Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Gia Lai gỡ nhiều vướng mắc để chuẩn bị khởi công Dự án Cao tốc Quy Nhơn -Pleiku

Trước tình trạng Dự án Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku hiện áp dụng 2 chính sách bồi thường trên địa bàn tỉnh Bình Định và Gia Lai trước đây, Phó chủ tịch tỉnh Gia Lai yêu cầu sớm ban hành chung chính sách dành cho tất cả dự án.

Báo Đầu tưBáo Đầu tư29/12/2024

Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai báo cáo các công việc đang triển khai liên quan đến Dự án Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai báo cáo các công việc đang triển khai liên quan đến Dự án Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

UBND tỉnh Gia Lai vừa tổ chức Hội nghị Kiểm tra tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án Cao tốc Quy Nhơn – Pleiku nhằm rà soát toàn diện tiến trình thực hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; đặc biệt ở đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh Gia Lai (cũ) để đảm bảo tiến độ chung của dự án.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai, tổng nhu cầu vật liệu phục vụ thi công cho dự án là rất lớn. Bao gồm, khoảng 43 triệu m3 đất đắp; 5,8 triệu m3 cát; 16 triệu m3 đá. Song các mỏ khoáng sản tại địa phương đã được khảo sát, cơ bản đáp ứng nhu cầu này dự án.

Về tiến độ thực hiện, đến nay, các đơn vị của tỉnh đã hoàn thành một số phần việc quan trọng gồm khảo sát địa hình, tính toán thủy văn, thiết kế hệ thống cống thoát nước và mô hình toán thoát lũ.

Tỉnh cũng đã đạt được thỏa thuận về vị trí xây dựng các công trình dân sinh như hầm chui, cầu vượt, mương dẫn dòng, đường gom, điểm đổ thải và các khu vực khai thác vật liệu xây dựng.

Bên cạnh đó, công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án cũng đang được xúc tiến song song với thiết kế cơ sở. Tỉnh Gia Lai cũng đã xác định được các vị trí mỏ vật liệu cơ bản đáp ứng được yêu cầu dự án.

Về công tác tái định cư, tỉnh Gia Lai dự kiến bố trí 7 khu tái định cư cho 122 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, trong tổng số hơn 1.000 hộ phải di dời. Hiện nay, các địa phương đã hoàn tất quy hoạch và lập hồ sơ đầu tư cho các khu tái định cư, đang chờ thẩm định và phê duyệt để khởi công đồng loạt vào năm 2026.

Hiện nay, các phần việc kỹ thuật liên quan đến khảo sát, thiết kế và hoàn thiện hồ sơ pháp lý cũng sẽ được tăng tốc để đảm bảo tiến độ toàn dự án.

Tại hội nghị, đại diện chính quyền 5 xã và 1 phường nơi tuyến cao tốc đi qua trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũ đã nêu lên hàng loạt khó khăn cụ thể, trong đó có vấn đề về xác định mốc giới, bố trí khu tái định cư, và phối hợp khảo sát mỏ vật liệu.

Cụ thể, ông Lê Trọng, Bí thư Đảng ủy xã Mang Yang cho biết, Dự án Cao tốc Quy Nhơn – Pleiku đi qua đoạn xã Mang Yang chọn điểm lên xuống tại Tỉnh lộ 666 để kết nối vào cao tốc. Tuy nhiên, Tỉnh lộ 666 lại là đường cấp 4 miền núi, hiện trạng nhỏ.

Do đó, Bí thư Đảng ủy xã Mang Yang  đề xuất “tại điểm nút giao này cần mở rộng để phục vụ xe tải trọng lên xuống hai chiều” và mong muốn, từ điểm nút giao này lên Quốc lộ 19 còn khoảng 4 km cần đầu tư hoàn thiện.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các Ban Quản lý dự án của tỉnh tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương; các xã, phường khẩn trương thành lập Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng riêng để chủ động triển khai.

Về chính sách bồi thường, hiện nay địa bàn Gia Lai (cũ) thì áp dụng theo chính sách Gia Lai; địa bàn Bình Định (cũ) thì áp dụng chính sách Bình Định. Phó chủ tịch tỉnh Gia Lai cho rằng, cùng một dự án không thể áp dụng hai chính sách khác nhau.

Vì vậy ông Hoàng đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường sớm tham mưu để tỉnh ban hành chính sách bồi thường thống nhất áp dụng cho tỉnh Gia Lai (mới) dành cho tất cả các dự án; nếu có tái định cư thì chỉ rõ số lượng cần bố trí, quy mô, diện tích, địa điểm cụ thể.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh, công tác bồi thường, tái định cư phải được thực hiện chu đáo, công bằng, đảm bảo quyền lợi cho người dân và tiến độ của dự án.

Dự án Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có tổng chiều dài khoảng 125 km, được chia thành 3 dự án thành phần, với quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/h. Tổng mức đầu tư sơ bộ toàn tuyến ước tính khoảng 43.734 tỉ đồng.
Dự kiến, dự án khởi công từ tháng 10/2025 và hoàn thành trong giai đoạn 2025 - 2029.
Dự kiến từ ngày 30/7, tỉnh Gia Lai sẽ tiến hành cắm mốc giải phóng mặt bằng ngoài thực địa. Sau đó, Ban Quản lý Các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai sẽ phối hợp với chính quyền địa phương bàn giao mốc giới, cập nhật dữ liệu phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Nguồn: https://baodautu.vn/gia-lai-go-nhieu-vuong-mac-de-chuan-bi-khoi-cong-du-an-cao-toc-quy-nhon--pleiku-d341308.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm