TS-BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định như vậy, trước thực tế, liên tục xảy ra một số sự việc liên quan tới hệ thống y tế, hệ thống khám chữa bệnh, trong đó có tình trạng hành hung cán bộ y tế, điển hình là vụ việc ở Phú Thọ và gần nhất là Nam Định.
Hành hung nhân viên y tế, đặc biệt khi đang làm nhiệm vụ cứu người, hoàn toàn không thể chấp nhận
ẢNH: CẮT TỪ VIDEO
Ông Đức cho rằng, thực trạng này từng xảy ra nhiều năm trước, có nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Về khách quan, lĩnh vực khám chữa bệnh vốn nhiều áp lực, mỗi năm có khoảng 200 triệu lượt khám chữa bệnh, bình quân mỗi ngày có hàng trăm ngàn lượt khám, chữa bệnh. Trong khi đó, lực lượng cán bộ ngành chưa đáp ứng được nhu cầu. Có những bệnh viện rất đông, tâm lý người bệnh muốn được khám nhanh, kỹ lưỡng, nhưng nhiều khi cơ sở y tế không đáp ứng kịp.
"Số lượng bệnh nhân quá lớn, với nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về dịch vụ y tế cũng tạo áp lực nặng nề lên nhân viên y tế, đây cũng là tình huống có thể khiến người bệnh, người nhà chưa hài lòng như cách họ mong muốn", ông Đức chia sẻ.
Nhìn nhận về những tình huống dễ gây bức xúc với người bệnh, ông Hà Anh Đức cũng chia sẻ: "Chúng tôi đã có nhiều quy định liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, ứng xử trong môi trường y tế, từ luật, nghị định, thông tư đến các quy chế nội bộ.
Mục tiêu là xây dựng mô hình lấy người bệnh làm trung tâm. Người bệnh được tôn trọng, được thăm khám, điều trị. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, với những áp lực hiện tại, chúng tôi cũng mong được thấu hiểu và chia sẻ để đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh diễn ra hiệu quả".
TS Hà Anh Đức cho rằng, người bệnh khi đến bệnh viện được tôn trọng nhưng cũng cần chia sẻ với nhân viên y tế về các áp lực
ẢNH: THÚY ANH
Cũng theo ông Đức, để an toàn cho môi trường công tác của nhân viên y tế, trong bệnh viện, ông Đức cho biết, từ năm 2014, Bộ Y tế đã ký quy chế phối hợp với Bộ Công an.
Trong đó, có nội dung liên quan đến việc đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở y tế. Chúng tôi cũng đề xuất các giám đốc bệnh viện cần tăng cường hành lang bảo vệ tại khu vực cấp cứu, hồi sức tích cực. Đây là nơi thường xuyên xảy ra tình huống căng thẳng. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ tiếp tục báo cáo và tham mưu cho Chính phủ, hoặc trong phạm vi quyền hạn của Bộ trưởng, ban hành các chính sách cụ thể để bảo vệ nhân viên y tế.
TS-BS Hà Anh Đức cho biết, mục tiêu sắp tới là giảm tối đa các áp lực không đáng có cho cả nhân viên y tế và người bệnh. Muốn vậy, cần một hệ thống giải pháp đồng bộ. Trước hết, quy trình đón tiếp tại các cơ sở y tế cần chuyên nghiệp hơn để giảm căng thẳng ban đầu.
Thứ hai, cán bộ y tế cần được đào tạo kỹ năng xử lý tình huống. Và, cùng với đó là sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng thật sự kịp thời và hiệu quả.
"Trong toàn bộ cải cách, yếu tố cốt lõi vẫn là người bệnh. Mọi chính sách và giải pháp đều phải hướng đến việc lấy người bệnh làm trung tâm. Riêng về cơ chế tài chính, các đơn vị cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh để tạo ra sự thông thoáng, giảm bớt rào cản cho người bệnh", ông Đức nói.
Nguồn: https://thanhnien.vn/du-ly-do-gi-hanh-hung-nhan-vien-y-te-la-hoan-toan-khong-the-chap-nhan-185250507170905639.htm
Bình luận (0)