Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Động lực để du lịch Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu

NDO - Lượng khách du lịch quốc tế và nội địa tăng cao trong thời gian qua cho thấy những chủ trương, chính sách kích cầu du lịch đã phát huy hiệu quả. Đó là cơ sở, là động lực để ngành du lịch hiện thực hóa mục tiêu đón khoảng 22-23 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 120-130 triệu lượt khách nội địa trong năm nay.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân02/04/2025

Gia tăng lượng khách ở nhiều địa phương

Trong quý I/2025, nhiều địa phương trong cả nước ghi nhận lượng khách du lịch tăng cao, đem lại nguồn thu lớn trong ba tháng đầu của năm 2025. Trong đó, tại Khánh Hòa, ước tính quý I/2025, toàn tỉnh đón hơn 2,5 triệu lượt khách lưu trú, tăng 19,7% so cùng kỳ năm 2024.

Thủ đô Hà Nội trong quý 1/2025, ước đón 7,3 triệu lượt khách, tăng 8,7% so cùng kỳ năm 2024.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, 3 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đạt hơn 1,6 triệu lượt, tăng 18,2% so cùng kỳ năm 2024, đạt 19,2% so kế hoạch năm 2025. Khách nội địa đạt gần 8,6 triệu lượt, tăng 6,3% so cùng kỳ năm ngoái, đạt 19,1% so kế hoạch năm 2025.

Các địa phương khác như Hà Giang; Hải Dương; Thái Nguyên; Hà Tĩnh, Tây Ninh... cũng đón lượng khách lớn. Đây là tín hiệu tích cực cho sự phục hồi và phát triển hoạt động du lịch các địa phương.

Có được kết quả này là do các địa phương cùng các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều sản phẩm du lịch, các chương trình trải nghiệm hấp dẫn, mang đậm bản sắc vùng miền. Cùng với đó, các địa phương cũng đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu điểm đến thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội...

Song song với khách nội địa, nhờ chính sách thị thực linh hoạt, hiệu quả, lượng khách quốc tế thời gian qua cũng có mức tăng trưởng cao. 2 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 4 triệu lượt, tăng 30,2% so cùng kỳ năm 2024.

Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2025, liên tiếp các tàu biển hạng sang đã cập cảng Việt Nam mang theo hàng chục nghìn du khách quốc tế. Đáng chú ý, tại Quảng Ninh, dòng khách tàu biển đã đưa đến địa phương này hơn 26.000 du khách quốc tế từ nhiều thị trường Âu Mỹ, châu Đại Dương, Đông Bắc Á.

Dự kiến, trong năm nay, Quảng Ninh sẽ đón khoảng 70 chuyến tàu biển, với gần 90.000 lượt khách du lịch quốc tế.

Trong khi đó, từ đầu năm 2025 đến nay, Khánh Hòa đã đón 8 chuyến tàu biển quốc tế với khoảng 13.500 du khách lên bờ tham quan, trải nghiệm.

Mới đây, chuyến bay charter đầu tiên từ Iran đến Hà Nội đã đưa hơn 200 du khách đến với Thủ đô. Việc tổ chức những chuyến bay như thế này sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn khách, đặc biệt là dòng khách hạng sang; đồng thời quảng bá hình ảnh Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, lượng khách quốc tế và nội địa đều tăng nhanh trong thời gian qua đã mang lại diện mạo mới cho ngành du lịch. Dự báo, năm 2025, du lịch sẽ vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Đẩy mạnh hoạt động kích cầu theo xu hướng mới

Nhận định về xu hướng du lịch trong năm 2025, tại cuộc tọa đàm về xu hướng du lịch mới được tổ chức gần đây, PGS, TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn cho rằng, sau dịch Covid-19, xu hướng du lịch có nhiều thay đổi. Du khách sẽ hướng tới trải nghiệm cá nhân hóa, hoặc đi du lịch theo nhóm nhỏ. Đây cũng sẽ là thách thức cho các doanh nghiệp khi xây dựng sản phẩm du lịch.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch AZA cho biết, theo truyền thống, du khách thường đi những tour mẫu sẵn có và phần lớn phụ thuộc vào các công ty du lịch. Nhưng bây giờ, nhờ những tiện ích từ công nghệ, họ đã lựa chọn đi du lịch theo sở thích. Du khách có thể đi du lịch theo những bộ phim nổi tiếng, những bài hát "hot trend", xem chương trình ca nhạc đu theo “idol” hay đến những quán cà phê theo xu hướng mới nổi,... Do đó, việc xây dựng các gói dịch vụ theo combo (kết hợp nhiều sản phẩm) theo xu hướng và nhu cầu từng nhóm khách hàng sẽ là lựa chọn hữu ích cho các doanh nghiệp lữ hành.

Đồng quan điểm này, bà Lê Thanh Thảo, Giám đốc Công ty cổ phần Mặt trời châu Á cho rằng, xu hướng đi du lịch của khách hàng, bao gồm cả khách nước ngoài vào Việt Nam và khách Việt Nam đi nước ngoài đã có nhiều thay đổi, nên công ty đã thiết kế nhiều sản phẩm linh hoạt, không cố định để khách hàng có nhiều lựa chọn.

Hiện tại, công ty xây dựng sản phẩm tại điểm đến Việt Nam cho khách nước ngoài với thời gian lưu trú dài, từ 7-10-20 ngày. Công ty sẽ đứng ra đặt khách sạn, cam kết về các phương tiện vận chuyển, đồng thời kết hợp với điểm đến ở trong nước để đưa ra những gói sản phẩm như du lịch văn hóa, giáo dục, trải nghiệm...

Thông qua đơn vị lữ hành có thể ghép các nhóm du khách theo nhu cầu, sở thích để tạo ra sản phẩm du lịch với chi phí tốt nhất. “Đây là xu hướng tiệm cận với nhu cầu của khách hàng, tạo ra điểm nhấn thu hút du khách, nhất là khách quốc tế”, bà Lê Thanh Thảo nhận định.

Là đơn vị hằng năm đón lượng khách quốc tế lớn, bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Saigontourist chi nhánh Hà Nội cho rằng, để thu hút dòng khách này, lữ hành Saigontourist đã xây dựng bộ sản phẩm tour đặc sắc.

Với các hành trình được thiết kế chọn lọc, tích hợp đậm nét văn hóa, lịch sử và những giá trị truyền thống của Việt Nam và 3 quốc gia Campuchia-Lào-Myanmar, Saigontourist đã cho ra mắt nhiều tour từ tour du lịch truyền thống, du lịch lễ hội và ẩm thực, du lịch biển đảo, du thuyền, du lịch sinh thái và khám phá, đến du lịch MICE, du lịch golf…

Theo bà Nguyễn Hoài Thu, việc miễn chính sách thị thực cho các thị trường trọng điểm đã tạo điều kiện thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn, nhất là những thị trường nguồn khách có nhu cầu đi du lịch thường xuyên, đa dạng trải nghiệm và mức chi tiêu cao.

Có thể thấy rằng, sau đại dịch Covid-19, du khách tiếp cận du lịch đã khác. Họ đi theo sở thích và cá nhân hóa chuyến đi của mình, thay vì chọn các địa điểm du lịch quen thuộc, họ có xu hướng tìm đến những nơi ít người biết đến hơn để trải nghiệm những điều mới mẻ, độc đáo hơn.

Bên cạnh đó, các loại hình du lịch cao cấp, hướng đến cảm xúc, sự bền vững và tính cá nhân hóa cũng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn để đáp ứng nhu cầu của du khách. Đây là thách thức cho các doanh nghiệp lữ hành nói riêng, và ngành du lịch nói chung trong thời gian tới. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, đồng lòng của toàn ngành, du lịch Việt Nam kỳ vọng có thể đạt được mục tiêu đề ra.

Nguồn: https://nhandan.vn/dong-luc-de-du-lich-viet-nam-hien-thuc-hoa-muc-tieu-post869192.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm