Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cần đa dạng hóa loại hình du lịch tại Mỹ Sơn

Khu di tích Mỹ Sơn (xã Thu Bồn, thành phố Đà Nẵng) những năm qua là một điểm đến hấp dẫn về du lịch văn hóa và cần mở rộng khai thác các loại hình khác để phát huy tối đa tiềm năng điểm đến.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng28/07/2025

Một góc Khu di tích Mỹ Sơn. Ảnh: Q.T
Một góc Khu di tích Mỹ Sơn. Ảnh: Q.T

Định vị thương hiệu du lịch văn hóa

Khu di tích Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999 với 2 tiêu chí: là điển hình nổi bật về sự giao lưu văn hóa với sự hội nhập vào văn hóa bản địa; phản ánh sinh động tiến trình phát triển của lịch sử văn hóa Chămpa trong lịch sử văn hóa Đông Nam Á.

Sở hữu hệ thống tháp Chăm khá đồ sộ và thường xuyên được tu bổ, khai quật khảo cổ mở rộng, Khu di tích Mỹ Sơn là điểm đến của du khách yêu thích khám phá văn hóa - lịch sử xứ Quảng, nhất là khách quốc tế. Cùng với đô thị cổ Hội An, Mỹ Sơn là hai trụ cột thu hút khách đến tỉnh Quảng Nam (cũ) về du lịch văn hóa.

Năm 2024, tổng lượt khách tham quan Mỹ Sơn đạt gần 446.000 lượt, trong đó khách nước ngoài đạt hơn 404.000 lượt (chiếm khoảng 90%).

Những năm gần đây, ban quản lý điểm đến này cũng có nhiều động thái để cải thiện sức hút với du khách như: Cải tạo cảnh quan Bảo tàng Sa Huỳnh - Chămpa; tăng thêm suất biểu diễn nghệ thuật tại không gian nhà biểu diễn; vận hành sản phẩm tham quan thực tế ảo, thuyết minh đa ngôn ngữ…

Mỹ Sơn cũng đã được công nhận là điểm đến đạt chuẩn 3/3 lá sâm Ngọc Linh theo Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam. Đầu năm 2025, Tạp chí du lịch Wanderlust (Anh) đã xếp Khu đền tháp Mỹ Sơn vào tốp 11 điểm đến tôn giáo ấn tượng nhất mà du khách cần khám phá khi đến Việt Nam.

Theo ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng, Khu di tích Mỹ Sơn vẫn có thể nâng tầm thương hiệu điểm đến về du lịch văn hóa nếu khai thác hiệu quả hơn yếu tố di sản phi vật thể, cụ thể là hoạt động văn hóa nghệ thuật.

“Cần đầu tư công phu hơn vào show diễn nghệ thuật để tái hiện nghi lễ truyền thống, truyền tải tri thức về điểm đến cho du khách thông qua hình tượng sân khấu hóa. Điều này vừa tạo hứng thú cũng như dễ dàng chuyển tải được câu chuyện tổng quát của điểm đến cho du khách”, ông Sơn nhận định.

Cần đa dạng hóa các loại hình

Năm 2024, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch của Mỹ Sơn ước đạt gần 71,5 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu qua vé đạt hơn 64,8 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ bán hàng (gần 6,5 tỷ đồng), doanh thu thuyết minh đa ngôn ngữ (570 triệu đồng)… Có thể thấy doanh thu từ vé tham quan di sản vẫn là nguồn thu chính để phục vụ việc vận hành di sản này.

Khu di tích Mỹ Sơn là điểm đến nổi tiếng về du lịch văn hóa. Ảnh: Q.T
Khu di tích Mỹ Sơn là điểm đến nổi tiếng về du lịch văn hóa. Ảnh: Q.T

Dư địa rất lớn từ tài nguyên du lịch thuộc Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn cũng như vùng phụ cận gần như chưa được khai thác. Kết nối với các điểm du lịch phụ cận như: Làng sinh thái Đại Bình (xã Nông Sơn), đập Thạch Bàn (xã Thu Bồn), đồng sen Trà Lý (xã Duy Xuyên)… rất rời rạc.

Thực tế, thời gian qua Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn cũng có nhiều động thái trong việc cải tạo cảnh quan di sản cũng như vực dậy Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn (nằm ngay bên ngoài khu di tích), tuy nhiên hoạt động du lịch cộng đồng tại đây vẫn chưa có sự chuyển biến tích cực.

Từ năm 2019, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam (cũ) đã gợi mở việc cần xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ phụ trợ kế cận điểm Mỹ Sơn. Trong đó chú trọng nâng cao chất lượng du lịch cộng đồng làng Mỹ Sơn; khảo sát mô hình trekking, hiking băng qua núi nối khu nước khoáng nóng Tây Viên; tour chèo thuyền hồ Thạch Bàn; xây dựng chợ phiên ẩm thực Chăm… nhưng đến nay mọi thứ vẫn chỉ là ý tưởng.

Dư địa rất lớn từ tài nguyên du lịch thuộc Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn cũng như vùng phụ cận gần như chưa được khai thác. Ảnh: Q.T

Ông Bùi Văn Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty TNHH HIVOOC cho rằng: “Đơn vị nhìn thấy tiềm năng lớn có thể khai thác ở Mỹ Sơn về loại hình du lịch kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học khi khu vực này có nhiều loài động vật, thực vật đặc sắc và có thể kết nối thành tour Sơn Trà - Mỹ Sơn”.

Nhận thấy tiềm năng lớn bị bỏ ngỏ, những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam (cũ) đã tính chuyện xã hội hóa đầu tư di sản Mỹ Sơn để khai thác tương xứng di sản này. Mới nhất, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND thành phố Đà Nẵng lập quy hoạch Mỹ Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích Mỹ Sơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tháng 6/2025) đã xác định tính chất của khu vực này là khu vực du lịch văn hóa, sinh thái nổi tiếng của Việt Nam và thế giới.

Trong không gian du lịch Đà Nẵng mới, Mỹ Sơn đang đứng trước thời cơ phát triển toàn diện hơn để xứng với tầm vóc của một di sản văn hóa thế giới...

Nguồn: https://baodanang.vn/can-da-dang-hoa-loai-hinh-du-lich-tai-my-son-3298052.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm