Nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về GDNN giữa "3 nhà”, tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành thu thập, cập nhật thông tin thị trường lao động, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp để làm cơ sở hoạch định chính sách, chương trình hỗ trợ kết nối giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp; các nhà trường và doanh nghiệp thực hiện linh hoạt việc hợp tác, tăng cường sự tham gia toàn diện của doanh nghiệp trong các hoạt động đào tạo nghề từ khâu tuyển sinh, đánh giá, phản biện nội dung chương trình để nhà trường cải tiến, chỉnh sửa phù hợp thực tế; cử cán bộ doanh nghiệp có kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy trong các giờ học tại nhà trường hoặc doanh nghiệp đến tuyển dụng lao động qua đào tạo…
Sở GDĐT ký kết chương trình phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh về đào tạo nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo; ký kết với Công ty Honda Việt Nam biên bản ghi nhớ về việc hỗ trợ phát triển công tác đào tạo cho các trường nghề…
Trong khuôn khổ hội nghị phát triển nguồn nhân lực tỉnh vào cuối tháng 4/2025, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh đã chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác đào tạo nghề giữa các doanh nghiệp và cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp như Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam, Công ty Piaggio Việt Nam, Công ty Hữu hạn công nghiệp Lâm Viễn Vĩnh Phúc… tài trợ, trao tặng thiết bị, máy móc phục vụ công tác đào tạo nghề và hỗ trợ đưa học sinh, sinh viên các cơ sở GDNN trong tỉnh tới thực tập, trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp.
Để hoạt động liên kết, gắn kết giữa các cơ sở GDNN và doanh nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả thiết thực, năm 2019, UBND tỉnh quyết định thành lập Ban Điều phối kết nối doanh nghiệp và nhà trường. Hằng năm, Ban Điều phối xây dựng kế hoạch về gắn kết đào tạo với thị trường lao động, việc làm; đa dạng các hình thức hợp tác giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp như xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, tổ chức ký kết đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp; hợp tác cho sinh viên vừa học vừa làm tại cơ sở GDNN và doanh nghiệp…
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh (cơ quan thường trực Ban Điều phối) đã tổ chức khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, phối hợp xây dựng chương trình đào tạo nghề sát với thực tiễn doanh nghiệp, mở các lớp đào tạo nghề sửa chữa thân vỏ và sơn ô tô theo nhu cầu của các doanh nghiệp. Đồng thời thường xuyên tổ chức các hội thảo, tọa đàm về phát triển nguồn nhân lực, chuẩn hóa kỹ năng nghề cho người lao động, nhu cầu tuyển dụng trong thời gian tới…
Bám sát chủ trương, định hướng của Trương ương và của tỉnh về phát triển GDNN, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Trường cao đẳng Cơ khí nông nghiệp (Bình Xuyên) đã đẩy mạnh liên kết, hợp tác với hơn 150 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, công nghệ ô tô, điện, điện tử, công nghệ thông tin…
Để tăng cường sự gắn kết với doanh nghiệp, nhà trường đa dạng hình thức hợp tác như tổ chức hội thảo khoa học giữa các khoa chuyên môn và doanh nghiệp; tổ chức tọa đàm giữa doanh nghiệp và học sinh, sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp; phối hợp đào tạo, nâng cao tay nghề cho cán bộ, giảng viên…
Đồng chí Nguyễn Ngọc Cường, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và giới thiệu việc làm, Trường cao đẳng Cơ khí nông nghiệp cho biết: Cuối năm 2019, nhà trường đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo và cung ứng 21.500 nhân lực tay nghề chất lượng cao trong giai đoạn 2020 - 2025.
Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên phối hợp với doanh nghiệp trong xây dựng, cập nhật chương trình đào tạo, bổ sung các nội dung liên quan đến công nghệ mới như tự động hóa, cơ khí chính xác; phối hợp với Công ty cổ phần BIG CNC Việt Nam mở các lớp đào tạo tại doanh nghiệp đối với nghề cắt gọt kim loại; tổ chức đưa sinh viên đi thực tập tại các doanh nghiệp đối tác; mời các doanh nghiệp tham gia ngày hội việc làm do nhà trường tổ chức, tạo cơ hội để sinh viên trao đổi, tìm hiểu trực tiếp các yêu cầu của nhà tuyển dụng… Điều này giúp nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo cũng như tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên tìm kiếm được việc làm phù hợp ngay sau khi ra trường.
Thực tế cho thấy, việc gắn kết giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp góp phần quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các nhu cầu thực tiễn của xã hội, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường lao động đòi hỏi nguồn nhân lực không chỉ có kiến thức mà còn phải thành thạo kỹ năng thực hành, tư duy sáng tạo và khả năng thích nghi với công nghệ mới. Chất lượng lao động của tỉnh không ngừng tăng. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 81%, cao hơn so với bình quân cả nước, trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 38,5%.
Thời gian tới, tỉnh tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp trong các hoạt động GDNN; khuyến khích các doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; tuyển dụng, sử dụng người lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật…
Phương Anh
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/128669/Gan-ket-“3-nha”-trong-dao-tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao
Bình luận (0)