Trong dự thảo nghị quyết, hàng loạt điểm nghẽn lâu nay đã được nhận diện và đề xuất phương án xử lý dứt điểm. Nếu các chính sách này được Quốc hội thông qua và triển khai hiệu quả, thời gian thực hiện dự án nhà ở xã hội có thể rút ngắn từ 375 đến 525 ngày - một con số có ý nghĩa quyết định, giúp tăng tốc nguồn cung, tạo lực đẩy mới cho thị trường bất động sản phục vụ đại đa số dân cư.
Trong đó, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư không thông qua đấu thầu với những dự án đã đủ điều kiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ giúp cắt giảm gần 200 ngày so với quy trình hiện hành. Sự phân quyền triệt để cho chính quyền địa phương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư và giao chủ đầu tư cũng là bước chuyển từ “xin - cho” sang “trao quyền và trách nhiệm”, giảm thiểu tình trạng ách tắc do cơ chế phê duyệt chồng chéo, tầng nấc.
Không dừng lại ở đó, đề xuất miễn thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, miễn giấy phép xây dựng với dự án sử dụng thiết kế mẫu, rút gọn quy trình quy hoạch, áp dụng chỉ định thầu rút gọn cho các gói thầu sử dụng vốn công… cho thấy tinh thần “cắt giảm thực chất” thay vì cải tiến hình thức. Đề xuất tháo gỡ điểm nghẽn trong quy trình thẩm định giá bán, giá thuê bằng cách cho phép chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn độc lập thẩm định giá trước khi cơ quan nhà nước kiểm tra, hậu kiểm là một nỗ lực khác nhằm cân bằng giữa yêu cầu minh bạch, kiểm soát và tính chủ động trong đầu tư, kinh doanh.
Tuy nhiên, chính vì là các chính sách mang tính đặc thù, mở rộng quyền hạn, cắt giảm hàng loạt thủ tục hành chính vốn được coi là “hàng rào an toàn” nên nguy cơ bị lợi dụng là điều không nên xem nhẹ. Việc giao quyền trực tiếp mà không có cơ chế kiểm tra, giám sát đi kèm dễ dẫn đến nguy cơ trục lợi, hình thành “nhóm lợi ích”, phân bổ nguồn lực sai đối tượng, gây thất thoát và lãng phí nguồn lực công.
Không ai phủ nhận cần có cơ chế đặc biệt để giải quyết bài toán nhà ở xã hội vốn đã tồn tại nhiều năm mà chưa có lời giải hiệu quả. Nhưng sự đặc biệt ấy chỉ có giá trị nếu đi liền với các công cụ giám sát tương xứng. Những bài học từ một số chính sách ưu đãi trước đây như đất đai, tín dụng ưu đãi, phân bổ vốn đầu tư công… cho thấy khi cơ chế kiểm soát lỏng lẻo, chính sách dễ bị bóp méo, mục tiêu nhân văn dễ bị lợi dụng thành cơ hội trục lợi.
Vì vậy, cùng với phân cấp, phân quyền triệt để và cải cách thủ tục mạnh mẽ, dự thảo Nghị quyết cần xác lập rõ cơ chế “phòng ngừa đặc quyền” bằng cách giao Chính phủ thiết kế hệ thống phòng ngừa rủi ro, tiêu cực, ngăn chặn trục lợi chính sách. Trong quá trình xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết nghị quyết của Quốc hội, cần phải có các quy định hậu kiểm bắt buộc, chế tài xử lý cụ thể và rõ ràng với hành vi vi phạm.
Không chỉ là nơi ăn chốn ở cho người dân thu nhập thấp, nhà ở xã hội còn là biểu tượng của chính sách an sinh, là thước đo sự quan tâm của Nhà nước tới người lao động. Khi được Quốc hội thông qua, dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội có thể trở thành cú huých lớn cho thị trường nhà ở. Tuy nhiên, sức sống thực sự của nghị quyết sẽ phụ thuộc vào cách chúng ta xây dựng cơ chế phòng ngừa rủi ro, tiêu cực, ngăn chặn trục lợi chính sách ra sao; thực thi và giám sát thực thi chính sách hiệu quả đến mức nào.
Nguồn:https://daibieunhandan.vn/co-che-dac-thu-cho-nha-o-xa-hoi-10372857.html
Bình luận (0)