Lễ cúng dòng họ là một trong những nghi lễ quan trọng bậc nhất trong đời sống văn hóa của người Mông, được tổ chức định kỳ 3-5 năm/lần, hoặc khi có sự kiện lớn trọng đại của dòng họ, nhằm tạ ơn tổ tiên đã phù hộ, che chở. Đồng thời, cầu mong sự bình an, sức khỏe và tài lộc cho con cháu. Đây cũng là dịp để các thành viên trong dòng họ tụ họp, hàn gắn tình cảm, củng cố truyền thống, giáo dục thế hệ trẻ về cội nguồn.
Nghi lễ thường được tiến hành tại nhà trưởng họ hoặc một địa điểm linh thiêng, dưới sự chủ trì của thầy mo có uy tín. Các vật phẩm cúng tế thường là lợn, gà, rượu, gạo, tiền giấy… Nghi lễ gồm nhiều bước, từ việc mời gọi tổ tiên, báo cáo những việc đã làm được trong thời gian qua, đến việc cầu xin sự phù hộ cho tương lai.
Khèn là nhạc cụ độc đáo, mang tính biểu tượng cao trong văn hóa dân tộc Mông. Không chỉ là một nhạc cụ đơn thuần, nghệ thuật khèn còn là sự kết hợp tinh tế giữa âm nhạc, vũ đạo và ngôn ngữ cơ thể, phản ánh sâu sắc đời sống văn hóa, tâm hồn của đồng bào Mông. Tiếng khèn có thể vang vọng hào sảng trong lễ hội, réo rắt tình tứ trong những lần hò hẹn, hay trầm buồn trong nghi lễ tiễn biệt người đã khuất.
Cây khèn được làm từ gỗ và các ống tre, nứa. Người nghệ nhân thổi khèn không chỉ biết chế tác, biểu diễn, còn phải biết múa khèn - những động tác uốn lượn, xoay mình, bật nhảy mạnh mẽ mà dẻo dai, biểu đạt sức sống mãnh liệt và khát vọng yêu thương. Đặc biệt, nghệ thuật khèn còn là phương tiện để người Mông giao tiếp, bày tỏ tâm tư, tình cảm, thậm chí là "nói chuyện" với thế giới tâm linh.
Thiếu nữ Mông thêu hoa văn trên vải.
Trang phục truyền thống của người Mông, đặc biệt là người Mông Hoa, nổi tiếng với những hoa văn tinh xảo, rực rỡ sắc màu, được tạo nên bằng nhiều kỹ thuật thủ công truyền thống như vẽ sáp ong, thêu, ghép vải, can vải... Mỗi bộ trang phục không chỉ là tác phẩm nghệ thuật đầy màu sắc, còn là "cuốn sử" ghi lại những câu chuyện về thiên nhiên, cuộc sống, tín ngưỡng, lịch sử của dân tộc Mông.
Các hoa văn thường lấy cảm hứng từ cây cỏ, hoa lá, chim muông, núi rừng hay những hình kỷ hà đối xứng, tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở, hạnh phúc và may mắn. Kỹ thuật vẽ sáp ong đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, sau đó vải được nhuộm chàm và sáp ong được loại bỏ, để lại những đường nét hoa văn độc đáo. Kỹ thuật thêu vô cùng công phu, với hàng ngàn mũi kim nhỏ li ti tạo nên những mảng màu sống động, nổi bật trên nền vải.
Nghề làm giấy truyền thống của người Mông là một di sản độc đáo. Giấy của người Mông không dùng để viết, mà được sử dụng chủ yếu trong các nghi lễ tâm linh, thờ cúng tổ tiên, hoặc dùng trong các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng quan trọng. Đây là loại giấy thô mộc, được làm hoàn toàn thủ công từ vỏ cây dướng hoặc các loại cây rừng khác.
Quy trình làm giấy rất công phu, đòi hỏi sự kiên nhẫn và khéo léo. Vỏ cây được thu hái, ngâm nước, luộc chín. Sau đó, đập dập thành bột nhuyễn. Bột này được hòa với nước, đổ lên khuôn có lưới lọc và dàn đều. Sau khi nước rút, lớp bột giấy được phơi khô dưới nắng. Giấy thành phẩm có màu trắng ngà tự nhiên, dai và bền, mang đậm hơi thở của núi rừng.
Bốn di sản văn hóa tiêu biểu của đồng bào Mông ở Sơn La là những biểu tượng sinh động của đời sống văn hóa, tâm linh và nghệ thuật dân gian độc đáo. Việc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm tự hào lớn, đồng thời là lời nhắc nhở trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, giúp nét đẹp văn hóa được tôn vinh, tỏa sáng trong thời hiện đại, góp phần làm giàu đẹp đời sống tinh thần, thu hút du khách đến với Sơn La.
Thiếu nữ Mông duyên dáng với điệu múa cùng lù cở.
Nguồn:https://baosonla.vn/emagazine/di-san-van-hoa-dan-toc-mong-tinh-hoa-giua-dai-ngan-wptOwl8Ng.html
Bình luận (0)