Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức (thứ 7, từ phải qua) tiếp và chụp hình lưu niệm với đoàn công tác Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Thành phố Hồ Chí Minh (tháng 6-2025). Ảnh: Ngọc Liên |
Với quy hoạch 83 KCN, 63 cụm công nghiệp và Khu kinh tế Cửa khẩu Hoa Lư trên 25,8 ngàn hécta, cùng lợi thế hệ thống giao thông kết nối hoàn thiện trên cả 5 phương diện (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải quốc tế, đường sắt và đường hàng không), Đồng Nai tiếp tục là cực hút các dự án FDI vào nhiều lĩnh vực.
Cực hút dòng vốn ngoại của Việt Nam
5 tháng đầu năm, tỉnh Đồng Nai (cũ) thu hút đầu tư FDI đạt trên 1,2 tỷ USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2024, đứng thứ 4 cả nước về thu hút FDI; tỉnh Bình Phước (cũ) thu hút FDI đạt gần 225 triệu USD với 33 dự án đầu tư và tăng vốn.
Theo đánh giá của Sở Tài chính, các dự án FDI thu hút mới tập trung vào các ngành sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện, điện tử; cơ khí chế tạo; dệt; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn… đáp ứng tiêu chí thu hút các dự án chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Không có dự án thuộc danh mục ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động; đảm bảo các tiêu chí về công nghệ tiên tiến; phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh.
Từ đầu năm đến nay, Đồng Nai đón nhiều lượt doanh nghiệp, tổng lãnh sự, đại sứ các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, Nhật Bản, Đài Loan… đến làm việc, tìm hiểu môi trường đầu tư vào Đồng Nai. Qua các chuyến thăm, làm việc với lãnh đạo tỉnh, các đại sứ, tổng lãnh sự đánh giá cao những tiềm năng của tỉnh Đồng Nai và mong muốn mở ra những mối quan hệ hợp tác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tại buổi gặp gỡ và làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức mới đây, Tổng lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh Daniël Stork cho biết, Hà Lan hiện có 18 dự án đầu tư vào Đồng Nai, đồng thời là nhà đầu tư lớn nhất trong khu vực Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Hà Lan cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại EU. Điều này cho thấy, Hà Lan là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong khu vực EU.
Ông Daniël Stork đánh giá cao việc Đồng Nai tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp Hà Lan hoạt động thuận lợi trên địa bàn tỉnh. Theo ông Daniël Stork, môi trường đầu tư thuận lợi, cũng như định hướng phát triển bền vững của Đồng Nai đã góp phần rất lớn cho sự thành công của doanh nghiệp Hà Lan hoạt động trên địa bàn tỉnh. Trước thông tin về sáp nhập 2 tỉnh, ông Daniël Stork hy vọng tỉnh Đồng Nai mới sẽ tiếp tục trở thành vùng kinh tế trọng điểm của khu vực Nam Bộ và của Việt Nam.
Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư
Đến nay, Đồng Nai đã ký kết 42 bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác quốc tế cấp tỉnh lần đầu với 13 quốc gia trên thế giới và thực hiện 14 bản tái ký kết. Đồng Nai xác định lấy lợi thế về vị trí và giao thông thuận lợi, mũi nhọn là phát triển công nghiệp để tạo đột phá, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn đạt ở mức cao và ổn định, bình quân 8% năm. Sau sáp nhập, tỉnh Đồng Nai mới sẽ tiếp tục là một trong những tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông của tỉnh Đồng Nai sau hợp nhất cũng thuộc diện đa dạng bậc nhất cả nước. Đặc biệt, Đồng Nai sẽ trở thành tỉnh có đường biên giới trên đất liền tiếp giáp Vương quốc Campuchia dài nhất Việt Nam, có 4 cửa khẩu (Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, các cửa khẩu chính: Hoàng Diệu, Lộc Thịnh; Cửa khẩu phụ Tân Tiến) và một lối mở, thuận lợi để kết nối với tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Mục tiêu tổng quát là đến năm 2030, Đồng Nai trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu của cả nước. Kinh tế phát triển năng động và đi đầu trong phát triển kinh tế hàng không, công nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc, đặc trưng là phát triển đô thị sân bay, đô thị sinh thái đẳng cấp quốc tế. Bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc.
Trao đổi thông tin trong các cuộc gặp gỡ đối tác nước ngoài, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, tỉnh Đồng Nai mới có diện tích trên 12,7 ngàn km², dân số hơn 4,4 triệu người. Số lượng khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai mới tăng lên đáng kể, mở ra nhiều cơ hội để Đồng Nai thu hút các dự án FDI đầu tư sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, với địa giới hành chính mới, tỉnh Đồng Nai mới thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nút giao thông huyết mạch Bắc - Nam, tỉnh có Cửa khẩu Hoa Lư dài gần 260km đường biên giới giáp với Campuchia và Cảng hàng không quốc tế Long Thành sắp đi vào hoạt động, tỉnh Đồng Nai mới hứa hẹn sẽ tiếp tục là khu vực phát triển kinh tế năng động trong tương lai.
Ngọc Liên
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202507/dong-nai-trong-top-dau-ca-nuoc-vethu-hut-fdi-04f180d/
Bình luận (0)