Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giảm hình thức kỷ luật, giáo viên lo khó xử lý học sinh 'cá biệt'

TPO - Nhiều ý kiến ủng hộ giảm hình thức kỷ luật đối với học sinh nhưng cũng có người cho lo ngại, thầy cô bị tước hết “công cụ” để xử lý các trường hợp vi phạm quy định nhiều lần.

Báo Tiền PhongBáo Tiền Phong13/05/2025


Tháng 5/2025, Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo quy định hình thức khen thưởng, kỷ luật đối với học sinh nhằm thay thế Thông tư 08 đã ban hành cách đây gần 40 năm.

Điểm mới của dự thảo là biện pháp kỷ luật của học sinh giảm nhẹ hơn so với trước đây.

Cụ thể, ở bậc tiểu học, nếu học sinh phạm lỗi, thầy cô giáo chỉ nhắc nhở và yêu cầu xin lỗi. Học sinh các bậc học khác khi vi phạm lỗi cũng chỉ nhắc nhở, phê bình và yêu cầu viết bản kiểm điểm. Tất cả các hình thức như phê bình trước lớp, trường hay đình chỉ học đều bị loại bỏ.

Thông tư 08 của Bộ GD&ĐT ban hành năm 1988 đến nay, trong đó về hình thức kỷ luật quy định các mức: Khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường và đuổi học một tuần, đuổi học một năm.

Giảm hình thức kỷ luật, giáo viên lo khó xử lý học sinh 'cá biệt' ảnh 1

Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo quy định hình thức khen thưởng, kỷ luật, trong đó giảm nhẹ hình thức kỷ luật đối với học sinh vi phạm các quy định so với hiện hành.

Thông tư quy định rõ các lỗi học sinh mắc phải sẽ bị xử lý kỷ luật như: Nghỉ học không xin phép, không thuộc bài, nói tục, hút thuốc, quay cóp bài, có thái độ kém văn hóa hoặc hành vi thiếu đạo đức đối với thầy cô giáo, gây mất đoàn kết, không báo cáo với nhà trường những việc làm sai trái của bạn mà mình biết, ăn cắp đồ dùng tư trang, trốn học, gây gổ, đánh nhau…

Chỉ xin lỗi chưa đủ

Với những quy định mới trong dự thảo, bà Trần Thị Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vạn Bảo, quận Hà Đông (Hà Nội) cho rằng, học sinh tiểu học đang ở độ tuổi hình thành nền tảng phẩm chất nên chú trọng các hình thức giáo dục rèn giũa, uốn nắn do đó không áp dụng hình thức kỷ luật nặng nề là phù hợp. Ngay cả trong kiểm tra, đánh giá học sinh ở bậc học này cũng được yêu cầu, giảm áp lực cho học sinh.

Tuy nhiên, cũng theo bà Hương, ở bậc tiểu học cũng có những trường hợp, tình huống đặc biệt mà nếu chỉ áp dụng hình thức nhắc nhở, yêu cầu xin lỗi là chưa đủ. Lâu nay, khi học sinh vi phạm lỗi nào đó mang tính chất lặp lại, giáo viên thường yêu cầu các em tường trình lại sự việc đồng thời hứa không tái phạm nhằm giúp các em ghi nhớ lâu hơn.

“Đối với trẻ, khi vi phạm sự việc nào đó, nếu người lớn chỉ nhắc nhở và yêu cầu xin lỗi nhiều lần cũng dễ bị nhờn. Đôi khi, học sinh sẽ suy nghĩ, mình vi phạm nhưng không bị cô giáo phạt nên không sợ”, bà Trần Thị Hương nói.

Để rèn nền nếp học sinh, từ đầu năm học, nhà trường thường thông báo các quy định để học sinh thực hiện đồng thời có các phong trào “Nói lời hay, làm việc tốt”, dạy học sinh biết yêu thương, chia sẻ lẫn nhau cũng như tôn trọng thầy cô, ông bà, cha mẹ. Nhưng sẽ vẫn có những trường hợp học sinh vi phạm các quy định và được uốn nắn, có biện pháp xử lý.

Ở bậc tiểu học, đặc thù mỗi giáo viên chủ nhiệm dạy một lớp từ sáng đến chiều nên khi phát sinh vấn đề đối với học sinh dễ phát hiện, còn bậc THCS – THPT, mỗi môn một giáo viên, học sinh ở độ tuổi ẩm ương, biết bao che cho nhau nên cần có hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp vi phạm quy định mang tính chất răn đe sẽ thuận lợi hơn.

Bà Hương cho rằng, giáo dục phẩm chất, hành vi của một học sinh phải được rèn giũa, uốn nắn từ nhỏ đến lớn và cần sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường và gia đình mới mang lại hiệu quả. Thực tế, khi một vài học sinh không ghi chép hoặc không làm bài tập, bị cô giữ lại lớp 5-7 phút làm xong bài mới được về nhưng cũng có phụ huynh tỏ ra khó chịu vì điều đó.

Hiệu trưởng một trường tiểu học khác tại Hà Nội kể câu chuyện, một học sinh lớp 5 vì bực tức bạn đã chạy vào nhà vệ sinh đá vỡ bồn vệ sinh. Sau khi phát hiện sự việc, giáo viên trao đổi, em này vẫn quanh co chối lỗi mãi mới thừa nhận.

Hiệu trưởng này cho rằng, dù nhà trường không yêu cầu gia đình phải sửa chữa nhưng với hành vi phá hoại của công rõ ràng rất cần một biện pháp mạnh tay hơn là yêu cầu xin lỗi.

Ngoài ra, do nghịch ngợm, học sinh cũng thường xuyên vi phạm các lỗi như: Vào nhà vệ sinh dùng vòi xịt nước để xịt vào người nhau, đá bóng vỡ kính, bóng đèn của nhà trường, học sinh nói tục, chửi bậy…

“Do đó, dù ở lứa tuổi tiểu học nhưng cũng rất mong Bộ GD&ĐT điều chỉnh hình thức kỷ luật mang tính răn đe, giáo dục có hiệu quả hơn. Hiện nay, nhiều gia đình nuông chiều con cái, ở trường, lớp cũng không có hình thức kỷ luật hợp lý dễ tạo ra những học sinh không biết giá trị đúng – sai”, hiệu trưởng này nói.

Làm khó thầy cô

Thực tế những gia đình bố mẹ nghiêm khắc, con cái có hành vi khác hẳn những bạn được nuông chiều.

Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức những buổi giáo dục kỹ năng sống, dạy trẻ về lòng yêu thương, đạo đức. Sau chương trình nhiều học sinh hiểu và thể hiện sự thay đổi trong hành vi nhưng chỉ được ít hôm sau đó lại trở về như cũ.

Nhiều năm trở lại đây, khi trường học áp dụng phương thức “kỷ luật không nước mắt”, thầy cô càng khó khăn hơn trong quản lý lớp học. Trong gia đình chỉ có 2-3 người con, mỗi con đã thể hiện một cá tính, trường học hàng nghìn học sinh nếu không có biện pháp kỷ luật nghiêm minh sẽ khó rèn nền nếp, mang lại hiệu quả dạy và học.

Có em thường xuyên gây gổ, đánh bạn, nhuộm tóc xanh đỏ; lên mạng nói xấu, chia bè kéo phái làm ảnh hưởng đến tinh thần của bạn, trốn học, ăn cắp tiền bạn…Những trường hợp này, giáo viên tùy theo tình huống để trao đổi riêng, mời bố mẹ đến nói chuyện nhằm có giải pháp phối hợp giáo dục tuy nhiên sau đó vẫn tái phạm.

Điển hình có trường hợp trong một học kỳ có thể gây sự, đánh bạn đến 2-3 lần. Nhà trường mời đến nhắc nhở, hứa không tái phạm nhưng sau đó vẫn tiếp tục vi phạm.

“Dù rất ít trường hợp nhưng thực tế đã xảy ra, làm đau đầu cả giáo viên lẫn quản lý trường học, nếu không có giải pháp hữu hiệu sẽ làm khó cho thầy cô”, hiệu trưởng này nói.

Trong khi đó, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) và là chuyên gia tâm lý giáo dục lại ủng hộ các quy định giảm hình thức kỷ luật đối với học sinh đồng thời áp dụng biện pháp giáo dục mang tính nhân văn.

TS Lâm chia sẻ, trước đây, khi các trường học áp dụng hình thức đuổi học đối với học sinh vi phạm kỷ luật nhiều lần theo Thông tư 08, ông đã rất trăn trở. Việc thành lập ngôi trường Đinh Tiên Hoàng năm 1989 cũng nhằm dang rộng vòng tay để đón học sinh “cá biệt” về trường để có cách giáo dục. Thầy Lâm quan điểm, học sinh vi phạm quy định là việc bình thường, thầy cô cần kiên trì chỉ ra và sửa lỗi cho học sinh để các em dần tiến bộ.

Ông cũng đồng tình cần có các quy định về hình thức kỷ luật học sinh nhưng phải coi đó là phương pháp để giáo dục các em nhận ra lỗi lầm và sửa sai, không phải đó là hình phạt khi vi phạm lỗi.

Khi học sinh vi phạm lỗi nghiêm trọng, quy định đình chỉ học tập tối đa khoảng 2 ngày vẫn nên được áp dụng.

“Tuy nhiên, đình chỉ học không có nghĩa, trong 2 ngày đó, học sinh phải ở nhà, hoặc đẩy ra đường mà vẫn phải đến trường để nhìn nhận lại cái sai của mình, đưa ra biện pháp khắc phục, sửa lỗi. Ví dụ, nhà trường có thể phạt học sinh bằng cách cho lao động công ích, dọn dẹp trường lớp để ghi nhớ thật kỹ về sai phạm của mình”, ông Lâm nói.

Ngoài kỷ luật, ông Lâm cũng cho rằng, thầy cô giáo, nhà trường nên quy định các hình thức khen thưởng, động viên, khuyến khích học sinh phấn đấu để các em thấy rõ, có khen, có kỷ luật một cách hợp lý.

Hà Linh

Nguồn: https://tienphong.vn/giam-hinh-thuc-ky-luat-giao-vien-lo-kho-xu-ly-hoc-sinh-ca-biet-post1741677.tpo


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm