Chế biến hạt điều tại Công ty CP Tập đoàn Gia Bảo (phường Bình Phước). Ảnh: ĐÔNG KIỂM |
Nhờ lợi thế có vùng nguyên liệu lớn, Đồng Nai mới thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, sơ chế, chế biến gắn kết với vùng nguyên liệu. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng CCN chủ lực trên thuộc tốp đầu cả nước.
Diện tích lớn nhất nước
Với diện tích hơn 438 ngàn hécta, tỉnh Bình Phước (cũ) có diện tích nhóm CCN thuộc tốp đầu cả nước. Trong đó, một số cây trồng có diện tích lớn nhất nước như: cây cao su đạt gần 245 ngàn hécta, cây điều gần 150 ngàn hécta. Ngoài ra, các CCN khác có diện tích lớn như: cà phê gần 14,3 ngàn hécta, hồ tiêu gần 11 ngàn hécta.
Theo Đề án Phát triển CCN chủ lực đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước (cũ), tỉnh duy trì và phát triển diện tích 4 loại CCN chủ lực: cà phê, cao su, điều, hồ tiêu với tổng diện tích hơn 356 ngàn hécta. Tuy diện tích các cây trồng này giảm mạnh so với hiện nay nhưng giá trị lại tăng cao. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng giá trị sản phẩm 4 CCN chủ lực của tỉnh tham gia xuất khẩu đạt 450 triệu USD.
Tỉnh Đồng Nai đang nhân rộng các mô hình trồng xen canh các cây công nghiệp lâu năm như: cà phê - điều, ca cao - điều… Các mô hình này, cây trồng bổ trợ cho nhau, giúp chi phí đầu tư giảm nhưng năng suất và lợi nhuận tăng gấp nhiều lần so với chuyên canh cây điều.
Tỉnh Đồng Nai (cũ) cũng có nhiều lợi thế phát triển CCN lâu năm với diện tích thuộc tốp đầu cả nước với gần 93,2 ngàn hécta. Trong đó, diện tích cây cao su đạt 40 ngàn hécta, cây điều đạt gần 28 ngàn hécta, hồ tiêu khoảng 10 ngàn hécta, cà phê hơn 6 ngàn hécta…
Định hướng đến năm 2030, Đồng Nai vẫn tiếp tục phát triển nhóm CCN chủ lực gồm: cao su, điều, cà phê, hồ tiêu. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 giảm còn khoảng 77,1 ngàn hécta, giảm hàng chục ngàn hécta so với hiện tại, nhưng sản lượng vẫn đạt cao nhờ áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất.
Nhằm nâng cao giá trị gia tăng của CCN chủ lực trong thời gian tới, tỉnh Đồng Nai mới định hướng đẩy mạnh liên kết tại vùng sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô lớn, gắn với phát triển công nghiệp chế biến, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường tiêu thụ.
Tăng lợi thế trên thị trường xuất khẩu
Năm 2024, Việt Nam có 7 mặt hàng/nhóm mặt hàng nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỷ USD, trong đó lĩnh vực CCN có 3 sản phẩm gồm: cà phê 5,4 tỷ USD; hạt điều gần 4,4 tỷ USD; cao su gần 3,5 tỷ USD. Ngoài ra, sản phẩm hồ tiêu đã chính thức trở lại “câu lạc bộ tỷ USD” sau nhiều năm vắng bóng khi đạt kim ngạch 1,3 tỷ USD. Các CCN trên tiếp tục là nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong thời gian tới.
Là tỉnh công nghiệp, Đồng Nai (cũ) có lợi thế thu hút được nhiều tập đoàn, DN đầu tư chế biến sâu, xuất khẩu các mặt hàng CCN chủ lực. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 3,7 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt gần 912,7 triệu USD; hạt điều hơn 510,9 triệu USD; cao su hơn 79,2 triệu USD; hạt tiêu gần 72,9 triệu USD.
Theo đó, nhóm CCN cao su, cà phê, điều, hồ tiêu vẫn là những mặt hàng nông sản thế mạnh thuộc danh mục 15 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia. Đây cũng là nhóm cây chủ lực tỉnh Đồng Nai mới sẽ tập trung phát triển theo hướng sản xuất an toàn, tăng lợi thế xuất khẩu vào những thị trường khó tính.
Theo đại diện Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), DN đang xuất khẩu khoảng 40 ngàn tấn điều/năm, trong đó có nhiều thị trường khó tính như: châu Âu, Hoa Kỳ... Tiềm năng thị trường xuất khẩu của mặt hàng này còn rất lớn nên DN rất quan tâm kết nối với những vùng sản xuất điều với quy mô lớn. DN có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân xây dựng những vùng chuyên canh cây điều đạt chuẩn an toàn, vùng sản xuất hữu cơ vì tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe.
Tỉnh Bình Phước (cũ) thu hút được 10 DN chế biến, xuất khẩu điều tham gia liên kết với 38 hợp tác xã (HTX), diện tích khoảng 4,5 ngàn hécta, chuỗi điều hữu cơ khoảng 3,5 ngàn hécta. Với cây hồ tiêu, tỉnh cũng hình thành được chuỗi liên kết với gần 2,5 ngàn hécta.
HTX Nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch (xã Thọ Sơn) có 160 xã viên chủ yếu là người dân tộc thiểu số với hơn 1,7 ngàn hécta trồng điều. Toàn bộ diện tích trồng điều đều áp dụng theo quy trình chăm sóc hữu cơ, sản phẩm được mua với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường từ 500-1.000 đồng/kg. Vì thế, với 1 hécta điều, xã viên được HTX hỗ trợ 700 ngàn đồng tiền xăng và công cắt cỏ. Nhờ chế độ chia sẻ lợi nhuận trong canh tác, diện tích điều hữu cơ của các thành viên trong HTX không ngừng được nhân rộng.
Bà Thị Khơi, Giám đốc HTX Nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch, chia sẻ: “Hạt điều của chúng tôi làm ra đã có mặt ở 34 nước trên thế giới thông qua hợp tác trực tiếp với các đối tác nước ngoài. Họ đến tận vườn lấy mẫu nước, mẫu đất, mẫu trái, lá. Nhờ áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ nên tất cả các chỉ tiêu sau khi phân tích đều đạt theo tiêu chuẩn châu Âu. Bình Phước và Đồng Nai hợp nhất thành tỉnh Đồng Nai mới mở ra cơ hội xuất khẩu rộng lớn hơn, giá trị hạt điều của bà con dân tộc thiểu số của chúng tôi sẽ cao hơn, sẽ có đời sống kinh tế tốt hơn”.
Cùng quan điểm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bazan (xã Phước Sơn) Hoàng Hồng Tiến nhận xét, sau sáp nhập thành tỉnh Đồng Nai mới sẽ mở ra không gian phát triển rộng lớn cho chế biến, xuất khẩu hạt điều nhờ lượng lớn các DN của Đồng Nai. Hy vọng thị trường xuất khẩu hạt điều, cũng như thương hiệu hạt điều từ vùng đất đỏ bazan mang tên Đồng Nai sẽ vươn ra thế giới một cách mạnh mẽ, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nông dân.
Bình Nguyên - Đông Kiểm
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202507/dong-nai-thu-phu-cay-cong-nghiep-2b712c0/
Bình luận (0)