Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Động lực tăng trưởng từ công nghiệp chế biến, chế tạo

Công nghiệp chế biến, chế tạo không chỉ là xương sống của nền kinh tế mà còn là động lực tăng trưởng chủ lực, khẳng định vị thế của tỉnh trên bản đồ công nghiệp quốc gia. Trong hai tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh tăng mạnh 17,69%, trong đó riêng ngành chế biến, chế tạo đạt 17,95%, đóng góp tới 17,61 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Nam Định không chỉ là “thủ phủ” của ngành dệt may khu vực đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), mà còn đang mở rộng thế mạnh sang các lĩnh vực cơ khí chế tạo, chế biến gỗ, dược liệu và da giày. Cùng với việc thu hút những tập đoàn lớn, triển khai các dự án công nghiệp quy mô, tỉnh đang dần hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo hàng đầu khu vực.

Báo Nam ĐịnhBáo Nam Định01/04/2025


Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số cụm sản xuất cơ khí nổi bật tại các huyện Xuân Trường, Nam Trực, Ý Yên.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số cụm sản xuất cơ khí nổi bật tại các huyện Xuân Trường, Nam Trực, Ý Yên.

Giữ vai trò động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh

Là ngành công nghiệp có lịch sử lâu đời, dệt may hiện giữ vị trí chủ đạo trong cơ cấu công nghiệp của tỉnh, chiếm trên 50% giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm toàn ngành. Nam Định hiện đóng góp 8-10% tổng giá trị sản xuất ngành dệt may cả nước, đóng vai trò trung tâm của khu vực Nam ĐBSH. Với khoảng 6.000 cơ sở sản xuất và 415 doanh nghiệp, ngành dệt may Nam Định đã thu hút nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước như Công ty Cổ phần May Sông Hồng, Công ty TNHH Youngone Nam Định, Công ty TNHH Yamani Dynasty… Đặc biệt, sự xuất hiện của Tập đoàn Toray (Nhật Bản) với dự án nhà máy Top Textiles tại KCN Dệt may Rạng Đông đánh dấu bước chuyển mình quan trọng. Nhà máy này, với công suất thiết kế 120 triệu mét vải/năm, là một trong những tổ hợp sản xuất vải dệt kim lớn nhất miền Bắc, sử dụng công nghệ hiện đại nhất trong quy trình dệt - nhuộm - hoàn tất. Việc nhà máy này chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2024 không chỉ tạo thêm 1.800 việc làm mà còn nâng cao giá trị xuất khẩu, củng cố vị thế của Nam Định là một trung tâm dệt may công nghệ cao của Việt Nam.

Cùng với dệt may, ngành cơ khí chế tạo và gia công kim loại đang từng bước khẳng định vị thế nhờ lợi thế về lao động tay nghề cao, kinh nghiệm sản xuất và sự gia tăng nhu cầu thị trường. Ngành này hiện có tốc độ tăng trưởng bình quân 11,41%/năm và là ngành đóng góp lớn thứ hai trong cơ cấu giá trị tăng thêm công nghiệp và GRDP của tỉnh. Một số cụm sản xuất cơ khí nổi bật đã được hình thành: Xuân Trường chuyên sản xuất máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng, khai thác lâm sản…; Nam Trực có thế mạnh về sản xuất thiết bị, phụ tùng xe, máy, thiết bị thi công xây dựng, sản xuất thép nguyên liệu…; Ý Yên phát triển mạnh dòng sản phẩm đúc mỹ nghệ, từ tượng, đồ thờ đến tranh nghệ thuật. Đáng chú ý, Nam Định đang thu hút các dự án đột phá trong ngành cơ khí, tiêu biểu là: Nhà máy thép xanh số 1 của Xuân Thiện Nam Định - công suất 7,5 triệu tấn/năm, định vị tỉnh trở thành trung tâm luyện thép chất lượng cao. Nhà máy cơ khí Rạng Đông - sản xuất thiết bị điện gió, đáp ứng xu hướng công nghiệp xanh, phục vụ thị trường trong nước và quốc tế. 

Xếp thứ ba trong cơ cấu công nghiệp tỉnh, ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ đang có những bước tiến mạnh mẽ. Sản phẩm chủ yếu gồm đồ gỗ mỹ nghệ, gỗ xẻ, đồ gỗ dân dụng, đồ gỗ xuất khẩu, hàng cói, mây tre đan… Các làng nghề truyền thống và cụm công nghiệp tại 9/9 huyện, thành phố đang tạo việc làm cho hơn 20 nghìn lao động, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Là ngành có tiềm năng lớn nhờ lợi thế về dược liệu và nguồn nhân lực chuyên môn cao, ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tại Nam Định đang ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, bình quân 13,3%/năm. Các sản phẩm thế mạnh của tỉnh là dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, với hai vùng trồng dược liệu lớn nhất đặt tại các huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng. Đây cũng là một trong những trọng điểm phát triển vùng dược liệu chất lượng cao của cả nước. Ngoài các ngành công nghiệp chủ lực, còn ghi nhận sự phát triển tích cực trong sản xuất da giày, cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải, sản xuất và phân phối điện. Trong đó: Ngành da giày có tốc độ tăng trưởng ổn định, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn như các Công ty TNHH: Giày Amara Việt Nam, Golden Victory Việt Nam. Ngành sản xuất và phân phối điện đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng, tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân trên 8%/năm.

Nhìn thẳng thách thức, mở đường bứt phá

Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng để thực sự phát huy hết tiềm năng, trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo hàng đầu vùng ĐBSH, Nam Định đã thẳng thắn đánh giá, nhìn nhận trực diện các điểm yếu, hạn chế, thách thức để từ đó xác định các giải pháp thiết thực tạo cơ hội bứt phá cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Qua đó tỉnh đã nhận diện được một hạn chế, tuy Nam Định là một trong những trung tâm dệt may lớn nhất cả nước, nhưng giá trị gia tăng của ngành còn thấp. Lý do chính là phần lớn doanh nghiệp chỉ tham gia vào công đoạn may gia công, phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, trong khi sản phẩm dệt lại chủ yếu phục vụ xuất khẩu thay vì cung ứng nội địa. Mặc dù tốc độ tăng trưởng ngành cơ khí và gia công kim loại cao hơn mức trung bình vùng ĐBSH, nhưng quy mô ngành vẫn còn nhỏ, thiếu các dự án đầu tư lớn để tạo đột phá. Một số phân ngành như sản xuất xe có động cơ gần như không tăng trưởng, cho thấy sự hạn chế trong khả năng mở rộng sản xuất. Ngành chế biến gỗ có lợi thế lớn với hệ thống làng nghề truyền thống, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng vẫn ở mức thấp. Tương tự dệt may, ngành da giày của tỉnh vẫn chủ yếu làm gia công, với giá trị gia tăng thấp. Tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu chỉ khoảng 30-40%, khiến doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào nguồn cung bên ngoài. Là địa phương có nền nông nghiệp phát triển, nhưng công nghiệp chế biến nông sản chưa tương xứng với tiềm năng. Thiếu vùng nguyên liệu tập trung, liên kết giữa sản xuất và chế biến còn yếu, khiến ngành gặp nhiều khó khăn. Các sản phẩm có lợi thế như gạo, muối, thủy sản lại có xu hướng giảm mạnh, cho thấy sự suy giảm của ngành chế biến nông sản. Bên cạnh đó, một vấn đề lớn của công nghiệp là thiếu đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại khiến năng suất lao động ngành chế biến, chế tạo vẫn thấp. Nhiều doanh nghiệp không đủ nguồn lực để đổi mới công nghệ, dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa thấp, phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu.

Để tháo gỡ những nút thắt này, tỉnh đã xây dựng hệ giải pháp chiến lược nhằm nâng cao giá trị ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong giai đoạn tới. Đồng thời sẽ quyết liệt nâng cấp chuỗi giá trị ngành dệt may, chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất xơ sợi, vải chất lượng cao, phát triển công đoạn nhuộm và hoàn tất vải để chủ động nguồn nguyên liệu; củng cố liên kết trong chuỗi sản xuất, tạo sự kết nối giữa các doanh nghiệp dệt, sợi và may mặc để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng giảm tỷ trọng gia công, tăng cường các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như vải cao cấp, phụ kiện thời trang. Khuyến khích doanh nghiệp quan tâm khai thác thị trường nội địa, tập trung vào nhóm khách hàng trung lưu, dự kiến chiếm 50% dân số vào năm 2030, để phát triển các thương hiệu may mặc trong nước.

Để nâng tầm ngành cơ khí chế tạo, thời gian tới Nam Định sẽ đẩy mạnh phát triển các cụm công nghiệp cơ khí, tập trung vào các sản phẩm có lợi thế như máy móc nông nghiệp, linh kiện thiết bị điện, kết cấu thép. Thu hút đầu tư công nghệ cao, mời gọi các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng cho ô tô, xe máy, thiết bị điện tử vào địa bàn. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cấp công nghệ, khuyến khích đổi mới dây chuyền sản xuất, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện. Để tạo đột phá cho ngành chế biến gỗ, tỉnh sẽ tăng cường hỗ trợ để các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực chế biến sâu; chú trọng chuyển từ sản xuất sản phẩm thô sang các mặt hàng cao cấp như nội thất xuất khẩu, ván ép công nghiệp, đồ gỗ mỹ nghệ. Mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng các hiệp định thương mại để đưa sản phẩm chế biến gỗ ra thị trường quốc tế. Nâng cao vị thế ngành da giày, nhằm khuyến khích doanh nghiệp tập trung đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu, phát triển các nhà máy sản xuất da thuộc, đế giày, phụ kiện tại chỗ; mở rộng sản xuất giày cao cấp, chuyển hướng sang các dòng sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

Về giải pháp cho ngành công nghiệp chế biến nông sản, tỉnh ưu tiên xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, phát triển mô hình sản xuất - chế biến theo chuỗi giá trị. Thúc đẩy đầu tư công nghệ chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ nông sản. Đẩy mạnh xây dựng, nâng tầm các sản phẩm mang thương hiệu địa phương, quảng bá các sản phẩm đặc trưng như muối biển, nước mắm, gạo xay xát, thủy sản chế biến để mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhằm cải thiện năng suất lao động của ngành, tỉnh sẽ ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn đổi mới công nghệ; đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI vào công nghiệp phụ trợ để nâng tỷ lệ nội địa hóa; chú trọng xây dựng trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sản xuất.

Bài và ảnh: Thanh Thúy


Nguồn: https://baonamdinh.vn/kinh-te/tieu-diem/202504/dong-luc-tang-truongtu-cong-nghiep-che-bien-che-tao-2ed6a6b/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm