Giám đốc công an Hà Nội: Loại nhà nào cũng phải có phương án phòng cháy

VnExpressVnExpress20/09/2023


Thành phố sẽ yêu cầu công trình không phải thẩm duyệt, nghiệm thu cũng phải có phương án phòng cháy, chữa cháy, trung tướng Nguyễn Hải Trung cho hay.

Chiều 20/9, tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ trước kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV, ông Trung cho biết, sau vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, Công an Hà Nội đã tham mưu Chủ tịch UBND thành phố tới đây ban hành chỉ thị về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Chỉ thị này lần đầu tiên xác định rõ mọi người dân sinh sống trên địa bàn đều phải được bảo đảm yêu cầu PCCC dù ở loại hình nhà ở nào.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung Giám đốc Công an TP Hà Nội. Ảnh: Hoàng Phong

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội nói về công tác phòng cháy chữa cháy tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ, chiều 20/9. Ảnh: Hoàng Phong

"Không cần biết nhà chung cư, nhà xã hội hay tái định cư, vì điều này liên quan quyền con người được bảo vệ bởi Hiến pháp", ông Trung nói, thêm rằng dù công trình không thuộc diện phải thẩm duyệt nhưng vẫn phải có phương án PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

Theo quy định hiện nay, việc thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC chỉ áp dụng với nhà ở riêng lẻ có chiều cao từ 7 tầng trở lên hoặc có nhiều hơn một đến ba tầng hầm; nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh với diện tích sàn dành cho mục đích sản xuất, kinh doanh chiếm trên 30% tổng diện tích sàn.

Người đứng đầu công an thành phố cho biết sau khi kiểm tra ba tổ chức Đảng tại quận Thanh Xuân theo yêu cầu của Thường trực Thành ủy, "chắc chắn sẽ xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan trong quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy".

Theo tướng Trung, nguyên nhân gây cháy nhiều nhất là điện, các vụ cháy gây thiệt hại lớn đều xảy ra ở nơi tập trung đông người như trung tâm thương mại, cơ sở karaoke, chung cư mini... Dẫn chứng cách đây 21 năm, vụ cháy trung tâm thương mại HITC tại TP HCM khiến 60 người chết, nhiều nhất từ khi thống kê. Vụ cháy chung cư mini mới đây ở Hà Nội đứng thứ hai với 56 người chết, tiếp đó là vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương (33 người) và quán karaoke ở Cầu Giấy - Hà Nội (13 người).

Cử tri Vũ Phi Hùng, Tây Hồ nêu câu hỏi về công tác PCCC. Ảnh: Hoàng Phong

Cử tri Vũ Phi Hùng, quận Tây Hồ nêu câu hỏi về công tác phòng cháy chữa cháy tại cuộc tiếp xúc Tổ đại biểu Quốc hội Hà Nội, chiều 20/9. Ảnh: Hoàng Phong

"Đường sá Hà Nội phố nhỏ, ngõ nhỏ, nhà cửa chen chúc nên quy hoạch hệ thống PCCC rất khó", ông Trung nói, cho rằng trong công tác PCCC có khái niệm "giờ vàng", nghĩa là phải dập được trong vòng 5 phút từ khi xảy ra cháy, còn sau thời gian đó thì chống cháy lan là chính. Do vậy, việc chữa cháy tại chỗ rất quan trọng, từng gia đình phải được trang bị thiết bị và kỹ năng PCCC, cứu nạn, cứu hộ. Ngoài công an, còn có lực lượng chữa cháy chuyên ngành, cơ sở và mô hình tổ liên gia PCCC hay điểm chữa cháy công cộng.

Cùng ngày, Thành ủy Hà Nội ban hành chỉ thị nhiệm vụ trọng tâm PCCC, trong đó nhấn mạnh người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình.

Đêm 12 rạng sáng 13/9, chung cư mini cao 10 tầng với 45 căn hộ ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình bốc cháy khiến 56 người tử vong, 37 người bị thương.

Theo giấy phép xây dựng của quận Thanh Xuân cấp tháng 3/2015, công trình này vốn chỉ được phép xây nhà ở riêng lẻ 6 tầng, diện tích xây dựng tầng một 167 m2, mật độ 70%, tổng chiều cao công trình 20,2 m. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã biến công trình nhà ở thấp tầng thành chung cư mini cao 10 tầng, diện tích xây dựng 230 m2, chia thành 45 căn hộ để bán.

Chủ chung cư mini Nghiêm Quang Minh đã bị khởi tố, tạm giam 4 tháng về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy theo Điều 313 Bộ luật Hình sự.

Võ Hải



Source link

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available