Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giải pháp huy động vốn và động lực mới cho Khánh Hòa

(Chinhphu.vn) – Các chuyên gia kinh tế và đại diện ngân hàng đã nêu giải pháp về huy động vốn, chiến lược tăng trưởng bền vững và định vị lợi thế địa phương. Những giải pháp này nhằm hỗ trợ tỉnh đạt mục tiêu phát triển dài hạn, hiệu quả và đột phá.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ25/07/2025

Giải pháp huy động vốn và động lực mới cho Khánh Hòa- Ảnh 1.

Lãnh đạo Chính phủ và các chuyên gia, đại biểu tại hội thảo "Khánh Hòa - Hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương - Đột phá trong kỷ nguyên mới" - Ảnh: VGP/Thu Sa

 Huy động vốn cho Khánh Hòa: Đề xuất cơ chế mới với trái phiếu dự án

Tại hội thảo "Khánh Hòa - Hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương - Đột phá trong kỷ nguyên mới" UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp với báo Tiền phong tổ chức ngày 25/7, tại Khánh Hòa, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, đã phân tích những hạn chế của cơ chế tài chính hiện tại và đưa ra đề xuất mới về giải pháp huy động vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa.

Giải pháp huy động vốn và động lực mới cho Khánh Hòa- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam - Ảnh: VGP/HT

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Luật Ngân sách Nhà nước quy định trần nợ công địa phương không vượt quá 60% nguồn thu ngân sách hằng năm mà địa phương được hưởng. Với Khánh Hòa, sau sáp nhập Ninh Thuận, giới hạn này chỉ khoảng 15.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư của tỉnh rất lớn. Con số này quá nhỏ so với dư nợ khoảng 300.000 tỷ đồng mà các doanh nghiệp (DN) và người dân đang vay từ hệ thống ngân hàng, khiến nguồn lực hiện tại không thể đáp ứng mục tiêu phát triển đột phá.

Ông Thành kiến nghị tỉnh Khánh Hòa triển khai kênh huy động vốn thông qua phát hành "trái phiếu dự án", với các đặc điểm chính: đây là trái phiếu gắn với các dự án hạ tầng cụ thể, có khả năng tạo ra quỹ đất và gia tăng giá trị đất. Loại trái phiếu này không được coi là trái phiếu chính quyền địa phương, không tính vào nợ công hay giới hạn 60% theo Luật Ngân sách Nhà nước. Trái phiếu sẽ được bảo đảm bằng quyền sử dụng đất hình thành từ dự án hạ tầng.

Quy trình thực hiện theo đề xuất: tỉnh phát hành trái phiếu để huy động vốn; nguồn vốn này được dùng để xây dựng hạ tầng, tạo quỹ đất sạch, giá trị cao; sau khi dự án hoàn thành, tỉnh tổ chức đấu giá quỹ đất; số tiền thu từ đấu giá sẽ được sử dụng để hoàn trả vốn cho nhà đầu tư trái phiếu.

Cơ chế này giúp địa phương tránh tình trạng "bán lúa non" (giao đất với giá thấp khi chưa có hạ tầng), chủ động trong huy động vốn, tận dụng giá trị gia tăng từ đầu tư hạ tầng. Đồng thời, đây là kênh thu hút các nhà đầu tư tổ chức như quỹ đầu tư và công ty bảo hiểm, giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Giải pháp có thể áp dụng cho các dự án đầu tư công, PPP hoặc dự án tư nhân.

GS.TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế cho rằng, Khánh Hòa sau sáp nhập Ninh Thuận đang có những lợi thế đặc biệt. Ngoài các lợi thế truyền thống, quy mô tỉnh ngày càng lớn. Hai địa phương trước đây vốn đã có những lợi thế đặc thù, nay không chỉ cộng gộp mà còn cộng hưởng, tạo nên sức mạnh tiềm năng vượt trội.

"Khánh Hòa cần điều chỉnh hoặc làm mới quy hoạch phát triển, lựa chọn lại các mục tiêu và đột phá ưu tiên để phù hợp với cấu trúc phát triển mới sau sáp nhập. Việc đặt mục tiêu tăng trưởng cao cần đi kèm với cách tiếp cận khác thường, không theo lối mòn. Ngoài ra, nguồn lực quan trọng nhất trong giai đoạn tới là con người sáng tạo và trí tuệ sáng tạo. Khánh Hòa cần tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, kết hợp với các tiến bộ của trí tuệ nhân tạo để tạo sức mạnh phát triển đột phá", chuyên gia Trần Đình Thiên đề xuất

Giải pháp huy động vốn và động lực mới cho Khánh Hòa- Ảnh 3.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) - Ảnh: VGP/HT

Ngân hàng sẵn sàng đồng hành và chiến lược tăng trưởng

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) nhấn mạnh cam kết đồng hành, cung ứng vốn tín dụng để thúc đẩy phát triển kinh tế Khánh Hòa trong giai đoạn 2025-2030.

Theo Nghị quyết 01 và 25 của Chính phủ, Khánh Hòa sau khi sáp nhập với Ninh Thuận được giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 lần lượt 10% và 13%. Để đạt mục tiêu hai con số này, NHNN cho biết đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ: kiểm soát lạm phát, giảm mặt bằng lãi suất, đơn giản hóa thủ tục vay vốn và hướng dòng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất kinh doanh, công nghiệp, năng lượng, du lịch và xây dựng đô thị.

Bên cạnh đó, hoạt động ngân hàng trên địa bàn Khánh Hòa hiện khá sôi động với 32 tổ chức tín dụng, 53 chi nhánh ngân hàng cấp I. Tính đến cuối tháng 6/2025, tổng nguồn vốn huy động đạt gần 175 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng xấp xỉ 194 nghìn tỷ đồng. Dù lượng vốn huy động mới đáp ứng khoảng 90% nhu cầu tín dụng, hệ thống ngân hàng vẫn bảo đảm nhu cầu vốn thông qua điều hòa linh hoạt từ các hội sở. Quy mô tín dụng, nếu tính cả các khoản vay từ ngoài tỉnh, đã đạt gần 300 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU của Tỉnh ủy Khánh Hòa ban hành ngày 14/7/2025 về mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, NHNN cam kết tiếp tục ưu tiên tín dụng cho bốn trụ cột kinh tế gồm công nghiệp, năng lượng, du lịch dịch vụ và xây dựng đô thị. Nguồn vốn cũng sẽ tập trung cho DN tư nhân, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.

"Với sự đồng hành của ngành ngân hàng, sự quyết liệt của chính quyền và nỗ lực của DN, Khánh Hòa sẽ kiến tạo thành công một trung tâm kinh tế năng động, hiện đại và phát triển bền vững," đại diện NHNN nhấn mạnh.

Giải pháp huy động vốn và động lực mới cho Khánh Hòa- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, khẳng định cam kết của Vietcombank - Ảnh: VGP/HT

Dưới góc độ NHTM, ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, khẳng định cam kết của Vietcombank trong việc đồng hành cùng sự phát triển của Khánh Hòa. Ông đánh giá cao sự chuẩn bị bài bản và tầm nhìn chiến lược của tỉnh thông qua hội thảo và các hoạt động giới thiệu.

Ông Nguyễn Việt Cường nhấn mạnh vai trò lãnh đạo quyết liệt, khoa học của Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành, nguyên Chủ tịch Vietcombank. Đồng thời, ông Nguyễn Việt Cường nêu các tiềm năng chính của Khánh Hòa: kinh tế biển và du lịch cao cấp; cảng biển và logistics; năng lượng sạch; du lịch văn hóa và di sản; nguồn nhân lực dồi dào, có đào tạo; và khả năng kết nối vùng.

Phó Tổng Giám đốc Vietcombank khẳng định: Ngân hàng đã đồng hành cùng các nhà đầu tư lớn tại Khánh Hòa từ sớm. Hiện ngân hàng này là đơn vị có dư nợ lớn thứ hai tại tỉnh, khoảng 30.000 tỷ đồng. Với tổng dư nợ toàn hệ thống đạt 1,6 triệu tỷ đồng, Vietcombank khẳng định vị thế là ngân hàng hàng đầu, sẵn sàng hỗ trợ các dự án trọng điểm tại Khánh Hòa. Trong thời gian tới, Vietcombank dự kiến tiếp tục cung cấp giải pháp tài chính và các gói tín dụng ưu đãi, trong đó có gói 500.000 tỷ đồng dành cho hạ tầng và công nghệ số.

"Ngân hàng cũng sẽ hợp tác với tỉnh trong việc thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các khách hàng FDI lớn của Vietcombank. Dự kiến, tổng tín dụng tại Khánh Hòa sẽ được nâng lên 70.000 – 100.000 tỷ đồng trong các năm tới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương", lãnh đạo Vietcombank chia sẻ thông tin cụ thể.

Anh Minh


Nguồn: https://baochinhphu.vn/giai-phap-huy-dong-von-va-dong-luc-moi-cho-khanh-hoa-102250725153834388.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm