Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đòn bẩy phát triển nông nghiệp ở Bắc Kạn

Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều hình thức hỗ trợ, hướng dẫn người dân phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Nhờ đó, nhiều loại cây trồng, vật nuôi đã được canh tác bài bản, có đầu ra ổn định, tạo thu nhập bền vững.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân16/05/2025

Khoai tây là cây trồng phổ biến ở huyện Na Rì nhiều năm trước. Tuy nhiên, phần lớn được người dân trồng tự phát, chủ yếu chuyển đổi cơ cấu cây trồng khi hạn hán. Đầu ra bấp bênh, sản phẩm chỉ tiêu thụ ở chợ xã, huyện nên thu nhập mang lại không cao, thiếu ổn định.

Từ năm 2020, được sự hỗ trợ, hướng dẫn của chính quyền địa phương, mô hình trồng khoai tây liên kết đã thay đổi tập quán canh tác nhỏ, lẻ này. Tại xã Trần Phú, người dân tổ chức trồng khoai tây liên kết với các hợp tác xã. Hợp tác xã ứng giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho các hộ dân. Đến vụ thu hoạch, hợp tác xã đứng ra bao tiêu sản phẩm. Theo cách này, sản phẩm thu được đồng đều, chất lượng tốt, giá ổn định, trong khi người dân không phải lo đầu ra.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Bình Minh Bàn Hữu Thân, vụ vừa qua, đơn vị triển khai trồng khoai tây liên kết trên địa bàn bảy xã của huyện Na Rì với diện tích gần 50 ha, tăng gấp đôi so với năm 2024. Do đã triển khai mô hình này vài năm nên người dân nắm vững kỹ thuật, yên tâm sản xuất, năng suất, chất lượng khoai tây bảo đảm. Thổ nhưỡng tại Na Rì phù hợp với cây khoai tây nên hợp tác xã tiếp tục duy trì trồng liên kết trong những năm tiếp theo.

Không chỉ khoai tây, việc tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết đã “nâng tầm” nhiều loại cây trồng vốn quen thuộc, trở thành nguồn thu nhập chính cho người dân vùng sâu, vùng xa. Tại cánh đồng Bản Mún, xã Dương Phong (huyện Bạch Thông), những vụ gần đây luôn phủ kín mầu xanh cây dưa chuột. Trước kia, ruộng lúa ở đây nếu đủ nước cũng chỉ cấy được hai vụ mỗi năm. Nay chuyển sang trồng dưa chuột liên kết với hợp tác xã, người dân có thể canh tác tới bốn vụ/năm. 1.000 m² trồng dưa chuột có thể mang lại thu nhập khoảng 20 triệu đồng/vụ, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa.

Bà Ma Thị Hạt, thôn Bản Mún, chia sẻ: Trước đây gia đình chỉ biết cấy lúa. Thấy các hộ khác trồng dưa chuột liên kết cho thu nhập ổn định, bà đã đăng ký tham gia. Được hợp tác xã hỗ trợ về giống, kỹ thuật nên 1.000 m2 ruộng lúa của gia đình bà nhanh chóng được thay bằng cây dưa chuột. Sau hơn một tháng, cây đã cho thu hoạch, thu nhập cao hơn trồng lúa nên thời gian tới bà sẽ tiếp tục tham gia trồng liên kết.

Nhờ chỉ đạo bài bản, tích cực lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ nên những năm qua, các huyện, thành phố ở Bắc Kạn đã đồng loạt triển khai nhiều dự án liên kết phát triển sản xuất gắn với những cây trồng, vật nuôi có thế mạnh, tiềm năng. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Na Rì Nguyễn Thị Thu Nguyệt, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, riêng năm 2024, huyện đã đầu tư hơn 16 tỷ đồng để triển khai 32 dự án hỗ trợ liên kết phát triển sản xuất. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đầu tư hơn 11 tỷ đồng để thực hiện 22 dự án. Các dự án đều tập trung vào những cây, con có thế mạnh gắn với từng xã như: liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dong riềng; liên kết sản xuất và tiêu thụ bí đỏ; liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai tây…

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Bắc Kạn, thực hiện Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND, Nghị quyết số 01/2022/ NQ-HĐND ngày 27/4/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn, tỉnh đã có 34 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được triển khai, trong đó có 16 dự án chăn nuôi, 15 dự án trồng trọt, ba dự án dược liệu với tổng kinh phí hơn 32 tỷ đồng.

Thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia, Bắc Kạn đã triển khai hơn 110 dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Trong đó, có 64 dự án mô hình liên kết thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 30 dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và 16 mô hình, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tổng kinh phí được phê duyệt thực hiện gần 120 tỷ đồng, với 4.400 hộ dân được hưởng lợi.

Nhiều dự án được duy trì bền vững kể cả sau khi kết thúc hỗ trợ như: liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi lợn thịt của Hợp tác xã Hà Anh, huyện Bạch Thông; liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thảo dược của Hợp tác xã Thiên An, huyện Bạch Thông; phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm lợn thịt thương phẩm của Hợp tác xã Huy Ngọc, huyện Ngân Sơn; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ chè Shan tuyết, huyện Chợ Đồn của Công ty TNHH phát triển nông nghiệp và chế biến dược liệu Ngọc Thắng; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nghệ Bắc Kạn của Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thành...

Theo Hội Nông dân tỉnh, tư duy, tập quán canh tác của nông dân đã thay đổi tích cực. Hội nông dân các cấp đã tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập 78 hợp tác xã với 725 thành viên; thành lập 744 tổ hợp tác với 7.217 thành viên...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nông Quang Nhất cho biết: Các dự án cơ bản được triển khai tốt. Thông qua đó, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, góp phần tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Nguồn: https://nhandan.vn/don-bay-phat-trien-nong-nghiep-o-bac-kan-post880298.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa
Khám phá Vũng Chua- ‘nóc nhà’ mây phủ của phố biển Quy Nhơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm