Từ đầu năm đến nay, giá trứng gia cầm liên tục xuống thấp, tiêu thụ chậm hơn khiến người chăn nuôi lỗ nặng từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng mỗi ngày.
Hiện, giá trứng xuất bán cho thương lái tại chuồng đang ở mức rất thấp, trứng vịt loại quả to chỉ từ 1.600 - 1.800 đồng/quả, loại nhỏ từ 1.400 - 1.600 đồng/quả, trứng gà công nghiệp từ 1.200 - 1.400 đồng/quả... Trong khi đó, theo tính toán của người chăn nuôi, giá thành trứng gà công nghiệp phải từ 1.500 - 1.600 đồng/quả và trứng vịt từ 1.800 - 2.000 đồng/quả thì mới đủ vốn.
Qua tìm hiểu được biết, giá trứng gia cầm không những giảm mạnh mà thị trường tiêu thụ còn chững lại. Bởi, thông tin về dịch cúm gia cầm đang bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đặc biệt những thông tin gây xôn xao dư luận về việc trứng gà giả xuất hiện trên thị trường khiến người tiêu dùng hoang mang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức tiêu thụ.
Ngoài các nguồn cung trong siêu thị, cửa hàng nông sản, thực phẩm an toàn, các chợ truyền thống, tại các cổng khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trứng được đóng túi và bày bán la liệt với giá chỉ từ 20.000 - 25.000 đồng/chục...
Đối với các tiểu thương, giá trứng gia cầm giảm và khó bảo quản trong thời tiết nắng nóng kéo dài nên họ không dám nhập số lượng lớn để tích trữ. Còn đối với các hộ chăn nuôi, tâm lý bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nhiều luồng thông tin không tích cực “bủa vây” cũng như áp lực về chi phí duy trì sản xuất ngày càng tăng cao.
Vì thế, không ít nông hộ phải chọn giải pháp giảm đàn, chuyển sang nuôi thương phẩm hoặc chủ động chuyển từ bán trứng sang ấp nở, bán con giống để “lấy ngắn nuôi dài”, chờ thị trường bình ổn trở lại.
Gia đình ông Lê Đức Chiến ở thôn Ngòi, xã Hoàng Đan (Tam Dương), với hơn 20 năm trong chăn nuôi, gia đình ông đang nuôi 3 nghìn gà đẻ và 2 nghìn vịt thương phẩm.
Mỗi ngày, đàn gà của gia đình ông Chiến cho ra lò gần 2 nghìn quả trứng, nhưng ở thời điểm hiện tại chỉ xuất bán cho thương lái với giá 1.300 đồng/quả, lỗ đến vài triệu đồng/ngày. Vì thế, ông Chiến chuyển hướng sang ấp nở, bán con giống với giá cao hơn để bù lỗ và duy trì hoạt động chăn nuôi của gia đình.
Ông Chiến cho biết: “Hiện tại, gia đình đang xuất bán 3 vạn gà con mỗi tháng; đồng thời duy trì xuất bán vịt thương phẩm. Với cách làm này, vừa giúp giảm chi phí sản xuất để bù lỗ, vừa giúp duy trì ổn định quy mô đàn vật nuôi”.
Gia đình bà Lê Thị Phương, xã Đại Đồng (Vĩnh Tường) nuôi chim cút 10 năm nay. Với 4 vạn chim cút, mỗi ngày gia đình bà Phương thu về hơn 2 vạn trứng, nhưng do giá thương lái thu mua trứng cút thường không đủ trang trải chi phí thuê nhân công, điện, nước... nên gia đình bà chuyển hướng sang sản xuất trứng cút lộn để bán với giá giao buôn 50 nghìn đồng/100 quả.
Bà Phương cho biết: “Chưa năm nào giá trứng giảm sâu và kéo dài như năm nay. Vì sức tiêu thụ chậm, cung vượt cầu, lại thêm những thông tin về dịch bệnh lây lan trên đàn gia cầm ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước mà sản lượng hằng tháng thương lái thu mua giảm hẳn, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của gia đình tôi”.
Với quy mô trang trại lên tới 9.000m2 được đầu tư đồng bộ, khép kín nuôi 7 vạn con gia cầm, trong đó có 3 vạn gà đẻ, mỗi ngày, gia đình anh Phan Văn Ngọc ở tổ dân phố Bảo Trúc, thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương) xuất bán ra thị trường hơn 2 vạn quả trứng.
Từ ra Tết Nguyên đán đến nay, giá trứng giảm sâu khiến anh lỗ hàng chục triệu đồng mỗi ngày. Anh Ngọc chia sẻ: “Do giá trứng giảm sâu kéo dài, gia đình tôi chuyển sang ấp nở trứng để bán gà giống. Mỗi tháng xuất từ 14 - 16 vạn gà con; từ 1,5 - 2 vạn vịt, gà thương phẩm/quý để cầm cự, chờ đến khi giá trứng lên cao, ổn định trở lại”.
Chăn nuôi là một trong những ngành nghề quan trọng, mang lại nguồn thu đáng kể cho người nông dân trên địa bàn tỉnh. Trước khó khăn của người nông dân, chính quyền nhiều địa phương trong tỉnh đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể mở rộng tín chấp vay vốn ưu đãi để người dân tiếp tục duy trì đàn vật nuôi; vận động các thương lái, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn liên kết, thu mua sản phẩm.
Phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAHP, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi... giúp người chăn nuôi có thêm cơ hội cung ứng sản phẩm vào các siêu thị, cửa hàng nông sản, thực phẩm an toàn...
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương) Trần Minh Tiến cho biết: Người dân cần bình tĩnh và ổn định tình hình chăn nuôi, tránh trường hợp ồ ạt giảm đàn hoặc nghỉ nuôi. Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy sản xuất theo hướng đầu tư đồng bộ từ xây dựng chuồng trại đến kho bảo quản, tạo dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Việc này không chỉ kiểm soát được dịch bệnh trong quá trình chăn nuôi mà còn giúp giảm thiểu tác động bấp bênh từ thị trường, để khi có dấu hiệu “tăng nhiệt” trở lại, các hộ đã có sẵn sản phẩm, bảo đảm nguồn cung cho thị trường, đem lại thu nhập cao.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng trong tỉnh cần có thêm những định hướng, hỗ trợ để người nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn, giữ đàn, tiếp tục phát huy thế mạnh các vùng chăn nuôi trọng điểm của tỉnh.
Bài, ảnh: Ngọc Lan
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/128743/Gia-trung-gia-cam-lien-tiep-giam-sau-nguoi-chan-nuoi-“gong”-minh-chiu-lo
Bình luận (0)