Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

GDP tăng ngược chiều gió

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chao đảo vì bất ổn địa chính trị, xung đột thương mại và chính sách tiền tệ thắt chặt, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng hiếm hoi.

VietNamNetVietNamNet07/07/2025

Nửa đầu năm 2025 chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của nền kinh tế, chủ yếu nhờ chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng, dòng vốn FDI dồi dào và hoạt động xuất nhập khẩu sôi động.

Tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 14 năm

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, GDP quý II/2025 của Việt Nam tăng 7,96%, chỉ đứng sau mức đỉnh 8,56% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020–2025. Tính chung 6 tháng đầu năm, tăng trưởng đạt 7,52% – mức cao nhất kể từ năm 2011. 

Con số này không chỉ gây bất ngờ cho giới quan sát quốc tế, mà còn đi ngược xu hướng suy giảm đang bao trùm nhiều nền kinh tế lớn. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 chỉ đạt 2,3%, Liên Hợp Quốc (UN) 2,4%, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) 2,8% và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) 2,9% – tức Việt Nam đang tăng trưởng gần gấp ba lần mức trung bình toàn cầu.

Trước hết, có thể khẳng định tốc độ tăng trưởng này có được nhờ lực đẩy từ các chính sách tài khóa và tiền tệ chủ động, linh hoạt. 

GDP quý II/2025 của Việt Nam tăng 7,96%, chỉ đứng sau mức đỉnh 8,56% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020–2025. Ảnh: Hoàng Hà

Đôi cánh tài khóa và tiền tệ cùng mở rộng

Về tiền tệ, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,30%, cao hơn đáng kể so với mức 4,85% cùng kỳ năm ngoái. Ước tính khoảng 1,3 triệu tỷ đồng đã được bơm ra thị trường. Ngân hàng Nhà nước cam kết mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 16% và có thể điều chỉnh cao hơn nếu cần thiết. 

Về tài khóa, chi thường xuyên đạt 776 nghìn tỷ đồng, bằng 49,5% dự toán và tăng 40,8% so với cùng kỳ. Chi đầu tư phát triển đạt 268,1 nghìn tỷ đồng, bằng 33,9% dự toán và tăng 42,3%. 

Bộ Tài chính cho biết, để hỗ trợ tăng trưởng, bội chi ngân sách có thể lên mức 4–4,5% GDP, cao hơn dự toán 3,8%. Chi đầu tư phát triển dự kiến đạt 791 nghìn tỷ đồng, nhưng sẵn sàng điều chỉnh lên gần 1 triệu tỷ đồng. Đồng thời, các gói hỗ trợ miễn, giảm, giãn thuế và phí lên tới hơn 230 nghìn tỷ đồng tiếp tục được triển khai.

Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi mạnh mẽ

Sáu tháng đầu năm 2025, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, với chỉ số sản xuất toàn ngành (IIP) tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước – mức cao nhất kể từ năm 2020. Cùng kỳ năm 2024, chỉ số này tăng 8,0%. 

Động lực chính đến từ ngành chế biến, chế tạo – tăng 11,1%, cao hơn mức 8,9% của cùng kỳ năm trước. Riêng quý II/2025, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 10,3%, trong đó chế biến, chế tạo tăng tới 12,3%. 

Nhiều địa phương ghi nhận mức tăng ấn tượng trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Phú Thọ tăng 46,6%; Nam Định 33,0%; Bắc Giang 27,5%; Thái Bình 25,3%; Hà Nam 22,8%; Vĩnh Phúc 18,8%; Quảng Ngãi 18,3%. 

FDI tăng tốc, củng cố vị thế công xưởng sản xuất

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng. Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút 21,52 tỷ USD vốn đăng ký, tăng 32,6% so với cùng kỳ 2024. Vốn FDI thực hiện đạt 11,72 tỷ USD – mức cao nhất trong 4 năm qua. 

Việt Nam đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, khi các tập đoàn đa quốc gia tìm kiếm điểm đến mới. Đồng thời, hàng loạt cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư và mở rộng khu công nghiệp công nghệ cao giúp Việt Nam củng cố vị thế công xưởng của châu Á. 

Xuất nhập khẩu bùng nổ, xuất siêu kỷ lục sang Mỹ

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm đạt 432,03 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tăng 14,4%, nhập khẩu tăng 17,9%, và cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu 7,63 tỷ USD. 

Đặc biệt, xuất siêu sang Mỹ đạt mức kỷ lục 62 tỷ USD (tăng 29,1%), củng cố vị thế của Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 70,91 tỷ USD. Việt Nam cũng xuất siêu 19 tỷ USD sang EU và 1,2 tỷ USD sang Nhật Bản. 

Ở chiều ngược lại, nhập siêu từ Trung Quốc đạt 55,6 tỷ USD và từ Hàn Quốc là 14,6 tỷ USD – phản ánh mức độ phụ thuộc lớn vào nguyên liệu và linh kiện đầu vào từ hai quốc gia này. 

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định – đặc biệt là các chính sách thuế quan của Hoa Kỳ – xu thế này sẽ còn tiếp diễn hay quay ngược lại? Tác động sẽ ra sao? 

Những câu hỏi đó dứt khoát phải có câu trả lời. 

Nhiều thách thức phía trước

Bên cạnh rủi ro bên ngoài, Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt thách thức trong nước: 

Giải ngân đầu tư công vẫn chậm, trong khi nhu cầu đầu tư vào hạ tầng, chuyển đổi xanh và số hóa ngày càng cấp thiết. 

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng và đất đai. 

Cải cách thể chế chưa tạo được đột phá, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trì trệ. 

Đặc biệt là rủi ro vĩ mô.

Theo các chuyên gia kinh tế, để duy trì đà tăng trưởng ấn tượng và hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số từ năm 2026, Việt Nam cần có chiến lược phát triển dài hạn. 

Cụ thể, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào một vài đối tác chủ lực; tăng cường nội địa hóa chuỗi cung ứng, đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ và phát triển ngành có giá trị gia tăng cao, nhằm giảm thiểu rủi ro từ các mặt hàng dễ bị áp thuế. 

Bên cạnh đó là cải cách thể chế mạnh mẽ hơn, khơi thông nguồn lực tư nhân và nâng cao hiệu quả đầu tư công. 

Và cuối cùng, dù tăng trưởng cao và chính sách hỗ trợ được mở rộng, Việt Nam cần kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2025 là một dấu mốc ngoạn mục trong bức tranh kinh tế khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, từ “tăng trưởng cao” đến “tăng trưởng nhanh và bền vững” là một hành trình đầy thử thách – điều mà không phải nền kinh tế nào cũng đạt được. 

Việt Nam vượt lên 

Các tổ chức quốc tế đều tỏ ra thận trọng khi dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam, thấp hơn nhiều so với thực tế nửa đầu năm. 

Theo báo cáo gần đây của WB, tăng trưởng năm 2025 của Philippines chỉ đạt 5,3% (giảm 0,4 điểm % so với năm trước), Indonesia 4,7% (giảm 0,3 điểm %), Thái Lan 1,8% (giảm 0,7 điểm %), trong khi Việt Nam được dự báo 5,8% (giảm 1,3 điểm %). 

IMF dự báo Philippines tăng 5,5%, Indonesia 4,7%, Thái Lan 1,8%, Malaysia 4,1%, và Việt Nam 5,4% – mức giảm mạnh nhất trong khu vực (giảm 1,7 điểm %). 

OECD đưa ra mức dự báo cao hơn: Việt Nam đạt 6,2% (giảm 0,9 điểm %), nhưng vẫn vượt trội so với các nước Đông Nam Á. 

Dù các tổ chức quốc tế đều hạ kỳ vọng, thực tế 6 tháng đầu năm lại cho thấy Việt Nam đang tăng tốc ngoạn mục – trái ngược với phần còn lại của khu vực, nơi nhiều nền kinh tế đang chững lại hoặc giảm tốc.

Nhưng chính những cảnh báo đó cũng rất đáng giá để xem xét trong nỗ lực của cả nước để đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay.

Vietnamnet.vn

Nguồn:https://vietnamnet.vn/gdp-tang-nguoc-chieu-gio-2419092.html




Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm