
Kích cầu tiêu dùng
Ông Lê Vũ Thương - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, theo kết quả điều tra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ Quảng Nam tháng 4 đạt 7.226 tỷ đồng (tăng 4,5% so với tháng trước và tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2024).
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 4.078 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 1.768 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 59 tỷ đồng...
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt gần 28 nghìn tỷ đồng (tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2024). Trong đó, dịch vụ lưu trú, ăn uống có mức tăng trưởng cao nhất (29,7%); dịch vụ lữ hành và doanh thu bán lẻ hàng hóa có mức tăng lần lượt 10,2% và 9,2%.

Có thể nhận thấy, quy mô hàng hóa nội địa và sức mua của người tiêu dùng trên thị trường Quảng Nam ngày càng mở rộng. Các chương trình kích cầu tiêu dùng của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đang khơi dậy sức mua, tiêu thụ hàng hóa.
Hàng hóa trên địa bàn tỉnh, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP ngày càng có sức tiêu thụ tăng nhờ kinh doanh trên môi trường điện tử, bán trực tiếp tại các quầy hàng và mở rộng xuất khẩu.
Bên cạnh những thuận lợi, thị trường nội địa đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh cho rằng, chi phí vận chuyển tăng cao; giá nguyên liệu đầu vào tăng và có nguy cơ biến động mạnh khiến doanh nghiệp tăng giá thành sản phẩm, khó thu lợi khi vẫn duy trì giá bán như hiện tại.
Yêu cầu ngày càng cao từ phía người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm và hàng hóa nhập khẩu ngày càng nhiều trên sân nội địa cũng đang là thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới để cạnh tranh trên thị trường.
Kích cầu thương mại để tăng sức mua sắm hàng hóa nội địa là yêu cầu cấp thiết để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GRDP 10% trong năm 2025 của Quảng Nam.
Ông Lê Vũ Thương cho biết, nhiệm vụ trọng tâm về thương mại của ngành công thương trong tháng 5/2025 là đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng năm 2025 theo Chỉ thị số 08 ngày 4/4/2025 của Bộ Công Thương.
Ngành công thương tỉnh sẽ tổ chức hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản Quảng Nam với các doanh nghiệp xuất khẩu ở TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Khánh Hòa...
Khơi thông thương mại nội địa
Mục tiêu tăng trưởng GRDP 10% trong năm 2025 của Quảng Nam mang tính bản lề cho giai đoạn tăng trưởng hai con số trong những năm đến. Để đạt được mục tiêu này, kích cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh là một trong những giải pháp động lực.

Nhu cầu tiêu dùng nội địa đang tăng lên khi kinh tế phục hồi, tăng trưởng; chi tiêu mua sắm của người dân cởi mở hơn, không còn tâm lý dè sẻn như thời điểm trong và sau dịch COVID-19.
Cũng phải kể đến hàng hóa nội địa ngày một phong phú, đa dạng, nhiều chủng loại, chất lượng tốt hơn, kiểu dáng đẹp... đã kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Kết nối cung cầu sẽ là giải pháp hữu hiệu để khơi thông thương mại nội địa.
Ông Võ Hưng - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Phát triển nông thôn - Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, trong những ngày từ 15 đến 18/5, tại Quảng trường 24/3 Tam Kỳ, ngành chức năng tổ chức gian hàng trưng bày giới thiệu, quảng bá, giao thương hàng hóa OCOP, sản phẩm nông nghiệp Quảng Nam.
Theo đó, khu trưng bày có 150 gian hàng với hơn 350 sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp của hơn 200 chủ thể trên địa bàn tỉnh. Sản phẩm OCOP được lựa chọn là hàng hóa chất lượng, tiêu chuẩn 3 sao trở lên, kỳ vọng đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Đây là tín hiệu vui bởi thông qua chương trình, Quảng Nam đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đến với các bạn bè trong nước và quốc tế; giúp người tiêu dùng mua sắm hàng hóa Quảng Nam, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nhanh, bền vững.
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, Quảng Nam sẽ tổ chức hội nghị kết nối giao thương để liên kết các hợp tác xã, làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP của tỉnh với các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước để kết nối cung cầu hàng hóa, đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối trong nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
“Chương trình không chỉ kích thích tiêu dùng mà còn khuyến khích các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp Quảng Nam có cách nâng cao chất lượng, cải tiến hàng hóa, ứng dụng công nghệ vào sản xuất để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững” - ông Vũ nói.
Triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã từng bước thay đổi hành vi trong xã hội về ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh thông tin truyền thông về cuộc vận động qua nhiều kênh với phương thức hiệu quả cũng như tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, kích cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước.
Quảng Nam chú trọng phát triển thương mại qua các kênh bán hàng trực tiếp, thương mại điện tử, nhất là khơi thông hướng xuất khẩu hàng hóa để phát triển mạnh kinh tế.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/dong-luc-tu-thuong-mai-noi-dia-3154901.html
Bình luận (0)