Mới đây, huyện Tây Giang tổ chức thành công chương trình lễ Khai năm tạ ơn rừng lần thứ 8 - năm 2025 với sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và du khách. Bằng nhiều hoạt động văn hóa trình diễn, tái hiện nghi thức cúng thần rừng của đồng bào Cơ Tu, lễ hội mong muốn cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, cộng đồng an cư và phát triển...
Giá trị văn hóa cộng đồng
Ông Pơloong Plênh - Phó Trưởng phòng Văn hóa - khoa học và thông tin huyện Tây Giang cho biết, lễ hội mang sắc thái văn hóa cộng đồng Cơ Tu, thường được tổ chức vào đầu năm, trước khi chuẩn bị bước vào vụ mùa với ý nghĩa tạ ơn thần linh, cầu mong những điều tốt đẹp đến với dân làng. Vì thế, ngoài việc khai năm cầu may, lễ tạ ơn rừng còn là lời hứa của đồng bào địa phương trong việc nâng cao ý thức về quản lý, bảo vệ rừng.
Theo ông Pơloong Plênh, từ nguyện vọng của đồng bào địa phương, bắt đầu từ năm 2018, Tây Giang tiến hành phục dựng tổ chức lễ khai năm tạ ơn rừng nhằm bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời.
Từ đó đến nay, gần như năm nào địa phương đều đặn tổ chức lễ với quy mô toàn huyện, tái hiện nhiều nghi thức cúng thần rừng truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Sau thời gian duy trì tổ chức, hoạt động văn hóa độc đáo này trở thành lễ hội có quy mô lớn, huy động cả cộng đồng địa phương tham gia.
“Trước đây, lễ hội này được tổ chức theo từng hộ gia đình hoặc từng làng, với ý nghĩa chính là tạ ơn mẹ thiên nhiên đã che chở, ban tặng nguồn sống cho cộng đồng Cơ Tu trong suốt quá trình hàng trăm năm sinh tồn. Bởi người Cơ Tu quan niệm, vạn vật đều có thần.
Việc tôn thờ thần rừng, xem rừng là tài sản chung cả cộng đồng chính là cách mà người Cơ Tu giáo dục trách nhiệm để người dân cùng gìn giữ rừng, bảo vệ mẹ thiên nhiên trước sự tác động từ bên ngoài” - ông Pơloong Plênh chia sẻ.
Lễ Khai năm tạ ơn rừng năm 2025, Tây Giang giao nhiệm vụ đăng cai cho UBND xã A Xan với mục đích bảo lưu giá trị cộng đồng từ cơ sở, phát huy vai trò cộng đồng trong hoạt động văn hóa chung của địa phương. Không nằm ngoài mong đợi, thời điểm diễn ra lễ hội, cả chính quyền và người dân xã A Xan chung sức đồng lòng triển khai hưởng ứng.
Cùng với tu sửa nhà văn hóa cộng đồng tại Làng sinh thái du lịch pơmu, sau Tết Nguyên đán, các già làng và nghệ nhân hỗ trợ cộng đồng tập luyện đội trống chiêng; tham gia dựng lều cúng, trang trí cây nêu, tổ chức nói lý - hát lý… tạo nên điểm nhấn cho lễ hội truyền thống của đồng bào Cơ Tu tại địa phương.
Định hình sản phẩm du lịch độc đáo
Theo ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, từ ý nghĩa văn hóa trong nghi thức cộng đồng Cơ Tu, nhiều năm trở lại đây, địa phương duy trì tổ chức lễ Khai năm tạ ơn rừng, từng bước định hình sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo cho du khách. Thông qua nghi thức cúng thần rừng nhằm tạ ơn mẹ thiên nhiên đã bảo bọc, chở che “những đứa con” dưới cánh rừng Trường Sơn Đông.
Ông Arất Blúi nói, lễ hội năm nay tiếp tục được tổ chức với nhiều hoạt động hưởng ứng đi kèm nhằm tái hiện đầy đủ, nguyên vẹn nghi thức cúng thần rừng truyền thống của đồng bào Cơ Tu.
Để lễ hội diễn ra an toàn và trang trọng, chính quyền địa phương thành lập các tiểu ban hành lễ, tiểu ban phục vụ và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên tham gia.
Vai trò của nghệ nhân, già làng được phát huy giúp lễ hội ngày càng được nâng tầm và lan tỏa. Nghi thức lễ được thực hiện theo đúng các bước quy định trong truyền thống văn hóa của đồng bào Cơ Tu. Thông qua lễ hội nhằm vừa bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, vừa phát huy bản sắc, hướng đến đưa chương trình lễ hội trở thành sản phẩm du lịch ấn tượng phục du khách tham quan, trải nghiệm.
“Đây cũng là dịp để vinh danh, ghi nhận những giá trị độc đáo, tiêu biểu về cảnh quan môi trường sinh thái của rừng cây di sản tại Tây Giang. Qua đó giúp thúc đẩy thu hút, kêu gọi đầu tư và khai thác phát triển du lịch dựa trên tiềm năng, lợi thế đặc trưng vốn có, tạo ra sinh kế bền vững cho người dân địa phương” - ông Arất Blúi nói.
Tây Giang hiện có hơn 2.557 cây Di sản Việt Nam, độ che phủ rừng đạt 72,46% và hiện hữu rất nhiều cánh rừng nguyên sinh, gỗ quý hiếm như: mun, lim xanh, pơmu, dổi, sến, đỗ quyên, thông đỏ. Đặc biệt là khu rừng pơmu cổ thụ với hơn 2.000 cây, tuổi đời từ vài trăm năm đến nghìn năm tuổi; trong đó có 725 cây pơmu đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Phát huy lợi thế và tiềm năng sẵn có, những năm gần đây, Tây Giang nhân rộng tổ chức lễ Khai năm tạ ơn rừng, xem đó là dịp để cộng đồng địa phương cùng cam kết bảo vệ rừng đầu nguồn, tôn trọng mẹ thiên nhiên trước nguy cơ tác động từ bên ngoài...
Nguồn: https://baoquangnam.vn/dong-bao-co-tu-vao-hoi-khai-nam-ta-on-rung-3149170.html
Bình luận (0)