Quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương góp phần nâng cao chất lượng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” - Ảnh: Đ.V
Tuyên truyền đi trước một bước
16 năm kể từ khi phát động, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần định hình lại thị trường nội địa, từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng, gia tăng niềm tin vào hàng hóa do chính người Việt sản xuất. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường mở cửa và thói quen tiêu dùng ngày càng thay đổi, hàng Việt đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập, kể cả trên “sân nhà”.
Tại Quảng Trị, công tác tuyên truyền thực hiện CVĐ được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và có chiều sâu. Phát huy vai trò trung tâm trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện, Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh đã được kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương để triển khai các hoạt động tuyên truyền sâu rộng đến từng nhóm đối tượng.
Công tác tuyên truyền được triển khai bài bản trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, nhất là Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 40-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nội dung CVĐ cũng được các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh chủ động lồng ghép vào chương trình hành động thường xuyên, gắn với tiêu chí đánh giá thi đua, từ đó tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động trong toàn xã hội.
UBND tỉnh tích cực hưởng ứng chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam- Tự hào hàng Việt Nam”, kết hợp với triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), nhằm xây dựng thương hiệu bền vững cho các sản phẩm đặc sản. Nhiều địa phương đã tổ chức các hội chợ OCOP, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu, như: Nước mắm Cảnh Dương, khoai deo Hải Ninh, tinh bột nghệ Lệ Thủy, dầu lạc Ba Đồn... kết hợp với ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc, livestream quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội. Sự phối hợp chặt chẽ này không chỉ góp phần lan tỏa CVĐ đến từng khu dân cư, từng hộ gia đình, mà còn tạo cơ hội thực tế để người dân được tiếp cận, dùng thử, đánh giá đúng chất lượng hàng Việt, từ đó dần hình thành thói quen tiêu dùng nội địa.
Ông Dương Tân Long, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh nhấn mạnh: “Công tác tuyên truyền không chỉ đơn thuần là giới thiệu sản phẩm, treo băng rôn, khẩu hiệu, mà phải là hoạt động kết nối- kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng, giữa niềm tin và hành động. Muốn vậy, cần đổi mới mạnh mẽ cách thức tiếp cận, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, ứng dụng chuyển đổi số trong triển khai CVĐ”.
Cũng theo ông Long, Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh luôn xác định rõ vai trò “cầu nối lòng dân” trong tuyên truyền CVĐ, bằng cách lồng ghép nội dung CVĐ gắn với 5 nội dung CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trong các buổi sinh hoạt khu dân cư, tổ tự quản, các hội nghị tiếp xúc cử tri...
Đồng thời, Ủy ban MTTQVN tỉnh cũng chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về hàng Việt; tổ chức các tuyến bài mang tính phát hiện, biểu dương điển hình tiên tiến trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nội địa. Qua đó, góp phần định hướng dư luận, tạo hiệu ứng lan tỏa, giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi tiêu dùng, từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
Nhiều sản phẩm địa phương sau khi được “lên sóng” đã nhanh chóng thu hút nhiều sự quan tâm. Người tiêu dùng không chỉ tiếp cận thông tin mà còn tương tác, đặt hàng, phản hồi ngay trên các nền tảng số, mở ra một không gian kết nối trực tiếp, hiệu quả giữa nhà sản xuất và người sử dụng. |
Truyền thông sáng tạo, xây dựng niềm tin
Không thể phủ nhận, một trong những hạn chế lớn của công tác tuyên truyền CVĐ thời gian qua là thiếu tính đột phá trong hình thức. Vì vậy, một hướng đi tất yếu đang được Quảng Trị triển khai là chuyển mạnh sang truyền thông sáng tạo, truyền thông số và truyền thông trải nghiệm.
Từ thay đổi nhận thức, người tiêu dùng ngày càng tin dùng, lựa chọn hàng Việt mỗi lần mua sắm - Ảnh: Đ.V
Các hội, đoàn thể, gồm: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên đã linh hoạt triển khai nhiều hình thức tuyên truyền mới, như: Các buổi livestream giới thiệu sản phẩm địa phương; video ngắn về nhận diện hàng thật- hàng giả; cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về hàng Việt; hội nghị biểu dương hộ sản xuất kinh doanh tiêu biểu... Qua đó, không chỉ giới thiệu hàng hóa, mà còn tôn vinh tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp và bản lĩnh vươn lên của người Việt, từ đó truyền cảm hứng tiêu dùng nội địa một cách bền vững.
Đặc biệt, năm 2025 cũng là năm tỉnh đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu, ứng dụng khoa học- công nghệ và chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. Những doanh nghiệp biết ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, tem chống hàng giả, bao bì thân thiện môi trường, giao diện số bắt mắt... sẽ được ưu tiên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, bình chọn sản phẩm tiêu biểu.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang tạo ra một không gian truyền thông hai chiều, nơi người tiêu dùng hiểu rõ giá trị hàng Việt, còn doanh nghiệp nội địa hiểu rõ vai trò của truyền thông để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát thị trường cũng được xem là một phần trong chiến lược tuyên truyền bằng hành động. Các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Việc làm này không chỉ góp phần lập lại trật tự thị trường mà còn mang tính chất tuyên truyền trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp, khẳng định quyết tâm của các cấp, ngành trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giữ gìn uy tín của hàng hóa sản xuất trong nước.
“Tuyên truyền không đơn thuần là thông tin, mà là sự lan tỏa giá trị, kết nối niềm tin, thúc đẩy tiêu dùng có trách nhiệm. Khi hàng Việt được hiểu đúng, được yêu mến bằng hành động, được lựa chọn không phải vì “ưu tiên miễn cưỡng” mà vì chất lượng, sự minh bạch và gắn bó chính là thành công lớn nhất của CVĐ và cũng là minh chứng cho hiệu quả của công tác tuyên truyền trong thời kỳ mới”, ông Dương Tân Long khẳng định.
Tâm An
Nguồn: https://baoquangtri.vn/doi-moi-tuyen-truyen-nang-tam-hang-viet-195767.htm
Bình luận (0)