thảo dược làm thức ăn cho gà
Anh Phong cho biết, ban đầu do nhu cầu cá nhân, anh nuôi gà ác đẻ trứng, tuy nhiên sau một thời gian nuôi thấy tỷ lệ trứng gà ác thấp, tìm hiểu thì biết giống gà Ai Cập tốt hơn, thịt gà khá dai, nên quyết định nuôi giống gà này. “Tôi nuôi gà Ai Cập được hơn 1 năm nay, hiện tại số lượng hơn 1.000 con gà, tỷ lệ đẻ trứng trên 70%, lượng trứng chỉ đủ cung cấp cho những người quen ở TP. Hồ Chí Minh. Khách hàng đặt hàng trước, một tuần tôi vận chuyển giao một lần”- anh Văn Thanh Phong chia sẻ.
Anh Văn Thanh Phong đang cho gà ăn.
Theo anh Phong, một trong những đặc điểm để anh lựa chọn giống gà này là tập tính của gà. Giống gà này sức đề kháng và mức độ sống trong tự nhiên rất tốt, có thể tự đi tìm thức ăn.
Trong quá trình chăn nuôi, anh quan tâm sản phẩm nông nghiệp sạch. Gà được cho ăn bằng cám ủ vi sinh, kèm theo là uống nước vi sinh cùng với men tỏi. Trong thức ăn của gà có một số loại thảo mộc để giúp cho gà có sức đề kháng. Anh Phong nuôi gà hoàn toàn không sử dụng kháng sinh.
Trong thức ăn, ngoài những loại dinh dưỡng cơ bản như bắp, đậu nành, lúa… anh Phong còn bổ sung thêm 10 loại phế phụ phẩm được tận thu từ các cơ sở sản xuất thảo mộc trên địa bàn. Sâm đương quy và phụ phẩm của cây đông trùng hạ thảo kết hợp với nghệ, men vi sinh rồi ủ chín trong vòng 24 giờ.
Sau đó sẽ ép viên để cho gà ăn vào các buổi trong ngày. Mô hình nuôi gà bằng thảo mộc không chỉ giúp gà tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng mà gà còn khoẻ mạnh tự nhiên. Nhờ vậy, anh Phong tiết kiệm đáng kể chi phí thuốc kháng sinh và các chất bổ sung so với chăn nuôi thông thường.
Các phế phẩm thảo dược dùng làm thức ăn cho gà.
Hệ thống đường nước sử dụng cho gà uống là hệ thống tự động. Anh Phong sử dụng nước sạch, kết hợp với nước men vi sinh. Qua những nguồn bổ sung như trên gà không cần dùng kháng sinh. Tuy nhiên, anh vẫn cho gà tiêm vaccine đầy đủ theo đúng lộ trình, độ tuổi, phòng bệnh.
Nhờ sự chịu khó, ham học hỏi, anh Phong tự trang bị thêm nhiều kiến thức cũng như kỹ thuật chăn nuôi giống gà mới này. Theo lời anh, để lứa gà mới thả nuôi đạt tỷ lệ sống cao, đến khi trưởng thành thể trạng tốt, cho sinh sản nhiều, thì khâu chọn giống là quan trọng nhất, cần nhập giống ở nơi có uy tín, bảo đảm chất lượng.
Xây dựng thương hiệu địa phương
Trong tháng đầu tiên, gà con được sử dụng cám để đủ dinh dưỡng. Sau giai đoạn này, gà bắt đầu sử dụng cám, men vi sinh và các loại thảo mộc. Khoảng 6 tháng gà bắt đầu đẻ trứng. Khi gà đẻ trứng được 3 tháng là chất lượng thịt tốt nhất, lúc đó xuất bán gà thịt.
Giai đoạn ban đầu, anh Phong mua gà giống từ phía Bắc, sau đó anh chủ động được nguồn giống tại chỗ để phát triển đàn gà. Hằng tháng, anh bổ sung được khoảng 500-600 con gà giống. Theo anh, quy mô trang trại sẽ phát triển hơn nếu anh có thêm diện tích đất rộng lớn. Hiện tại, mỗi ngày trang trại của anh thu hoạch tầm 700 trứng gà.
“Tiềm năng của mô hình nuôi gà Ai Cập lấy trứng khá cao. Sản lượng trứng thu được không đủ cung cấp cho thị trường. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích chuồng trại, phát triển đàn gia cầm để tăng thu nhập cho gia đình.
Giá trứng gà Ai Cập bán ra cao hơn so với giá trứng gà thông thường rất nhiều, khoảng 8 ngàn đồng/trứng. Sử dụng cám thảo dược nuôi gà mất thời gian hơn rất nhiều” - anh Phong cho biết thêm.
Song song việc chăn nuôi gà, anh Phong còn xây dựng đề án chăn nuôi heo. Hiện nay đề án chăn nuôi heo của anh đã được UBND tỉnh chấp thuận. Quy mô đề án là 6.000 con heo, nhưng hiện tại trang trại của anh chỉ nuôi hơn 3.000 con, nên chuồng trại gà của anh Phong rất thông thoáng.
Vấn đề an toàn sinh học, xử lý nước thải đều được anh Phong thực hiện bảo đảm, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải biogas. Phân heo trước khi vào hầm biogas được tách lọc phần chất thải rắn và phần nước, sau đó vào hầm lắng, rồi tới phần xử lý nước thải, xử lý bằng vi sinh và hoá chất.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh Phong mong muốn xây dựng thương hiệu Futifarm, gắn với địa phương. Anh hy vọng được chính quyền địa phương cho phép thuê một diện tích đất đủ rộng để mở rộng quy mô.
Nếu có khoảng 40-50 ha, anh có thể xây dựng trang trại nuôi gà quy mô hơn. Có thể kết hợp nuôi gà và trồng cây ăn trái để tăng thêm thu nhập. Trái cây không đạt chuẩn có thể dùng làm thức ăn cho gà.
Bà Lê Thị Ngọc Thuý- Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Châu cho biết, địa phương tiếp tục khuyến khích, động viên, duy trì các mô hình kinh tế đang hoạt động có hiệu quả trên địa bàn.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện và các xã, thị trấn cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của các mô hình kinh tế, đặc biệt là kinh tế tập thể, gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Châu, những năm gần đây, địa phương được xem là điểm đến của nhiều dự án chăn nuôi công nghệ cao. Tuy nhiên, chăn nuôi nông hộ vẫn còn chiếm tỷ trọng cao.
Trong bối cảnh chăn nuôi quy mô nhỏ gặp nhiều khó khăn trước sức ép từ các trang trại lớn và thị trường biến động, việc chọn giống nuôi đặc sản đang trở thành một hướng đi thông minh, giúp nhiều hộ chăn nuôi phát triển ổn định và hiệu quả.
Mô hình nuôi gà Ai Cập lấy trứng của anh Phong bên cạnh việc mang lại giá trị kinh tế còn góp phần định hình lại thói quen sản xuất nông nghiệp. Việc dám đầu tư, dám thay đổi tư duy, lấy sức khoẻ cộng đồng làm trung tâm đang mở ra một hướng đi mới cho ngành chăn nuôi địa phương - hướng đến phát triển nông nghiệp tuần hoàn, bền vững và có trách nhiệm với môi trường.
Hoàng Yến - Nhi Trần
Nguồn: https://baotayninh.vn/doc-la-giong-ga-nuoi-bang-thao-duoc-a189781.html
Bình luận (0)