Bố tôi chỉ là người nông dân chân chất, quanh năm gắn bó với ruộng vườn. Đôi bàn chân của bố in dấu khắp đồng bãi quê nhà. Bố cùng mẹ cần mẫn cấy trồng nuôi bốn chị em tôi ăn học, lớn khôn. Công kia việc nọ nhưng bố không nề hà chuyện gì. Ngay cả việc vào bếp nấu nướng, mỗi khi đi làm về, bố vẫn luôn vui vẻ nấu ăn cùng mẹ tôi.
Bố sẽ vào bếp nấu những món các con thích. Tôi còn nhớ món chả lươn băm lá lốt của bố luôn hấp dẫn mấy đứa con gầy gò kén ăn. Chính vì vậy, mỗi khi đi bắt lươn về, ngoài việc đưa cho mẹ tôi mang đi bán kiếm thêm đồng chi tiêu thì bố luôn chọn lại mấy con để băm chiên cho chúng tôi ăn. Bố cười thật hiền nhìn sự hào hứng, trông chờ của chị em tôi mà rộn ràng tay dao tay thớt.
Tính bố nghiêm nghị, ăn cơm phải có bữa, có buổi. Dọn cơm ra rồi, cả nhà ngồi vào đông đủ mới được ăn. Với bố, bữa cơm gia đình là lúc cả nhà quây quần bên nhau, là khi mọi thành viên thể hiện sự quan tâm nhau, cũng như giữ gìn được nền nếp gia đình. Vậy mà vẫn có những ngoại lệ. Đó là những ngày bố vào bếp rán chả rươi, chả lươn… Khi mấy đứa con rón rén, thèm thuồng ngồi bên ngửi mùi thơm phưng phức của món ăn vừa chín được bố gắp ra đĩa, bố lại chủ động “nhờ” các con thử giúp bố xem món ăn đã ngon chưa, đã đạt chuẩn chưa. Trong suy nghĩ non nớt của tôi ngày đó, tôi luôn tự hào vì đã giúp bố thử món ăn, một “công việc” hấp dẫn mà bốn chị em tôi chưa một lần nào từ chối. Sau này tôi mới biết, bố vì không muốn các con dần coi nhẹ bữa cơm gia đình, nhưng cũng không nỡ để các con phải chầu chực, thèm thuồng nên đã “đặc cách” để các con thử món không chỉ một hai lần.
Tết vừa rồi, tôi đưa hai con về ăn tết cùng bố mẹ. Tết mà, đồ ăn thức uống thiếu gì đâu. Nhưng thấy cháu gái nhỏ thích món canh mồng tơi nấu tôm của ông ngoại nên bố lại hào hứng vào bếp. Mùa đông miền Bắc lạnh lắm, vậy mà bố luôn dậy thật sớm để ra bờ ngòi (nối tiếp với sông) để nhấc vó bắt tôm tép. Cầm mớ tép tươi rói, bố cười móm mém, trưa nay lại có canh tép cho cháu gái. Trong bữa cơm, con gái tôi liên tục khen: “Canh ông ngoại nấu là đỉnh của chóp”. Bố lại cười. Có lẽ chỉ cần vậy thôi, cái lạnh cóng buốt của nước sông, việc lách cách giã, lọc rồi lụi hụi vào bếp đối với bố chẳng có gì vất vả.
Có lẽ nhờ có “tấm gương” là bố nên hai người con rể của bố cũng khéo léo trong nấu nướng và tất nhiên chẳng ngại vào bếp bao giờ. Có những buổi vì bận công việc mà tôi đi làm về muộn, bước vào bếp đã thấy chồng đang nấu ăn, còn hai đứa con nhỏ ríu rít bên cạnh. Hình ảnh đó khiến tôi nhớ đến mình và các em ngày còn thơ quẩn quanh bên bố.
Thế hệ trước, thế hệ này và có lẽ cả thế hệ sau nữa luôn có một sợi dây vô hình gắn kết, những nguồn mạch tốt đẹp của gia đình sẽ luôn chảy mãi. Đang miên man nghĩ, tiếng cười vang của hai đứa con khiến tôi chợt giật mình. Chiều nay, có lẽ bố cũng đang vào bếp cùng mẹ.
Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp. |
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/171355/gian-bep-nha-minh-co-bo
Bình luận (0)