Hướng dẫn người dân rà soát hồ sơ khi làm thủ tục hành chính 

Mô hình chính quyền địa phương hai cấp được triển khai đồng bộ theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (ban hành ngày 16/6/2025) và Nghị quyết số 1675/NQ-UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Mục tiêu xuyên suốt là xây dựng các xã, phường trở thành những đơn vị hành chính kiểu mẫu, hội đủ điều kiện về hạ tầng, quản lý hiệu quả, trật tự xã hội, môi trường sống lành mạnh và hành chính công hiện đại. Xã, phường sẽ là nơi “an toàn để sống – thuận lợi để làm – tốt đẹp để đến”.

Theo chỉ thị, Chủ tịch UBND các xã, phường phải nắm chắc địa bàn, xử lý tình huống ngay từ cơ sở, thực hiện hiệu quả phương châm “Nắm chắc – Chủ động – Giải quyết tại chỗ”. Các vụ việc phát sinh cần được phát hiện sớm, xử lý dứt điểm, không để lan rộng thành điểm nóng. Đồng thời, chính quyền cấp cơ sở phải duy trì chế độ giao ban định kỳ, kết nối chặt chẽ với thôn, tổ dân phố, lực lượng công an và các tổ chức đoàn thể.

Chỉ thị đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra tệ nạn xã hội, ô nhiễm tiếng ồn và các điểm nóng gây bất ổn. Các địa phương phải chủ động phòng ngừa, kiểm soát tội phạm, tai nạn giao thông, cháy nổ, an toàn thực phẩm; đồng thời phát huy vai trò ứng dụng công nghệ như Hue-S để tiếp nhận phản ánh từ người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Xây dựng môi trường sống văn minh – xanh – sạch – đẹp cũng là một trong những trụ cột. Từ chỉnh trang đường phố, phân loại rác, trồng cây xanh đến phát động phong trào văn hóa, thể thao, hoạt động cộng đồng – tất cả đều hướng đến tạo lập không gian sống lành mạnh, gắn với bản sắc Huế. Hình ảnh xã, phường Huế không chỉ là nơi ở, mà còn là điểm đến thân thiện, đáng sống và có bản sắc.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân Đặng Hữu Hải kiểm tra tiến độ giải quyết hồ sơ cho người dân 

Về cải cách hành chính, các xã, phường phải hoàn thiện mô hình “một cửa” hiện đại, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, giảm thủ tục phiền hà. Người dân “đến là được làm – làm là được việc – việc là được phục vụ”. Cơ sở dữ liệu hành chính cần được đồng bộ, số hóa, kết nối liên thông với các phòng, ban chuyên môn, đảm bảo vận hành thông suốt và minh bạch.

Đặc biệt, Huế hướng đến hình thành một chính quyền phục vụ với đội ngũ công chức thân thiện, trách nhiệm, không vi phạm kỷ luật hành chính. Các xã, phường được yêu cầu tăng cường đối thoại với người dân và doanh nghiệp, cải thiện các chỉ số SIPAS, PAPI và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế địa phương, hỗ trợ hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ phát triển sản phẩm, thương hiệu, kết nối thị trường.

Chỉ thị cũng đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, văn hóa cộng đồng và đảm bảo an sinh xã hội. Mỗi xã, phường phải là điểm tựa cho sự phát triển toàn diện: Từ giữ gìn lễ hội truyền thống, tổ chức sinh hoạt văn hóa, giáo dục thế hệ trẻ, đến đảm bảo phúc lợi cho người yếu thế và thúc đẩy tinh thần đoàn kết, sẻ chia trong cộng đồng.

Về hạ tầng, thành phố yêu cầu đầu tư đồng bộ giao thông, ngầm hóa dây điện, cải tạo vỉa hè, xây dựng đô thị văn minh – nông thôn hiện đại. Việc quy hoạch, kết nối và vận hành hạ tầng phải tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao chất lượng sống của người dân.

Để triển khai hiệu quả, các địa phương cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, giao trách nhiệm rõ ràng, đánh giá kết quả định kỳ và kiên định tinh thần “mỗi ngày làm việc là một ngày kiến tạo”. Mỗi cán bộ là một chiến sĩ trên mặt trận đổi mới, góp phần xây dựng chính quyền liêm chính, hiện đại, phục vụ.

Sở Nội vụ được giao chủ trì xây dựng Bộ chỉ số đánh giá xã, phường toàn diện, theo dõi quá trình triển khai và đề xuất khen thưởng đơn vị thực hiện tốt. Các sở, ban ngành thành phố phải tích cực phối hợp, đảm bảo sự vận hành thông suốt của mô hình chính quyền địa phương hai cấp – hướng đến xây dựng Huế trở thành điểm sáng trong đổi mới quản trị đô thị và phát triển bền vững.

​HẢI THUẬN

Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/dot-pha-chien-luoc-tu-co-so-huong-den-phuc-vu-toan-dien-155292.html