Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đưa Luật Nhà giáo vào cuộc sống: Tăng cường phối hợp liên ngành

GD&TĐ - Các chuyên gia, đại biểu Quốc hội đề xuất, nâng cao phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan nhằm bảo đảm chính sách về lương, bảo hiểm, chế độ đãi ngộ được thực hiện đầy đủ, đúng tinh thần của Luật Nhà giáo.

Báo Giáo dục và Thời đạiBáo Giáo dục và Thời đại15/07/2025

Phụ thuộc vào cách triển khai

Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, chất lượng giáo dục được quyết định bởi đội ngũ nhà giáo. Vì thế, nếu lương thấp, sẽ khó thu hút được người tài và học sinh giỏi không mặn mà với ngành sư phạm. Khi không thu hút được người giỏi, chúng ta không thể có nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Giáo dục.

Ngược lại, khi lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp sẽ là chính sách đột phá để thu hút học sinh xuất sắc vào các trường sư phạm. Giống như khối ngành y, vì có sự quan tâm lớn của xã hội nên điểm chuẩn luôn cao; từ đó sàng lọc được người giỏi nhất. Khi có đầu vào tốt, chúng ta sẽ có đầu ra tốt và đội ngũ giáo viên giỏi.

Vì vậy, bà Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, khi tiền lương của giáo viên được cải thiện, sẽ đạt hai mục tiêu: Giữ chân người có năng lực ở lại và thu hút được nhân tài mới. “Muốn vậy, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành, cơ quan hữu quan và địa phương để Luật Nhà giáo sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu lực, hiệu quả, giá trị trong thực tiễn”, bà Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm.

Tin tưởng chính sách của Luật Nhà giáo sớm đi vào cuộc sống, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (đoàn tỉnh Quảng Trị) cho rằng, để các chính sách của luật sớm phát huy hiệu quả trong thực tiễn, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan như: Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ… phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT để có hướng dẫn cụ thể; trên hết là bảo đảm nguồn lực, bố trí ngân sách để có thể thực thi chính sách về tiền lương, các chế độ đãi ngộ khác ngay sau khi luật có hiệu lực thi hành.

“Hiệu quả của Luật Nhà giáo không chỉ nằm ở nội dung mà phụ thuộc vào cách triển khai trong thực tế. Trên tinh thần đó, các địa phương cần minh bạch trong chi trả phụ cấp, chính sách ưu đãi cho nhà giáo nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, phát huy giá trị nhân văn của luật”, đại biểu Hồ Thị Minh gợi mở.

dua-luat-nha-giao-vao-cuoc-song2-8078.jpg
Ảnh minh họa INT.

Quy định chi tiết chính sách

Theo ông Lê Trọng Vinh - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ), có nhiều nội dung liên quan đến các luật, nghị định chuyên ngành khác như: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Viên chức, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học… Đây là vấn đề khó nên một số điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Do vậy, cần tiến hành rà soát các văn bản hiện hành để tránh trùng lặp khi có hướng dẫn mới về thực hiện luật. Ngoài ra, nên đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa trong quản lý giáo dục; quy định rõ trách nhiệm từng cơ quan, từng cấp và thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; tăng cường hợp tác công tư trong đào tạo nhà giáo; tạo thuận lợi cho nhà giáo hành nghề trong khuôn khổ pháp luật. Cùng với đó, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin cho, giảm chi phí tuân thủ, phiền hà cho người dân, các tổ chức và nhà giáo…

Khi xây dựng Luật Nhà giáo, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) chia sẻ, cơ quan soạn thảo mong muốn cụ thể hóa tối đa những chủ trương của Đảng và Nhà nước thành các chính sách tại luật.

Theo đó, điểm b khoản 1 Điều 23 quy định: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. Ông Vũ Minh Đức nhấn mạnh: Đây là căn cứ quan trọng để Chính phủ có những quy định điều chỉnh liên quan đến tiền lương của nhà giáo bảo đảm chủ trương ‘xếp cao nhất’.

Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho hay, tại dự thảo Nghị định quy định chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo trong hồ sơ dự án Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ xếp lại bảng lương của một số chức danh nhà giáo (như giáo viên mầm non, phổ thông, dự bị đại học, giáo viên giáo dục nghề nghiệp hạng IV…) để bảo đảm tính thống nhất về bảng lương áp dụng với các chức danh nghề nghiệp viên chức nhà giáo và viên chức các ngành, lĩnh vực khác;

Đồng thời, bảo đảm mức sống của nhà giáo, giúp nhà giáo an tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Dự thảo Nghị định cũng quy định hệ số lương đặc thù đối với nhà giáo với mức từ 1,1 đến 1,6 tùy theo cấp học, trình độ đào tạo bảo đảm lương nhà giáo cao hơn viên chức cùng bảng lương áp dụng của các ngành, lĩnh vực khác; giảm cách biệt về tiền lương giữa nhà giáo trẻ và nhà giáo lâu năm ở cùng vị trí việc làm.

Những giải pháp dự kiến này thực hiện trong bối cảnh việc trả lương đang thực hiện theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ và sẽ là căn cứ để thực hiện sắp xếp lại tiền lương khi Chính phủ ban hành chính sách tiền lương mới bảo đảm lương của nhà giáo “được xếp cao nhất”.

Những quy định nêu trên tại Luật Nhà giáo là căn cứ pháp lý quan trọng để Bộ GD&ĐT ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu Chính phủ ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể để thực hiện chính sách tiền lương, chế độ ưu đãi đối với nhà giáo thể hiện sự tôn vinh của xã hội, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo. - Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT)

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/dua-luat-nha-giao-vao-cuoc-song-tang-cuong-phoi-hop-lien-nganh-post739431.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm