Tranh vải - phương thức biểu đạt nghệ thuật của Trần Thanh Thục
Ngày 26/7, trong không gian trưng bày đương đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Trần Thanh Thục đã trải lòng về cơ duyên đưa bà đến với dòng tranh vải. Đó là chặng đường hơn 40 năm ròng rã gắn bó.
Họa sĩ Trần Thanh Thục chia sẻ, những mảnh vải đầu đời xuất hiện như một cơ duyên khi bà ở tuổi đôi mươi. Lúc ấy, trong một dịp tình cờ ghé chơi nhà cô bạn thợ may vào đợt nghỉ hè, bà đã có cơ hội tiếp xúc và vu vơ ghép thử các mảnh vải rời rạc.
"Những mảnh vải vụn đa màu sắc thừa ra từ các bộ quần áo mà cô bạn may cho khách đã thu hút tôi ngay từ ánh nhìn đầu tiên", họa sĩ Trần Thanh Thục tâm sự.
Họa sĩ Trần Thanh Thục sinh năm 1960, quê tỉnh Nam Định (cũ), nay là tỉnh Ninh Bình. Bà là một trong những người mở đầu cho sự ra đời của dòng tranh vải và có hơn 40 năm gắn bó với dòng tranh này.
Đam mê với vải vóc, niềm vui của nữ họa sĩ là thành công “hô biến” những mảnh vải tưởng chừng như vô cùng rời rạc trở thành các tác phẩm nghệ thuật độc đáo và được công chúng đón nhận.
Theo họa sĩ Trần Thanh Thục, trong sự nghiệp nghệ thuật, người nghệ sĩ khi đã chọn cho mình một chất liệu để gắn bó, để theo đuổi thì phải chấp nhận cả thuận lợi và khó khăn, thậm chí là thử thách mà chất liệu đó đem lại.
Thông thường, để tạo sắc độ trong bức tranh, các họa sĩ sơn mài, sơn dầu sẽ sử dụng bảng palette. Thế nhưng, với tranh vải, cần có cách xử lý hoàn toàn khác. Họa sĩ Trần Thanh Thục thường “pha màu” cho vải bằng kỹ thuật chồng lớp. Dán chồng những mảnh vải độc lập lên nhau, bà sẽ thu được một màu sắc mới.
Trong nhiều tác phẩm của Trần Thanh Thục, vải chồng được lên tới 4-5 lớp. Sự kết hợp này nhằm tạo ra hiệu ứng về thị giác, tạo chiều sâu cho bức tranh. Qua những sắc độ đậm-nhạt khác nhau, không gian trong tác phẩm dường như rộng mở và chân thực hơn.

Bằng những mảnh vải với màu sắc khác nhau, bà đã tạo dựng nên một phong cách nghệ thuật riêng biệt, lặng lẽ mà sâu sắc với những tác phẩm đậm chất thơ, giàu tính biểu cảm và cho thấy sự tìm tòi không ngừng trong tư duy thị giác cùng cấu trúc tạo hình.
Họa sĩ Trần Thanh Thục sinh năm 1960, quê tỉnh Nam Định (cũ), nay là tỉnh Ninh Bình. Bà là một trong những người mở đầu cho sự ra đời của dòng tranh vải và có hơn 40 năm gắn bó với dòng tranh này.
Với tôi, tranh vải mang tới niềm đam mê xen lẫn sự bất ngờ, nhưng cũng đem lại không ít gian nan trong quá trình sáng tạo. Vượt lên tất cả, tôi vẫn thấy mình may mắn khi được làm công việc mình yêu mỗi ngày. Làm tranh, đem đến một sự hấp dẫn mạnh mẽ. Có lẽ, khi đã yêu và thực sự sống với nó thì tất cả những khó khăn đều trở thành niềm vui.
Họa sĩ Trần Thanh Thục
Qua buổi trò chuyện "Trần Thanh Thục - Lặng lẽ một dòng tranh vải", công chúng được hiểu hơn về quá trình sáng tác của nữ họa sĩ: từ cảm hứng sáng tạo ban đầu, bố cục thị giác đến kỹ thuật xử lý chất liệu như một phương thức biểu đạt nghệ thuật cá nhân.
Trong thế giới nghệ thuật lặng lẽ mà bền bỉ mang tên Trần Thanh Thục, mỗi tác phẩm nghệ thuật là một bản hòa ca giữa chất thơ, cảm xúc và cấu trúc tạo hình giàu trí tưởng tượng.
"Với tôi, tranh vải mang tới niềm đam mê xen lẫn sự bất ngờ, nhưng cũng đem lại không ít gian nan trong quá trình sáng tạo. Vượt lên tất cả, tôi vẫn thấy mình may mắn khi được làm công việc mình yêu mỗi ngày. Làm tranh, đem đến một sự hấp dẫn mạnh mẽ. Có lẽ, khi đã yêu và thực sự sống với nó thì tất cả những khó khăn đều trở thành niềm vui", họa sĩ Trần Thanh Thục chia sẻ.
Tại sự kiện, khán giả cũng được chứng kiến họa sĩ Trần Thanh Thục trình diễn, thao tác một số bước công đoạn để làm ra các tác phẩm nghệ thuật từ vải.
Lắng đọng trên những nẻo đường nghệ thuật
Thành công của cuộc trò chuyện với họa sĩ Trần Thanh Thục đã để lại dấu ấn đầu tiên trong lòng những người yêu cái đẹp về chương trình Art talk “Những nẻo đường nghệ thuật” của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Đây là chuỗi sự kiện giao lưu, trò chuyện nghệ thuật được tổ chức định kỳ nhằm kết nối nghệ sĩ với công chúng. Nhìn lại những nẻo đường nghệ thuật, các tác giả sẽ chia sẻ về hành trình sáng tác, quan điểm sáng tạo của mình trong dòng chảy mỹ thuật đương đại.

Mỗi buổi Art talk là một điểm dừng chân khác nhau trên bản đồ nghệ thuật, nơi công chúng có thể lắng nghe, đối thoại và cảm nhận tinh thần sáng tạo qua chính câu chuyện của người nghệ sĩ.
Chia sẻ về dự án ý nghĩa này, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cho hay, chuỗi chương trình Art talk “Những nẻo đường nghệ thuật” được tổ chức với mong muốn khai thác câu chuyện đời, chuyện nghề của những con người dám dấn thân và tạo được sự thành công trên con đường làm nghệ thuật của mình.
"Sau chương trình giới thiệu về tranh vải lần này, những cuộc giao lưu tiếp theo sẽ giới thiệu đến công chúng về những dòng tranh độc đáo khác như: tranh gạo, tranh cát, tranh đá quý…", Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh thông tin.
Mỗi buổi Art talk là một điểm dừng chân khác nhau trên bản đồ nghệ thuật, nơi công chúng có thể lắng nghe, đối thoại và cảm nhận tinh thần sáng tạo qua chính câu chuyện của người nghệ sĩ.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam kỳ vọng, Art talk sẽ trở thành cầu nối sáng tạo giữa nghệ sĩ và công chúng, là nơi nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật, khơi gợi đối thoại và lan tỏa những giá trị thẩm mỹ sâu sắc trong đời sống đương đại. Chương trình là nỗ lực của bảo tàng nhằm đưa nghệ thuật đến gần hơn với cộng đồng, thông qua những hình thức trải nghiệm chân thực, sống động và nhân văn.
Nguồn: https://nhandan.vn/nhung-neo-duong-nghe-thuat-lang-le-mot-dong-tranh-vai-post896669.html
Bình luận (0)