Du lịch nông nghiệp có khởi sắc ở Bắc Tây Nguyên?

Báo Đô thịBáo Đô thị21/02/2025

Kinhtedothi- Bắc Tây Nguyên sở hữu không ít cảnh đẹp gắn liền với nông nghiệp nông thôn. Nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cũng đã đầu tư vào du lịch gắn với nông nghiệp đem đến một tín hiệu khởi sắc trong lĩnh vực này.


Zinfarm là một mô hình du lịch nông nghiệp được thành lập từ liên kết doanh nghiệp với 9 hộ nông dân tại xã Ia Kênh, thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai). Sau 3 năm thành lập và lựa chọn lối đi, đến nay Zinfarm đã trở thành một mô hình hiệu quả trong khai thác nông nghiệp làm du lịch.

Du lịch nông nghiệp tại Zinfarm (xã Ia Kênh, TP Pleiku, Gia Lai).
Du lịch nông nghiệp tại Zinfarm (xã Ia Kênh, TP Pleiku, Gia Lai).

Lãnh đạo xã Ia Kênh,TP Pleiku cũng cho biết, hiện mô hình đã và đang có hiệu quả nhất định, đem đến nguồn thu cho khác cho nhiều hộ nông dân. Trên địa bàn xã cũng đã có nhiều nông hộ đầu tư khai thác cảnh quan nông nghiệp như homestay, farmstay kích thích phát triển du lịch nông thôn ở địa phương.

Ngoài ra, Gia Lai còn tận dụng những vườn chè, hàng thông trăm năm tuổi để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp. Với đặc thù của địa phương sở hữu văn hoá các dân tộc thiểu số đa dạng, ẩm thực phong phú cùng sự đa dạng trong sản xuất nông nghiệp.

Hàng thông trăm tuổi, địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan.
Hàng thông trăm tuổi, địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan.

Trưởng phòng Văn hoá, thông tin và thể thao TP Pleiku, ông Nguyễn Xuân Hà cho hay: “Thành phố đã xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, trong đó khai thác tối đa sự đa dạng văn hoá, phong tục của người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Ngoài ra, sự yêu thích ẩm thực của người J’rai, Ba Nah, cũng là yếu tố lợi thế để phát triển du lịch.

Nghị quyết 06 của Thành uỷ Pleiku cũng nêu rõ phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa. Có giải pháp bảo tồn, phát huy các di sản văn hoá và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ môi trường và thiên nhiên. Thúc đẩy phát triển du lịch ở địa phương để giải quyết tốt việc làm và an sinh xã hội, theo hướng thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.

Bắc Tây Nguyên cũng ghi nhận huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum có sức bật về du lịch nông nghiệp, sinh thái mạnh mẽ nhất ở khu vực. Năm 2024, toàn huyện đón trên 1,1 triệu lượt khách với doanh thu trên 420 tỷ đồng. Đây là bước đệm quan trọng để hình thành khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen.

Khu du lịc sinh thái Măng Đen thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
Khu du lịc sinh thái Măng Đen thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.

Trong một hội nghị chuyên đề về du lịch, nói về điều này Thạc sĩ Phạm Thị Thu Sương – Học viện Chính trị khu vực III cho hay: “Du lịch sinh thái nông nghiệp được coi là một công cụ phát triển kinh tế và kinh doanh để duy trì tính bền vững của điểm đến, bao gồm cả việc bảo vệ môi trường, là cầu nối giữa di sản thiên nhiên và du lịch. Được xem là động lực tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế địa phương và có chiều hướng phát triển nhanh nhất và mang lại nhiều lợi thế như cung cấp việc làm, tăng tỷ lệ việc làm trong khu vực, phát triển cơ hội đầu tư và bổ sung ngoại hối”.

Du khách khám phá mô hình nông nghiệp ở Kon Tum.
Du khách khám phá mô hình nông nghiệp ở Kon Tum.

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định Tây Nguyên là một trong bảy vùng du lịch trọng điểm. Là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh đối với cả nước và cũng là vùng có điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu phát triển kinh tế. Đặc biệt là liên kết phát triển du lịch với nhiều địa phương, nhiều vùng trong cả nước và quốc tế.

Trong những năm qua, ngành du lịch Tây Nguyên đã có những bước tiến khá. Hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành từng bước được năng cao. Ngoài đầu tư công, ghi nhận có nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình đầu tư vào lĩnh vực du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp. Góp phần đáng kể vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế xã hội của vùng.

Du khách người Mỹ đến khám phá làng Tu Thó xã Tê Xăng huyện Tu Mơ Rông.
Du khách người Mỹ đến khám phá làng Tu Thó xã Tê Xăng huyện Tu Mơ Rông.

Với kinh nghiệm 6 năm làm du lịch nông nghiệp, ông Đinh A Ngưi – Người kinh doanh dịch vụ du lịch homestay ở huyện Kbang tỉnh Gia Lai cho rằng “Vượt qua các khó khăn về hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất các đơn vị, doanh nghiệp vẫn liên tục nghiên cứu, đầu tư liên kết xây dựng sản phẩm du lịch dịch vụ phù hợp với nhu cầu của từng thị trường khách. Trong đó chú trọng đến mảng nông nghiệp, sinh thái thu hút phục vụ khách quốc tế.”

Hiện mục tiêu trong năm 2025 của tỉnh Gia Lai là đón 1,7 triệu lượt khách và Kon Tum đón 2,3 triệu lượt khách nâng doanh thu từ ngành lịch tương đương 1000 tỷ đồng mỗi tỉnh./.



Nguồn: https://kinhtedothi.vn/du-lich-nong-nghiep-co-khoi-sac-o-bac-tay-nguyen.html

Bình luận (0)

No data
No data

No videos available