Trên địa bàn tỉnh hiện có 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và cơ sở có tham gia hoạt động GDNN, trong đó có 25 cơ sở công lập và 14 cơ sở thuộc doanh nghiệp với các cơ quan chủ quản khác nhau. Chất lượng đào tạo nghề tại các cơ sở GDNN từng bước được nâng cao, nhiều mô hình đào tạo gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh triển khai, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo, doanh nghiệp. Giai đoạn 2020-2024, kết quả tuyển sinh GDNN của Quảng Ninh đạt 195.404 người với trên 120 nghề đào tạo.
Bên cạnh những cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích của tỉnh trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, công tác liên kết giáo dục, đào tạo, việc làm luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai. Trong đó, việc gắn kết GDNN, giáo dục thường xuyên (GDTX) với doanh nghiệp và thị trường lao động đã trở thành điểm mạnh tại Quảng Ninh. Hiện nay, có trên 200 doanh nghiệp trong tỉnh ký kết hợp tác với các cơ sở GDNN để tổ chức các hoạt động phối hợp đào tạo, thực tập và tuyển dụng lao động sau tốt nghiệp. Thực hiện chương trình liên kết, các doanh nghiệp chủ động tham gia góp ý xây dựng chương trình đào tạo; hỗ trợ thiết bị, vật tư thực hành; tiếp nhận học sinh, sinh viên đến thực tập, học việc tại doanh nghiệp; tuyển dụng trực tiếp sau tốt nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp còn đặt hàng đào tạo theo yêu cầu tuyển dụng thực tế, giúp cơ sở GDNN điều chỉnh chương trình phù hợp với kỹ năng nghề nghiệp cần thiết. Tiêu biểu như Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam hợp tác chiến lược với TKV triển khai mô hình đào tạo kép (học tại trường và làm việc tại doanh nghiệp), giúp sinh viên vừa học, vừa tích lũy kinh nghiệm thực tế. Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh liên kết với doanh nghiệp Hàn Quốc trong KCN Đông Mai, tổ chức đào tạo chuyên sâu các ngành nghề kỹ thuật, hỗ trợ học viên tiếp cận thị trường lao động quốc tế… Tập đoàn Indevco và Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam cũng ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển nguồn nhân lực, trong đó hai bên định hướng, đặt hàng và tổ chức đào tạo, giảng dạy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp nhận học viên vào thực tập, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp giúp học viên có thêm kiến thức, trải nghiệm, rèn luyện và phát triển năng lực…
Đặc biệt, giai đoạn 2020-2024, tỉnh đã đẩy mạnh mô hình phối hợp 3 nhà (Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp) trong GDNN. Trong đó, mô hình phân luồng hướng nghiệp được triển khai nhằm thay đổi nhận thức của học sinh, phụ huynh về việc lựa chọn nghề nghiệp sau bậc THCS. Qua đây cũng góp phần giảm tải cho hệ thống giáo dục phổ thông, đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật của địa phương.
Điển hình, tại các địa phương: Quảng Yên, Cẩm Phả, Hạ Long - nơi tập trung nhiều KCN và doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ, các trường THCS đã chủ động phối hợp với các cơ sở GDNN, trung tâm hướng nghiệp và doanh nghiệp tổ chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp từ sớm cho học sinh. Từ lớp 8, lớp 9, học sinh được tham gia các buổi tư vấn nghề nghiệp định kỳ do nhà trường tổ chức, lồng ghép trong các tiết học giáo dục công dân hoặc hoạt động ngoại khóa.
Học sinh còn được cung cấp thông tin đa dạng về ngành nghề, xu hướng thị trường lao động và cơ hội việc làm. Đồng thời được tổ chức đi tham quan trải nghiệm thực tế tại các cơ sở GDNN, xưởng sản xuất, nhà máy, khu du lịch… để hiểu hơn về đặc thù ngành nghề, từ đó có quyết định phù hợp với năng lực, sở trường bản thân. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh lựa chọn học nghề sau tốt nghiệp THCS tại các khu vực triển khai mô hình này tăng từ 15% (năm 2020) lên khoảng 25% (năm 2024).
Ngoài ra, cơ sở GDNN còn phối hợp với doanh nghiệp đào tạo nghề ngắn hạn theo đơn đặt hàng - đây là mô hình linh hoạt, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động kỹ thuật cơ bản của doanh nghiệp tại chỗ. Các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện là đơn vị tổ chức đào tạo, phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng nội dung, thời lượng và hình thức giảng dạy phù hợp với từng vị trí việc làm cụ thể. Chương trình đào tạo thường dưới 3 tháng, tập trung các nhóm ngành có nhu cầu cao, như: May công nghiệp, chế biến thực phẩm, kỹ thuật điện dân dụng, sửa chữa xe máy, chăm sóc sức khỏe cộng đồng… Sau khi hoàn thành khóa học, người học được doanh nghiệp đánh giá và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, tạo cơ hội việc làm tại đơn vị.
Sự phối hợp giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả tích cực. Giai đoạn 2020-2024 đã có 84.059 lao động được giới thiệu vào doanh nghiệp; 48.174 lao động được đào tạo tại doanh nghiệp; 581 nhà giáo được bồi dưỡng kỹ năng; 34.017 lao động tại doanh nghiệp được nâng cao kỹ năng… Bên cạnh đó, công tác phát triển chương trình đào tạo mới giữa nhà trường, doanh nghiệp diễn ra liên tục, góp phần gắn kết chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.
Thời gian qua, tỉnh còn quan tâm hợp tác quốc tế trong GDNN-GDTX. Một số chương trình, dự án nổi bật đã triển khai, như: Hợp tác với cơ quan Hợp tác quốc tế Đức trong khuôn khổ Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam”, nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cho giảng viên nghề, xây dựng bộ công cụ đánh giá kỹ năng nghề và cải tiến chương trình đào tạo; liên kết với tổ chức KOICA (Hàn Quốc) triển khai các chương trình đào tạo kỹ thuật cao trong các ngành nghề cơ điện, công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng Việt - Hàn; hợp tác với tổ chức JICA (Nhật Bản) trong tiếp nhận chuyên gia kỹ thuật sang hỗ trợ giảng dạy và trao đổi chương trình đào tạo tiên tiến về kỹ thuật cơ khí và điện công nghiệp… Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức đào tạo cho lưu học sinh quốc tế, chủ yếu là sinh viên Lào, Campuchia trong các ngành nghề kỹ thuật, nông nghiệp, xây dựng nhằm tăng cường giao lưu, hợp tác khu vực.
Việc gắn kết trong công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm đã và đang góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu việc làm của người lao động cũng như cung ứng nguồn lao động chất lượng cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/gan-ket-dao-tao-nghe-gioi-thieu-viec-lam-3357845.html
Bình luận (0)