Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú: 45 ngày tăng tốc giải phóng mặt bằng

Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú đi qua địa bàn 4 huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ do các cơ quan chức năng các địa phương triển khai thực hiện. Do đó, Đồng Nai đặt quyết tâm phải cơ bản hoàn thành trước ngày 30-6, trước thời điểm kết thúc hoạt động của các đơn vị hành chính cấp huyện.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai21/05/2025

Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú khi hoàn thành xây dựng sẽ kết nối với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: tư liệu
Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú khi hoàn thành xây dựng sẽ kết nối với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: tư liệu

Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú sẽ được khởi công xây dựng trong tháng 8-2025.

Thu hồi gần 380 hécta đất

Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là đoạn đầu của tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Tuyến đường cao tốc này có chiều dài hơn 60km, đi qua địa bàn 4 huyện: Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán và Tân Phú. Dự án được đầu tư với mục tiêu đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 20. Hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải Thành phố Hồ Chí Minh - Dầu Giây - Liên Khương nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng, vùng Đông Nam Bộ nói chung; đồng thời, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng Đông Nam Bộ với đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Đối với tỉnh Đồng Nai, đây là dự án được đánh giá sẽ mở ra cơ hội để các địa phương vùng sâu, vùng xa như Định Quán, Tân Phú phát triển.

Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư dự án), năm 2025, Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú được bố trí nguồn vốn 814 tỷ đồng phục vụ công tác GPMB. Đến nay, số vốn này đã được chuyển về tài khoản của trung tâm phát triển quỹ đất các huyện để thực hiện công tác đo đạc, kiểm đếm, đền bù gồm: huyện Thống Nhất 324 tỷ đồng; huyện Định Quán 315 tỷ đồng; huyện Xuân Lộc 25 tỷ đồng và huyện Tân Phú 150 tỷ đồng.

Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Giai đoạn 1, dự án được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 100, quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Các đoạn nền đất yếu, cầu và đoạn dừng khẩn cấp sẽ được thi công theo quy mô hoàn chỉnh với bề rộng nền đường gần 25m. Giữa tháng 4 vừa qua, Bộ Xây dựng đã có quyết định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1).

Riêng với công tác GPMB sẽ được thực hiện theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh với tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 378 hécta.

Cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng vào cuối tháng 6

Do đoạn tuyến của Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú đi qua địa bàn 4 huyện nên thời gian qua, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, GPMB cho các địa phương triển khai thực hiện.

Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú
khi hoàn thành xây dựng sẽ kết nối với
đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh
- Long Thành - Dầu Giây. Ảnh tư liệu
Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú khi hoàn thành xây dựng sẽ kết nối với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh tư liệu

Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Mai Văn Hiền cho biết, đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú đi qua địa bàn 4 xã của huyện với chiều dài gần 16km. Để thực hiện dự án, huyện Thống Nhất phải thu hồi diện tích đất khoảng 98 hécta, trong đó có khoảng 60 hécta là đất do các hộ gia đình, cá nhân sử dụng. “Đến nay, huyện Thống Nhất đã ban hành quyết định phê duyệt dự toán công tác bồi thường, thực hiện quy trình ký hợp đồng với đơn vị đo đạc” - ông Mai Văn Hiền cho biết.

Đối với công tác tái định cư, ông Hiền cho biết, do phần lớn đất của người dân bị thu hồi là đất nông nghiệp nên chỉ có hơn 20 trường hợp phải thực hiện bố trí tái định cư. Địa phương đang chuẩn bị khởi công xây dựng 2 khu tái định cư với quy mô diện tích khoảng 20 hécta.

Tương tự, UBND huyện Xuân Lộc cho biết, để thực hiện dự án, huyện Xuân Lộc phải thu hồi diện tích đất khoảng 5 hécta với 28 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, dự kiến bố trí tái định cư cho khoảng 7-8 hộ dân. Huyện Xuân Lộc đã có sẵn 3 khu tái định cư đã đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng.

Đối với công tác thu hồi đất, huyện Xuân Lộc đã hoàn thành xây dựng và phê duyệt dự toán GPMB, hoàn thành việc lựa chọn đơn vị tư vấn và ký hợp đồng đo đạc địa chính với Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh.

Trong khi đó, tại 2 huyện Định Quán và Tân Phú, các địa phương cũng đã ban hành các quyết định phê duyệt dự toán GPMB dự án; đồng thời, lên phương án bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú.

“Trên địa bàn huyện có 131 trường hợp phải bố trí tái định cư. Hiện nay, Tân Phú đã có sẵn các khu tái định cư đầu tư hoàn thiện hạ tầng với quy mô khoảng 15 hécta” - Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú Phạm Duy Thi cho biết.

Vào giữa tháng 5 vừa qua, tại buổi làm việc về công tác GPMB Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà đã đề nghị các địa phương phát động cao điểm 45 ngày thực hiện công tác GPMB đối với dự án. Để đẩy nhanh tiến độ, các địa phương cần thành lập các đoàn công tác do các đồng chí ủy viên ban thường vụ huyện ủy làm trưởng đoàn để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà, đầu tháng 7 tới sẽ thực hiện giải thể đơn vị hành chính cấp huyện. Do đó, mục tiêu của dự án là đến cuối tháng 6 phải cơ bản hoàn thành công tác GPMB, trong đó chậm nhất đến ngày 20-6, các địa phương phải hoàn thành lập phương án bồi thường, hỗ trợ của dự án.

Phạm Tùng

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202505/du-an-duong-cao-toc-dau-giay-tan-phu-45-ngay-tang-toc-giai-phongmat-bang-d1e10d2/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm