Gia đình ông Nguyễn Văn Tự, ở xã Xuân Sơn luôn duy trì đàn dê hơn 150 con. |
Lợi nhuận từ nuôi dê vỗ béo
Trước đây, ông Phạm Xuân Phượng, hội viên nông dân thôn 6 (xã Bình Trung) ngoài làm ruộng còn trồng bắp, nuôi gà… nhưng hiệu quả không cao, khiến cuộc sống gia đình ông thiếu trước hụt sau. Đến năm 2022, được địa phương khuyến khích chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, ông Phượng đã tham khảo nhiều thông tin về các mô hình chăn nuôi, sau đó quyết định đầu tư nuôi dê sinh sản và nuôi dê vỗ béo bán thịt.
Mỗi năm, ông Phượng nuôi 3 lứa dê thịt. Mỗi lứa ông nhập khoảng 200 con dê đực từ 10-15 kg/con về nuôi, sau hơn 3 tháng vỗ béo, dê đạt trọng lượng khoảng 35kg/con thì xuất bán cho thương lái ở các tỉnh. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu lợi nhuận hơn 500 triệu đồng.
Tại xã Xuân Sơn, ông Nguyễn Văn Tự cũng đang là một trong những hộ nuôi dê có tiếng. Ông luôn duy trì hơn 100 con dê thịt/lứa, thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm. Ông Tự cho biết, nuôi dê không tốn kém mà lại cho hiệu quả kinh tế cao nhờ tận dụng được nguồn thức ăn từ cây bắp, cây đậu và trồng cỏ. Đặc biệt, giống dê lai Bách Thảo có khả năng tăng trọng cao, con trưởng thành có thể nặng tới 60kg.
Theo ông Tự, với cách nuôi nhốt tại chuồng, nông dân có thể chủ động quản lý và chăm sóc đàn dê được tốt hơn. Nhưng muốn nuôi dê hiệu quả, người nuôi phải chú ý giữ chuồng luôn khô ráo và thoáng mát; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, tiêm phòng dịch bệnh cho đàn dê.
Liên kết nuôi dê bền vững
Theo bà Võ Thị Thanh Thủy, Phó Chủ Tịch UBND xã Xuân Sơn, nghề nuôi dê sinh sản và vỗ béo dê đã, đang khẳng định rõ hiệu quả trong việc tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người nông dân. Đàn dê của xã đã liên tục tăng lên qua các năm. Nhiều hộ mạnh dạn mở rộng quy mô nuôi lên tới 200-300 con/năm. Hướng đến phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có, thời gian tới, địa phương tiếp tục phối hợp với các cấp Hội Nông dân, NHCSXH tạo điều kiện cho bà con tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất; động viên, hướng dẫn nông dân nhân rộng các mô hình nuôi vỗ béo dê, giúp bà con tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.
Là một trong những thành viên Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi dê sinh sản của xã Xuân Sơn, bà Nguyễn Thị Hằng cho biết, trước đây gia đình bà đã đầu tư nhiều công sức, tiền của vào nghề nuôi heo, nuôi bò nhưng liên tục gặp khó khăn vì giá cả. Từ năm 2022 đến nay, gia đình bà Hằng quyết định chuyển hẳn sang nuôi dê thương phẩm.
“Dê là động vật ăn tạp nên có thể tận dụng nguồn thức ăn phong phú trong vườn. Dê lại hiếm khi mắc dịch bệnh nên nhàn hơn nhiều so với nuôi heo, gà. Với giá bán hiện tại đạt gần 160 ngàn đồng/kg, mỗi con dê sẽ cho lãi hơn 2 triệu đồng. Một năm xuất chuồng khoảng 100 con dê thương phẩm, tính ra bà bỏ túi khoảng 200 triệu đồng/năm”, bà Hằng cho biết thêm.
Huyện Châu Đức hiện có tổng đàn dê khoảng 100 ngàn con. Để hỗ trợ người dân chăn nuôi dê bền vững, Hội Nông dân huyện đã xây dựng đề án phát triển đàn dê thương phẩm, gắn với xây dựng thương hiệu “Dê Châu Đức”. Từ đó, nâng cao chất lượng đàn dê giống, tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung và nâng cao chất lượng dê thịt; hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ và chế biến.
Bài, ảnh: ĐINH HÙNG
Nguồn: https://baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202505/gia-de-thit-tang-cao-nguoi-chan-nuoi-phan-khoi-1042606/
Bình luận (0)