Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giá trị từ sự khác biệt

STO - Dù hiện tại đa số người tiêu dùng các nước đã quen với con tôm thẻ nhưng con tôm sú vẫn có một vị trí và lợi thế cạnh tranh nhất định nhờ có lợi thế lớn về giá trị và sự khác biệt, đặc biệt là tôm sú đạt chứng nhận sinh thái/hữu cơ. Tuy nhiên, do năng suất thấp và chưa có nhiều diện tích được chứng nhận, nên lợi thế này vẫn chưa được phát huy tương xứng với tiềm năng.

Báo Sóc TrăngBáo Sóc Trăng01/04/2025

Nói đến con tôm sinh thái/hữu cơ là nói đến tôm sú, với các mô hình nuôi có tính đặc thù, như: tôm - rừng, tôm - lúa, tôm quảng canh. Đây là mô hình nuôi tôm rất thân thiện môi trường, có tính bền vững cao, sản phẩm phù hợp với xu thế tiêu dùng xanh nên có giá trị và tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, để bán được với giá cao, ngoài việc đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nuôi đạt chuẩn quốc tế ra, tôm sú cần được nuôi về kích cỡ lớn vì tôm sú càng lớn, giá bán càng cao, lợi nhuận càng nhiều. Còn theo ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, tôm chứng nhận sinh thái Naturland có giá cao hơn so với tôm không chứng nhận từ 15 - 20%.

Tôm sú được nuôi theo quy trình hoàn toàn bằng vi sinh tại Sóc Trăng cho kết quả tốt và chất lượng cao. Ảnh: TÍCH CHU

Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam dẫn đầu về sản xuất tôm sinh thái/hữu cơ trên toàn cầu, nhưng việc phát triển mô hình tôm sinh thái/hữu cơ của Việt Nam đến nay vẫn rất hạn chế, chủ yếu là ở Cà Mau với 2 mô hình chủ lực là tôm - rừng và tôm - lúa được chứng nhận. Các mô hình trên hầu hết đều áp dụng phương thức nuôi gần gũi với thiên nhiên, nên theo ông Quang, chỉ cần tổ chức sản xuất tốt là rất dễ đạt các chứng nhận quốc tế, kể cả chứng nhận sinh thái/hữu cơ. Điều này giúp giải quyết vấn đề các yêu cầu ngày càng cao của quốc tế đối với phương thức nuôi tôm thân thiện với môi trường, cùng với các lo ngại về an toàn thực phẩm, giúp sản phẩm nhận được giá cao hơn trên thị trường.

Tôm sú hữu cơ/sinh thái là loại hàng hóa đặc biệt được các doanh nghiệp và địa phương phát triển và đạt chứng nhận quốc tế đầu tiên trên thế giới. Hiện nay, mặc dù xu thế tiêu dùng thế giới chuyển sang sử dụng tôm thẻ nhiều hơn nhờ lợi thế giá rẻ, nhưng do không còn nhiều nước nuôi tôm sú khiến nguồn cung cũng hạn chế, nên việc tiêu thụ tôm sú cũng rất ổn định so với tôm thẻ. Tuy nhiên, dù giá bán khá ổn định nhưng do năng suất tôm còn thấp, nên lợi nhuận chưa thực sự hấp dẫn người nuôi.

Một lợi thế khác là tôm sú có thể nuôi đạt kích cỡ lớn, mùi vị giống tôm hùm nên thuộc sản phẩm dành cho thị trường cao cấp, nhưng lại rất phù hợp với mô hình nuôi trung bình thấp, như: quảng canh cải tiến, tôm - lúa, tôm - rừng… và sản phẩm rất được thị trường ưa chuộng, nhất là một số thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Dubai, Singapore…

Theo ông Đinh Xuân Lập - Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), do đặc điểm nghề nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, nên khi xây dựng chuỗi liên kết, vấn đề quan trọng là làm sao nâng cao năng lực và vai trò của hợp tác xã/tổ hợp tác (HTX/THT) trong việc ký kết hợp đồng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm nhằm giảm giá thành nhưng vẫn đảm bảo chất lượng nguồn vật tư đầu vào; giảm các khâu trung gian từ đó tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm tôm nuôi; tăng cường thực hành nuôi theo chứng nhận, nâng cao năng lực và sự tham gia của thương lái. Đối với doanh nghiệp tham gia chuỗi, thường xuyên thông tin về các yêu cầu, tiêu chuẩn tôm nguyên liệu của từng thị trường nhập khẩu đến các HTX/THT và lựa chọn những HTX/THT đạt yêu cầu của doanh nghiệp để đầu tư. Còn theo TS. Hoàng Tùng - Đại học Tasmania, để phát triển bền vững nghề nuôi tôm sú sinh thái/hữu cơ cần đánh giá hiệu quả thực tế để xây dựng chiến lược phát triển cụ thể; kế đến là định hướng chất lượng, xây dựng thương hiệu, cải thiện năng suất, hạ giá thành.

Trong định hướng chiến lược phát triển cần cải thiện về năng suất, phương thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và phát triển thị trường, nhằm tiếp tục duy trì vị thế hàng đầu của Việt Nam về nuôi tôm trên thế giới. Trên cơ sở đó, cần quan tâm chỉ số giá trị sản xuất hay lợi nhuận là phù hợp khả năng cân đối cung - cầu như thế nào, năng lực cạnh tranh ra sao để từ đó chọn ra giải pháp kỹ thuật và lộ trình thực hiện phù hợp. Riêng các cơ quan quản lý, nghiên cứu cần thực hiện nhiều hơn các đề tài, dự án giúp nâng cao năng suất và chất lượng tôm sú; các chương trình sản xuất tôm hữu cơ, sinh thái để các trại nuôi có thể chủ động hơn nữa về nguồn giống.

TÍCH CHU

Nguồn: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/202504/gia-tri-tu-su-khac-biet-c3d1989/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm