Ngày 17-4, tại hội thảo "Phát triển kinh tế và thương mại Halal của Việt Nam", các chuyên gia đã chỉ ra thực trạng việc để đưa Việt Nam bước vào thị trường Halal toàn cầu (là những sản phẩm được cho phép, hợp pháp để sử dụng theo Luật Hồi giáo, với những yêu cầu nghiêm ngặt từ các thành phần nhỏ nhất đến khâu chế biến, vận chuyển).
Thị trường Halal có tốc độ tăng trưởng nhanh, lợi nhuận cao
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Hoàng - hiệu trưởng Trường đại học Thương mại (Hà Nội) - cho biết thị trường Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn về quy mô, mức chi tiêu và sự đa dạng về lĩnh vực, triển vọng tăng trưởng.
Những năm gần đây, ngành kinh tế Halal đã trở thành phân khúc phát triển nhanh nhất thế giới. Tốc độ tăng trưởng hằng năm khoảng 5,2% với lợi nhuận và sức ảnh hưởng nhất trong kinh doanh thực phẩm toàn cầu.
Báo cáo từ nền tảng nghiên cứu thị trường MMR dự báo tổng doanh thu của thị trường thực phẩm Halal đến năm 2030 đạt trên 5.200 tỉ USD và 15.000 tỉ USD vào năm 2050.
Sự gia tăng giá trị thị trường này cho thấy Halal đã phát triển từ một dấu hiệu nhận dạng tuân thủ tôn giáo đến trở thành một mô hình kinh tế mang tính toàn cầu.
Đại sứ Iran tại Việt Nam Ali Akbar Nazari chia sẻ nước này có dân số 89 triệu người, phần lớn theo đạo Hồi, tất cả thực phẩm sản xuất tại Iran đều là Halal.
Năm 2020, Iran được xếp hạng thứ 6 trong số 73 quốc gia Hồi giáo và phi Hồi giáo về sản lượng thực phẩm Halal.
Một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế Halal là ngành thực phẩm Halal, chiếm khoảng 65% tổng thương mại Halal.
Riêng trong năm 2023, lĩnh vực này đã tạo ra doanh thu lên tới 2.300 tỉ USD. Trong tương lai gần, thực phẩm Halal dự kiến chiếm tới 20% giao dịch thực phẩm toàn cầu.
"Những con số này cho thấy cơ hội to lớn mà nền kinh tế Halal mang lại, không chỉ cho các quốc gia Hồi giáo mà còn cho những quốc gia như Việt Nam, vốn đang ở vị trí chiến lược để tham gia vào thị trường đầy tiềm năng này", Đại sứ Ali Akbar Nazari nhận định.
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt trên thị trường Halal
Theo ông Bùi Văn Huyền - viện trưởng Viện Kinh tế - xã hội và môi trường, Việt Nam có nhiều lợi thế vượt trội để trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng Halal toàn cầu.
Việt Nam có nguồn cung nông sản dồi dào (gạo, cà phê, hạt tiêu, trái cây nhiệt đới…), phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của các thị trường Halal.
Việt Nam cũng có vị trí chiến lược tại Đông Nam Á thuận lợi cho việc tiếp cận các thị trường Halal lớn như Indonesia, Malaysia và các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh.
Bên cạnh đó là hệ thống các cảng biển và mạng lưới thương mại hàng hải phát triển tốt, đóng vai trò là điểm trung chuyển cho các sản phẩm Halal đến châu Âu và Trung Đông.
Tuy vậy, hiện nay doanh nghiệp Việt chỉ xuất khẩu được khoảng 20 mặt hàng sang các quốc gia Hồi giáo trong khu vực ASEAN.
Ông Đinh Công Hoàng - Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi - chỉ ra các biện pháp đưa sản phẩm Halal của Việt Nam ra toàn cầu.
Thứ nhất, nghiên cứu và xây dựng các trung tâm thông tin chuyên sâu về Halal. Thành lập các viện có chức năng nghiên cứu, đào tạo, cung cấp thông tin và tư vấn về tất cả các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn Halal.
Thứ hai, tăng cường xúc tiến thương mại và tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế để kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Halal trên toàn cầu.
Thứ ba, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động và linh hoạt hơn trong việc cập nhật thông tin, nghiên cứu sâu về thị trường mục tiêu và các biến động kinh tế, chính trị để đưa ra quyết định về thời điểm xuất khẩu.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/dua-viet-nam-vao-thi-truong-halal-toan-cau-tri-gia-hang-nghin-ti-do-3353951.html
Bình luận (0)