- Chỉ còn hơn một tháng nữa, Lạng Sơn cùng cả nước bước vào giai đoạn hoạt động chính thức của các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã mới sau sáp nhập. Để đảm bảo quá trình này diễn ra suôn sẻ, các cấp, ngành của tỉnh đã và đang chủ động, quyết liệt triển khai công tác rà soát, xây dựng phương án xử lý tài sản công.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Tài chính, 11/11 huyện, thành phố trên địa bàn Lạng Sơn đã đồng loạt triển khai công tác rà soát, tổng hợp và xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công. UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương vào cuộc, đảm bảo tính chính xác và hiệu quả.
Lộc Bình là một trong những huyện tích cực đi đầu trong công tác này. UBND huyện đã chỉ đạo rà soát, xây dựng phương án chi tiết cho 31 cơ quan, đơn vị. Ông Hoàng Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ then chốt, quyết định sự thành công của việc sáp nhập xã. Huyện đã tập trung nhân lực, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định, với phương án xử lý tài sản dựa trên nguyên tắc kế thừa, sử dụng hiệu quả và tránh lãng phí.
Qua rà soát, Lộc Bình có 56 cơ sở nhà, đất phải sắp xếp, trong đó UBND huyện đã xây dựng phương án giao 46 cơ sở cho 7 ĐVHC cấp xã mới và xác định 10 cơ sở nhà, đất dôi dư. Số tài sản dôi dư sẽ được giao cho ĐVHC xã nơi đóng trụ sở mới quản lý, xử lý theo quy định.
Trên cơ sở rà soát, các huyện, thành phố còn lại trong cả tỉnh cũng đã xây dựng phương án xử lý tài sản công một cách chi tiết và khoa học. Đối với các ĐVHC cấp xã, phương án tập trung vào việc sắp xếp, bố trí các trụ sở làm việc, cơ sở vật chất hiện có để phục vụ cho đơn vị hành chính mới sau sáp nhập. Đối với các cơ quan, đơn vị chuyên môn cấp huyện, tài sản là máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến được bố trí theo công chức được điều chuyển công tác; tài sản phục vụ hoạt động chung được giao và phân bổ cho các ĐVHC xã mới có nhu cầu.
Theo hướng dẫn của cấp trên, trong quá trình xử lý tài sản công, các huyện, thành phố đặc biệt chú trọng hiệu quả sử dụng và tránh lãng phí. Tài sản dôi dư, chưa có nhu cầu sử dụng ngay được quản lý chặt chẽ, có phương án bảo quản để tránh hư hỏng. Đồng thời, cũng tính đến việc điều chuyển, thanh lý theo quy định pháp luật để thu hồi nguồn lực cho Nhà nước.
Bà Nguyễn Anh Yến, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết: sau khi các huyện, thành phố hoàn thành báo cáo, sở đã tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố để thẩm định, tổng hợp và hoàn thiện báo cáo chung của tỉnh. Hiện tại, Sở Tài chính đang hoàn thiện báo cáo tổng hợp chung để trình UBND tỉnh; đồng thời, tiến hành các công tác tham mưu trình UBND phê duyệt các phương án, tạo cơ sở pháp lý để các cơ sở triển khai trước ngày 1/7/2025. Sở Tài chính đánh giá cao sự chủ động và tích cực của các cơ quan, đơn vị liên quan, đồng thời sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc.
Theo tổng hợp của Sở Tài chính, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có trên 530 tài sản là cơ sở nhà, đất thuộc diện sắp xếp. Theo phương án xử lý, 415 cơ sở nhà, đất sẽ được giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sắp xếp và có 122 cơ sở nhà, đất dôi dư. Về phương tiện, có tổng cộng 81 xe (58 ô tô và 23 xe chuyên dùng) cũng đã được lên phương án bố trí cho các ĐVHC cấp xã mới.
Đối với máy móc, thiết bị và các tài sản khác, 11 huyện, thành phố cũng đã có tổng hợp chi tiết. Theo đó, tài sản cấp huyện như máy móc, thiết bị phổ biến, thiết bị dùng chung, công cụ, dụng cụ sẽ giữ lại cho ĐVHC cấp xã sau sắp xếp; máy móc, thiết bị thuộc cơ sở nhà, đất dôi dư thì tận dụng tài sản còn khả năng sử dụng để phân bổ cho các đơn vị hành chính cấp cơ sở mới sau sắp xếp trong huyện sử dụng. Máy móc, thiết bị phục vụ cá nhân được điều chuyển theo cán bộ, công chức, viên chức. Trường hợp dôi dư nhiều, UBND cấp huyện báo cáo Sở Tài chính xem xét điều chuyển từ nơi thừa sang nới thiếu, hạn chế việc phải mua sắm mới tài sản. Đối với tài sản cấp xã, tài sản dùng chung được giao nguyên trạng cho ĐVHC mới sau sắp xếp; máy móc, thiết bị phục vụ cá nhân sẽ được điều chuyển theo cán bộ, công chức.
Việc rà soát, xây dựng phương án xử lý tài sản công trước sáp nhập xã có ý nghĩa then chốt, đảm bảo cho các ĐVHC mới có cơ sở vật chất ổn định, tránh gián đoạn hoạt động, tạo nền tảng vững chắc cho bộ máy hành chính mới hoạt động trơn tru, phục vụ người dân tốt hơn sau ngày 1/7/2025. Đồng thời, giúp quản lý hiệu quả tài sản nhà nước, ngăn ngừa thất thoát, lãng phí. Có được kết quả trên đây còn có sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác kiểm kê, rà soát tài sản tại cơ sở. Họ đã vượt qua nhiều khó khăn, vất vả để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Chị Nguyễn Thị Hiền, chuyên viên Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Hữu Lũng chia sẻ: Do công việc này đòi hỏi thời gian nhanh chóng, chính xác, trong khi đó việc kiểm kê tài sản phải rất tỉ mỉ, đòi hỏi sự chính xác và cẩn thận. Chính vì thế những ngày gần đây, chúng tôi phải làm việc đến tối muộn hoặc tranh thủ ngoài giờ để rà soát từng loại tài sản của từng cơ quan, đơn vị từ cấp huyện đến cấp xã. Từ đó bàn bạc, thống nhất và xây dựng phương án xử lý tài sản một cách hợp lý, đúng quy định nhằm đảm bảo đúng tiến độ và đáp ứng tốt yêu cầu cho ĐVHC cấp xã mới sáp nhập.
Từ ngày 1/7/2025, ĐVHC cấp xã mới chính thức đi vào hoạt động. Những ngày tới vẫn còn nhiều nội dung, nhiệm vụ liên quan đến việc rà soát, sắp, xếp, xử lý tài sản công phía trước vì thế đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, sự đồng thuận của người dân và sự linh hoạt trong giải quyết các vấn đề phát sinh có thể xảy ra.
Nguồn: https://baolangson.vn/dong-loat-ra-soat-xay-dung-phuong-an-xu-ly-tai-san-cong-truoc-khi-sap-nhap-xa-5047292.html
Bình luận (0)