Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

“Đường cách mạng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nền móng hữu nghị Việt-Trung

(GLO)- Trong hành trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung Quốc là nơi Người dừng chân lâu nhất và có nhiều mối quan hệ đồng chí, bạn bè sâu sắc nhất.

Báo Gia LaiBáo Gia Lai19/05/2025

Triển lãm “Đường cách mạng-Đồng chí Hồ Chí Minh tại Trung Quốc” đang diễn ra tại Bảo tàng tỉnh là câu chuyện kể bằng hình ảnh sống động về bước chân bôn ba cứu nước của Người. Đồng thời, triển lãm cũng khắc họa những dấu mốc quan trọng trong việc xây dựng nền móng cho tình hữu nghị Việt-Trung.

Dấu chân cách mạng

Triển lãm diễn ra từ ngày 16-5 đến hết 10-6, giới thiệu hơn 250 hình ảnh, tư liệu, trích dẫn quý và được bố cục thành 4 phần. Hai phần đầu tái hiện hành trình cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trung Quốc giai đoạn 1924-1945. Từ hai bàn tay trắng, Người xây dựng các tổ chức cách mạng đầu tiên, đồng thời hòa mình vào phong trào kháng Nhật cứu nước của Nhân dân Trung Quốc.

Nhiều hình ảnh cho thấy dấu chân cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã in hằn khắp vùng đất Trung Quốc như sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Quảng Châu năm 1925 và Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hồng Kông năm 1930. Sau đó, Người tiếp tục hoạt động tại các địa phương như: Vân Nam, Quảng Tây, Quế Lâm, Côn Minh, Trùng Khánh, Tĩnh Tây, Liễu Châu... Đồng thời, cùng Đảng Cộng sản Trung Quốc và Nhân dân ở đây tham gia cuộc đấu tranh chống Nhật cứu nước, gây dựng nên tình cảm cách mạng sâu sắc.

Những nơi ấy không chỉ ghi dấu hành trình bền bỉ vì độc lập dân tộc mà còn trở thành những “địa chỉ đỏ” trong mối quan hệ cách mạng giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Người xem đặc biệt ấn tượng là hình ảnh “Động Hồ Chí Minh” hay Cột mốc biên giới số 108 cũ ở Mạnh Ma-đều được công nhận là di tích hoạt động bí mật của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Tĩnh Tây.

trien-lam-duong-cach-mang-dong-chi-ho-chi-minh-tai-trung-quoc-giup-the-he-tre-hieu-hon-ve-cuoc-doi-hoat-dong-cach-mang-cua-lanh-tu-kinh-yeu.jpg
Triển lãm “Đường cách mạng-Đồng chí Hồ Chí Minh tại Trung Quốc” giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Ảnh: M.C

Phần 3 và 4 của triển lãm làm rõ mối quan hệ hữu nghị giữa 2 dân tộc. Sau khi Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950, kể từ đó cho tới trước khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần sang thăm Trung Quốc.

Khắp dải đất Trung Hoa đều in đậm dấu chân của Người cùng tình hữu nghị sâu sắc mà Bác dày công vun đắp. Rất nhiều hình ảnh ghi lại những lần gặp gỡ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông, đơn cử như bức ảnh về cuộc trò chuyện thân mật tại Bắc Kinh (tháng 2-1959); trong ảnh, 2 lãnh tụ đều nở nụ cười thoải mái. Hay những hình ảnh về hội kiến tại Bắc Đới Hà (1958), gặp gỡ ở Hàng Châu (tháng 12-1957)… thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa lãnh tụ 2 nước.

Bên cạnh đó là những khung hình đời thường khi Bác thăm Tân Cương, đi thuyền trên Tây Hồ, thăm nông trang ở sông Phú Xuân... Mỗi hành trình đều góp phần củng cố tình hữu nghị 2 nước.

Tình hữu nghị Việt-Trung

Năm 2025 đánh dấu kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc và Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc.

Triển lãm “Đường cách mạng-Đồng chí Hồ Chí Minh tại Trung Quốc” không chỉ minh chứng sống động cho hành trình cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn thể hiện sâu sắc tình hữu nghị của Người đối với Nhân dân Trung Quốc.

Thông qua những hình ảnh và tư liệu quý, triển lãm góp phần khắc họa mối quan hệ gắn bó, thủy chung giữa 2 quốc gia trong sự nghiệp cách mạng và xây dựng đất nước. Đây cũng là biểu tượng đẹp cho tình hữu nghị và hợp tác giữa 2 dân tộc.

Triển lãm chuyên đề này cũng là hoạt động hợp tác giữa Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Quảng Đông (Trung Quốc) và Bảo tàng Hồ Chí Minh (Việt Nam) kể từ năm 2006.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng-Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh-cho biết: Tại Việt Nam, triển lãm đã được tổ chức ở nhiều địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, Huế, Gia Lai… Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp cùng Bảo tàng tỉnh Gia Lai tổ chức triển lãm với nội dung phong phú, hình ảnh chân thực về Bác và những nơi Người từng hoạt động tại Trung Quốc.

Qua đây, người xem có thể hiểu rõ hơn về con đường cách mạng, tư tưởng đối ngoại và những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc đặt nền móng cho quan hệ Việt-Trung.

co-va-tro-truong-thpt-le-loi-tim-hieu-hieu-chang-duong-hoat-dong-cach-mang-cua-bac-ho-tai-trung-quoc.jpg
Cô và trò Trường THPT Lê Lợi tìm hiểu hiểu chặng đường hoạt động cách mạng của Bác Hồ tại Trung Quốc. Ảnh: M.C

Một điểm đáng chú ý là triển lãm thu hút sự quan tâm đặc biệt của học sinh, sinh viên-những người tưởng chừng sẽ khó tiếp cận đề tài lịch sử-ngoại giao. Tuy nhiên, nhờ hình ảnh sống động, tư liệu gần gũi, các em đã tìm thấy những bài học đầy cảm hứng.

Em Phạm Nguyễn Phương Trinh (lớp 7, Trường THCS Phạm Hồng Thái, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) chia sẻ: “Em đã học lịch sử và đọc nhiều sách, báo viết về Bác nhưng nhờ triển lãm này, em hiểu rõ hơn hành trình của Bác ở Trung Quốc. Em rất tự hào vì đất nước mình có một lãnh tụ vĩ đại như Bác Hồ”.

Không dừng lại ở sự xúc động, nhiều học sinh còn có suy nghĩ khá thực tế khi đặt câu hỏi về sứ mệnh của thế hệ trẻ trong kế thừa, tiếp nối con đường cách mạng, ngoại giao của Bác.

Em Đỗ Khải Nghi (lớp 11, Trường THPT Lê Lợi, TP. Pleiku) cho hay: “Xem những hình ảnh của Bác Hồ ở Trung Quốc khi còn rất trẻ, em vô cùng khâm phục tinh thần yêu nước và khát vọng tự do của Người.

Thế hệ trẻ hôm nay cần nỗ lực nhiều hơn nữa, vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống và cố gắng làm điều gì đó phù hợp với khả năng của mình nhưng cũng phải có ích cho đất nước để góp phần giữ gìn và phát huy những thành quả cách mạng mà Bác và các thế hệ cha ông đã hy sinh để giành được”.

Triển lãm không chỉ là lát cắt lịch sử về hành trình cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là nhịp cầu kết nối tình hữu nghị giữa 2 nước đã được vun đắp, gìn giữ 75 năm qua và vẫn đang được các thế hệ tiếp nối trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

Nguồn: https://baogialai.com.vn/duong-cach-mang-cua-chu-tich-ho-chi-minh-va-nen-mong-huu-nghi-viet-trung-post323700.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm