Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao luôn được tỉnh xác định là một trong nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, là yếu tố quan trọng, nền tảng vững chắc tạo đà cho sự phát triển. Theo đó, tỉnh đã ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC theo kế hoạch hằng năm. Giai đoạn 2021-2025 toàn tỉnh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC trong và ngoài nước cho khoảng 39.000 lượt người.
Để xây dựng đội ngũ CBCCVC chuyên nghiệp, hiện đại, có năng lực làm chủ và vận hành hiệu quả các công nghệ mới, Sở Nội vụ đang phối hợp với các đơn vị tăng cường bồi dưỡng cho đội ngũ CBCCVC các chuyên đề liên quan đến chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ công việc; chú trọng bồi dưỡng tư duy đổi mới sáng tạo, khả năng thích ứng linh hoạt với môi trường làm việc số; đặc biệt bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến (E-learning) để mở rộng quy mô đào tạo, giảm chi phí, tăng tính linh hoạt, giúp CBCCVC có thể chủ động học mọi lúc, mọi nơi.
Đặc biệt để đáp ứng chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay, Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu với tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, các xã, phường, đặc khu ưu tiên dành chỉ tiêu tuyển dụng CCVC có chuyên ngành đáp ứng yêu cầu công tác chuyển đổi số trên các lĩnh vực; tham mưu với tỉnh có chính sách thu hút, hỗ trợ đội ngũ CBCCVC làm công tác KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của tỉnh.
Theo ông Bùi Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, việc thu hút và giữ chân đội ngũ nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực CNTT và chuyển đổi số tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh đang gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu hụt nguồn tuyển dụng chất lượng, trong khi mức thu nhập ở khu vực công chưa đủ sức cạnh tranh so với khu vực ngoài nhà nước. Năm 2020 chỉ tuyển được 4/19 chỉ tiêu; năm 2022 tuyển được 8 chỉ tiêu (66,67%); năm 2024 tuyển được 3/6 chỉ tiêu. Bên cạnh đó, mức thu nhập trung bình của nhân sự CNTT trong khu vực công thấp hơn rất nhiều so với ngoài khu vực công. Điều này khiến cho việc thu hút nguồn nhân lực giỏi, có chuyên môn cao vào làm việc trong hệ thống chính trị, cơ quan hành chính nhà nước hết sức khó khăn.
Để khắc phục tình trạng này và đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay, Sở Nội vụ đang tích cực tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách tổng thể về thu hút, giữ chân và phát triển nhân lực trong các cơ quan của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Như chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, ưu tiên các đối tượng là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đến giảng dạy tại các Trường Đại học Hạ Long, Cao đẳng Việt Hàn; các tiến sĩ, thạc sĩ, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc theo Nghị định số 179/2024/NĐ-CP và người tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi, xuất sắc thuộc ngành đúng hoặc ngành gần trong lĩnh vực CNTT. Các đối tượng này nếu được tuyển dụng, tiếp nhận về tỉnh công tác sẽ được hỗ trợ một lần, hỗ trợ hằng tháng, hỗ trợ tiền thuê nhà.
Đặc biệt, các đối tượng là CBCCVC trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ tham mưu với tỉnh có chính sách hỗ trợ hằng tháng cho cán bộ đang công tác. Đồng thời tham mưu chính sách hỗ trợ CBCCVC học thạc sĩ, tiến sĩ trong các chuyên ngành thuộc lĩnh vực CNTT, nhằm từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
“Triển khai chính quyền địa phương 2 cấp, khối lượng công việc gia tăng, yêu cầu quản lý ngày càng cao, trong khi biên chế ngày càng tinh giản, việc ứng dụng AI là một hướng đi tất yếu. Sở đang đề xuất với tỉnh có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan, đơn vị trong việc sử dụng các công cụ AI, phục vụ hoạt động tham mưu, quản lý, điều hành, từ đó nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc và chất lượng phục vụ nhân dân”, ông Bùi Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, chia sẻ.
Đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ là giải pháp trước mắt mà còn là chiến lược dài hạn, nhằm xây dựng một chính quyền số thông minh, phục vụ sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/giai-phap-tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-3367438.html
Bình luận (0)