Đưa Phú Thọ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn

Việt NamViệt Nam17/02/2025


PhuthoPortal - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đặt mục tiêu phát triển du lịch thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Xác định được lợi thế về tiềm năng và nguồn tài nguyên du lịch, tỉnh Phú Thọ đã tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp và định hướng đầu tư để phát triển du lịch. Đến nay, du lịch Phú Thọ đã có nhiều khởi sắc, kết quả kinh doanh du lịch có sự tăng trưởng hằng năm, từng bước phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.

Du khách nước ngoài trải nghiệm gói bánh chưng tại làng cổ Hùng Lô (thành phố Việt Trì)

Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng đất Tổ
Giai đoạn 2021 - 2024, ngành du lịch tỉnh đã tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, nhằm tăng sức hấp dẫn thu hút khách tham quan, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch tại Phú Thọ. Góp phần hình thành nên 5 nhóm sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh là: Sản phẩm du lịch văn hóa; sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; sản phẩm du lịch cộng đồng; du lịch nông nghiệp, nông thôn; sản phẩm du lịch học đường.
Trong đó, sản phẩm du lịch văn hóa đã phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hóa đặc sắc vùng Đất Tổ. Thông qua việc tổ chức chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hằng năm, chương trình “Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ” với hàng loạt các sự kiện hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch có sức lan tỏa rộng rãi như: Lễ hội áo dài trẻ em Việt Nam “Hướng về nguồn cội”; trình diễn trang phục áo dài dân tộc Việt Nam; Giải đua xe đạp phong trào các câu lạc bộ Việt Trì mở rộng; tổ chức đoàn famtrip “Hành trình du lịch sắc màu Trung du”, Giải Marathon “Về nguồn”,… giúp du khách được trải nghiệm nghi lễ thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với vùng Đất Tổ. Cùng với đó, 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được tăng cường khai thác, phát huy giá trị, từ đó xây dựng được các sản phẩm du lịch độc đáo như: Chương trình du lịch “Tour đêm Đền Hùng” với chủ đề “Trở về Cội nguồn - Linh thiêng Đất Tổ”; “Nghi lễ rước nước gắn với xây dựng điểm du lịch văn hóa cộng đồng Bạch Hạc, thành phố Việt Trì”…

Đồi chè Long Cốc, huyện Tân Sơn - một trong những điểm nhấn của du lịch sinh thái

Du lịch sinh thái được đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng, từng bước nâng cao chất lượng, khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, du lịch thể thao, du lịch chuyên đề tại các trung tâm du lịch trọng điểm nhằm đa dạng hóa loại hình sản phẩm du lịch, tạo sức thu hút hấp dẫn khách du lịch, tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của khách du lịch khi đến Phú Thọ tham quan, trải nghiệm. Trong đó phải kể đến các điểm du lịch như khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy; Vườn quốc gia Xuân Sơn và đồi chè Long Cốc tại huyện Tân Sơn; dự án đầu tư sân golf tại huyện Tam Nông chuẩn bị đưa vào hoạt động; sản phẩm du lịch mạo hiểm bay dù lượn đang được khảo sát nghiên cứu thực hiện tại đồi chè Long Cốc, huyện Tân Sơn,… đã và đang tạo thành điểm nhấn của du lịch Phú Thọ.
Đặc biệt, tại khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy đã thu hút một số dự án lớn đầu tư xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe theo hình thức chuỗi dịch vụ cao cấp, có quy mô, có lợi thế cạnh tranh theo tiêu chuẩn từ 4 - 5 sao như: Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng Wyndham Thanh Thủy; khu du lịch, biệt thự sinh thái - nghỉ dưỡng Vườn Vua; khu du lịch nghỉ dưỡng Bamboo Thanh Thủy,… đang trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng trọng điểm của tỉnh, thu hút một lượng khách lớn từ khu vực thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận đến nghỉ dưỡng, trải nghiệm. Đón và phục vụ trung bình từ 300.000 - 500.000 lượt khách hằng năm.

Vườn Vua Resort & Villas cùng các khu nghỉ dưỡng của Thanh Thủy có cảnh quan thiên nhiên đẹp, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu của du khách

Cùng với đó là hệ thống các sản phẩm du lịch sinh thái, danh thắng tại Vườn quốc gia Xuân Sơn và đồi chè Long Cốc tại huyện Tân Sơn như: Du lịch trekking Vườn quốc gia Xuân Sơn; bản Lấp - bản Cỏi (2 ngày 1 đêm); trekking cho học sinh (bản Dù - bản Lạng).
Sản phẩm du lịch cộng đồng cũng được quan tâm đầu tư hỗ trợ đối với các khu vực có tiềm năng phát triển, từ đó tạo điểm nhấn cho du lịch. Trong đó phải kể đến điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô tiếp khách du lịch tại các nhà cổ Hùng Lô, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế tham quan trải nghiệm thường xuyên. Hay các hoạt động du lịch dịch vụ homestay, phát triển loại hình du lịch cộng đồng phục vụ khách tham quan trải nghiệm khám phá bản sắc văn hóa dân tộc Dao, Mường tại Vườn quốc gia Xuân Sơn.
Đưa Phú Thọ trở thành điểm đến du lịch
Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 20230, Phú Thọ trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc, với tầm nhìn là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ và du lịch hàng đầu của vùng, là nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.
 Bà Vũ Thị Hoài Phương - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong thời gian tới ngành Du lịch Phú Thọ nỗ lực tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Tăng cường huy động các nguồn lực tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tại 5 trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh là thành phố Việt Trì, trung tâm huyện Thanh Thủy, trung tâm Vườn quốc gia Xuân Sơn và huyện Tân Sơn, trung tâm huyện Hạ Hòa và trung tâm huyện Tam Nông nhằm hình thành nên các khu, điểm du lịch hoàn thiện, đồng bộ, sản phẩm du lịch hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.
Chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng - một trong những xu hướng phát triển kinh tế bền vững hiện nay. Trong đó các huyện có tiềm năng lợi thế nổi bật là Thanh Thủy, Tân Sơn, Hạ Hòa và thành phố Việt Trì. Đặc biệt là Thanh Thủy, địa phương có nguồn khoáng nóng quý hiếm và cảnh quan thiên nhiên đa dạng, là lựa chọn ưu tiên cho du khách tìm kiếm sự thư giãn và tái tạo năng lượng. Với vị trí cách Hà Nội khoảng 1 giờ di chuyển, đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư bất động sản và phát triển khu đô thị sinh thái nắm bắt tiềm năng thị trường.

Các em học sinh Trường Chất lượng cao Hùng Vương trải nghiệm tìm hiểu Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan tại làng cổ Hùng Lô (thành phố Việt Trì)

Cùng với đó, chủ động tiếp tục nghiên cứu xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng vùng Đất Tổ đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế như: Sản phẩm du lịch văn hóa gắn với các giá trị di sản văn hóa thế giới và quốc gia (hát Xoan Phú Thọ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, tín ngưỡng thờ mẫu Âu Cơ, khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Hùng…); sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn với khai thác giá trị vườn quốc gia Xuân Sơn, đồi chè Long Cốc, sân golf Tam Nông…; sản phẩm du lịch cộng đồng tại vườn quốc gia Xuân Sơn, Hùng Lô, Long Cốc, Bạch Hạc…; sản phẩm du lịch thể thao tại Tam Nông, Việt Trì, Long Cốc, Xuân Sơn; sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với chương trình OCOP, chương trình nông thôn mới; sản phẩm du lịch học đường tại các điểm di tích lịch sử, các di tích cách mạng.
Chú trọng việc ứng dụng khoa học công nghệ thông tin hiện đại, thực hiện chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài nước. Tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; nguồn nhân lực tại các địa phương phát triển du lịch cộng đồng. Nghiên cứu xây dựng và ban hành một số cơ chế hỗ trợ phát triển các khu, điểm du lịch; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng; hỗ trợ các cơ sở sản xuất sản phẩm, sản vật đặc trưng của tỉnh, sản phẩm quà tặng lưu niệm; cơ chế khuyến khích các đơn vị lữ hành có thương hiệu thường xuyên đưa lượng lớn khách du lịch đến tham quan Phú Thọ… Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chú trọng cải cách hành chính, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư và tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch.

Năm 2024, Phú Thọ ước đón 6,63 triệu lượt khách tham quan du lịch, trong đó khách du lịch lưu trú là 830.000 lượt, tăng 7% so với năm 2023, đạt 104% so với kế hoạch. Tổng doanh thu du lịch ước thực hiện năm 2024 là 4.100 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Tính cả giai đoạn 2021 - 2024, lượng khách du lịch lưu trú đến tỉnh tăng nhanh và ổn định, với mức tăng trưởng 39,6%/năm, lượng khách quốc tế tăng 38%/năm; doanh thu du lịch đạt mức tăng 54%/năm.
Thu Hương
Dẫn nguồn: 
Đưa Phú Thọ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn



Nguồn: http://svhttdl.phutho.gov.vn/tin/dua-phu-tho-tro-thanh-diem-den-du-lich-hap-dan_4158.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available