Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đưa Luật Nhà giáo vào cuộc sống: Lắng nghe từ thực tiễn

GD&TĐ - Các văn bản pháp luật, đặc biệt văn bản dưới luật trong lĩnh vực giáo dục, chỉ phát huy giá trị khi bám sát thực tiễn.

Báo Giáo dục và Thời đạiBáo Giáo dục và Thời đại13/07/2025

Tuy nhiên, nhiều chính sách được ban hành còn khoảng cách so với điều kiện triển khai tại cơ sở. Việc lắng nghe tiếng nói của cán bộ quản lý, giáo viên là yếu tố sống còn để đảm bảo chính sách đi vào cuộc sống.

Tiếng nói từ giáo viên

Là người trực tiếp đứng lớp tại ngôi trường vùng biên giới nhiều thiếu thốn, cô Hà Thị Khuyên - Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn, Thanh Hóa) chia sẻ thẳng thắn: “Chúng tôi cần được lắng nghe, tham gia và nhìn nhận như những chủ thể kiến tạo giáo dục, chứ không chỉ là người thực thi thụ động”.

Theo cô Khuyên, thực tiễn giáo dục vô cùng đa dạng, có sự khác biệt lớn giữa các vùng miền. Nếu văn bản dưới luật không được xây dựng trên nền tảng lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, dễ dẫn đến tình trạng “văn bản một đằng - thực tiễn một nẻo”.

“Tôi đã chứng kiến nhiều quy định bộc lộ vướng mắc khi áp dụng vào thực tế. Ví như, quy định về dạy học tích hợp thiếu các điều kiện hỗ trợ cần thiết, hay chương trình yêu cầu học sinh thể hiện năng lực, phẩm chất nhưng ở vùng khó, nhiều em còn chưa đủ vốn tiếng Việt để diễn đạt.

Lúc đó, giáo viên phải tự xoay xở, linh hoạt tìm cách vừa tuân thủ, vừa thích nghi”, cô Khuyên bộc bạch và mong muốn, các cơ quan xây dựng chính sách có cơ chế thực chất để giáo viên, cán bộ quản lý ở cơ sở được tham gia góp ý. Việc này không nên chỉ dừng lại với những hội nghị hình thức hay khảo sát phiếu kín, mà cần các diễn đàn trao đổi mở, có chiều sâu, nơi tiếng nói người trong cuộc được lắng nghe với tinh thần cầu thị và trân trọng.

Cùng chung trăn trở, cô Lê Thị Phương Huyền - Trường Mầm non Tam Chung (Tam Chung, Thanh Hóa) nhấn mạnh, nhiều quy định hiện hành còn chung chung, khó áp dụng vào điều kiện đặc thù vùng cao, biên giới.

Trong đó, chương trình tăng cường tiếng Việt rất cần thiết, nhưng nhiều tài liệu, học liệu thiết kế chưa phù hợp hoàn toàn với trình độ, ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ vùng cao. Các văn bản yêu cầu tổ chức nhiều hoạt động ngoài trời, trải nghiệm thực tế. Tuy nhiên, với địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, việc tổ chức theo yêu cầu là thách thức lớn.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của giáo viên chỉ dừng lại ở các cuộc họp nội bộ trường, không đến được các cấp hoạch định chính sách, dẫn đến kênh góp ý bị hạn chế. Việc luân chuyển giáo viên cần đặc biệt quan tâm đến hoàn cảnh cá nhân, năng lực văn hóa, ngôn ngữ và tâm lý ổn định của giáo viên để không làm gián đoạn chất lượng giáo dục.

Vậy nên, cô Huyền cho rằng, tình trạng “luật một đằng, hướng dẫn một nẻo” hoặc quy định không còn phù hợp nhưng chậm sửa đổi đã và đang gây lúng túng cho nhà trường, tạo áp lực không nhỏ cho giáo viên.

dua-luat-nha-giao-vao-cuoc-song-1.jpg
Cô Lê Thị Phương Huyền trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập của trẻ tại nhóm lớp ở điểm lẻ Suối Lóng, Trường Mầm non Tam Chung.

Bất cập đặc thù

Không chỉ chia sẻ trăn trở, các nhà quản lý giáo dục tại cơ sở còn đưa ra đề xuất cụ thể để tháo gỡ các nút thắt trên cơ sở thực tiễn đã trải qua. Ông Lê Xuân Thi - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Giao Thiện (Giao An, Thanh Hóa), nêu lên vướng mắc cấp bách liên quan đến quản lý nhân sự và chế độ đãi ngộ. Theo ông Thi, quy định về chính quyền địa phương 2 cấp đòi hỏi có văn bản hướng dẫn cụ thể về phân cấp tuyển dụng.

Phó Hiệu trưởng Trường THCS Giao Thiện cũng cho rằng, nhiều trường miền núi đang thiếu giáo viên nghiêm trọng. Trước đây, UBND huyện Lang Chánh (cũ) có thể điều động giáo viên giữa các trường, nhưng hiện nay cơ chế này không còn hiệu quả do trường nào cũng thiếu. Ông Thi cho rằng sở GD&ĐT đảm nhận vai trò này phù hợp để điều phối nhân sự một cách linh hoạt, hiệu quả hơn.

Đối với chế độ phụ cấp, ông Thi nêu thực tế: Giáo viên ở nhiều xã miền núi của Thanh Hóa đi lại rất khó khăn, nhất là mùa mưa lũ, nhưng chỉ được hưởng phụ cấp ưu đãi 35%. Trong khi đó, chỉ giáo viên dạy ở xã thuộc Chương trình 135 mới được hưởng phụ cấp vùng đặc biệt khó khăn. Ông Thi đề nghị Chính phủ cần quy định lại các chế độ phụ cấp cho phù hợp hơn với thực tế, để giáo viên yên tâm công tác và cống hiến lâu dài.

Những phản hồi trên cho thấy, muốn chính sách thực sự đi vào cuộc sống, thì việc mở rộng tiếng nói từ cơ sở trở thành yêu cầu bắt buộc. Ông Lê Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường THCS Đông Thọ (Hàm Rồng, Thanh Hóa) nhấn mạnh, cần sớm khắc phục tình trạng văn bản về nhà giáo chồng chéo, thiếu đồng bộ và kiến tạo các chính sách đột phá để phát triển đội ngũ.

“Luật Nhà giáo chỉ thực sự có giá trị khi được xây dựng trên nền tảng thực tiễn giáo dục, với sự tham gia thực chất của người trong cuộc. Cần sớm thiết lập cơ chế đối thoại hai chiều, dân chủ và thường xuyên giữa các cơ quan xây dựng chính sách với đội ngũ nhà giáo.

Khi giáo viên được tham gia từ khâu xây dựng, chính sách sẽ bám sát thực tiễn, khả năng thành công cao hơn”, ông Hải chia sẻ và nhấn mạnh, mọi quy định, nếu muốn khả thi và bền vững, phải khởi nguồn từ sự thấu hiểu đời sống dạy học, từ tiếng nói của giáo viên - những người đang hàng ngày kiên trì với “sự nghiệp trồng người”.

Việc ban hành Luật Nhà giáo là cơ hội để thể chế hóa các chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ nhà giáo, đồng thời xây dựng hành lang pháp lý thống nhất, phù hợp thực tiễn Việt Nam. - Ông Lê Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường THCS Đông Thọ

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/dua-luat-nha-giao-vao-cuoc-song-lang-nghe-tu-thuc-tien-post739422.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm