Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh dự Diễn đàn (Ảnh: TITC)
Với chủ đề “Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh”, Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 được tổ chức nhằm tạo cơ hội kết nối, trao đổi và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong tình hình mới.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho biết, Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, cộng đồng doanh nghiệp nói chung còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp còn chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gãy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào.
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng phát biểu khai mạc Diễn đàn (Ảnh: TITC)
Do đó, để có thể bứt phá vào năm 2025, việc cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là những chìa khóa then chốt. Không chỉ là tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, việc phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân để từng bước làm chủ công nghệ lõi, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu là yêu cầu quan trọng được đặt ra thời gian tới.
Thực tế thời gian qua, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều quyết sách để phát triển doanh nghiệp, hướng tới bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên. Tuy vậy, trong một thế giới biến động, các doanh nghiệp cũng cần thêm nhiều trợ lực hơn nữa từ chính quyền các cấp.
Ngành du lịch triển khai hiệu quả các giải pháp phục hồi, là điểm sáng trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
Đối với lĩnh vực du lịch, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, mặc dù tình hình kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều khó khăn và biến động, nhưng ngành du lịch Việt Nam đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong 3 tháng đầu năm 2025. Theo Cục thống kê, tổng lượt khách quốc tế trong quý I đạt trên 6 triệu lượt, tăng trưởng 29,6% so với cùng kỳ năm 2024. Du lịch nội địa cũng đạt kết quả rất đáng ghi nhận với việc phục vụ 35,5 triệu lượt khách. Du lịch được đánh giá là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội đất nước.
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: TITC)
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh để đạt được kết quả này, ngành du lịch đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc định hình và ban hành các quyết sách để tháo gỡ những rào cản, khó khăn, tạo thuận lợi cho ngành du lịch phát triển nhanh và bền vững.
Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng nhận được sự phối hợp, hỗ trợ của các ban, bộ, ngành liên quan, các địa phương trong việc cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, trong đó nổi bật là các chính sách về miễn thị thực, cấp thị thực điện tử... Đây là những đòn bẩy rất quan trọng để du lịch phục hồi nhanh sau đại dịch.
Cục trưởng cho biết, Bộ VHTTDL đang tập trung triển khai các giải pháp nhằm thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới; Công điện số 34/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số.
Toàn cảnh Diễn đàn (Ảnh: TITC)
Bộ VHTTDL cũng đã có nhiều nỗ lực trong công tác xúc tiến, quảng bá, đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng số trong nước và nước ngoài. Đổi mới phương thức quảng bá, liên kết với các đối tác đúng trọng tâm, trọng điểm để tạo hiệu quả và sức hút truyền thông mạnh mẽ. Đặc biệt, trong dấu ấn hoạt động xúc tiến quảng bá có hai lần Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp tham dự sự kiện quảng bá du lịch Việt Nam tại nước ngoài.
“Tôi đánh giá rất cao sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp du lịch trong việc làm mới các sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới sau dịch Covid-19, đáp ứng nhu cầu thay đổi của du khách như du lịch ẩm thực, du lịch nông nghiệp, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao và du lịch MICE… Điều này đã tạo nên động lực mới để thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam”, Cục trưởng nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp cần đóng vai trò tiên phong nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam
Để thực hiện được mục tiêu đón khách quốc tế và nội địa trong năm 2025, Cục trưởng cho rằng không thể thiếu vai trò tiên phong và năng động của cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy, Cục trưởng đề nghị các doanh nghiệp cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng cao, gắn với bản sắc văn hóa, lịch sử, ẩm thực, làng nghề và tài nguyên thiên nhiên của từng địa phương. Đồng thời, cần đa dạng hóa loại hình sản phẩm để phục vụ nhiều phân khúc khách như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao mạo hiểm, MICE...
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý và kinh doanh, qua đó giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu suất hoạt động, đồng thời mang đến trải nghiệm dịch vụ thuận tiện, hiện đại cho du khách. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chủ động kết nối vào hệ sinh thái du lịch số quốc gia và địa phương, từ đó chia sẻ dữ liệu, tăng khả năng tiếp cận thị trường và phối hợp hiệu quả trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Đây cũng là yếu tố quan trọng trong việc quản lý điểm đến thông minh, thúc đẩy liên kết vùng, tạo ra chuỗi giá trị bền vững cho ngành du lịch trong kỷ nguyên số hóa.
Nguồn nhân lực là yếu tố then chốt quyết định chất lượng dịch vụ và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch. Bên cạnh đào tạo mới, cần chú trọng đào tạo lại, bồi dưỡng thường xuyên nhằm cập nhật kiến thức, kỹ năng theo xu hướng phát triển của thị trường và công nghệ.
Cục trưởng cũng cho rằng các doanh nghiệp cần tăng cường liên kết, phối hợp với nhau trong chuỗi cung ứng dịch vụ - bao gồm lữ hành, lưu trú, vận chuyển, ẩm thực, điểm tham quan… để cùng xây dựng các sản phẩm du lịch trọn gói, đồng bộ, chất lượng và có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, Cục trưởng cũng lưu ý cần chú trọng phát triển bền vững và có trách nhiệm. Doanh nghiệp cần xác định rõ: phát triển du lịch không chỉ là hoạt động kinh tế mà còn gắn liền với trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và gìn giữ giá trị văn hóa. Việc tổ chức hoạt động du lịch cần đảm bảo hài hòa giữa ba trụ cột: môi trường, văn hóa và cộng đồng địa phương.
Diễn đàn thu hút đông đảo các đại biểu tham dự (Ảnh: TITC)
“Chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp du lịch không chỉ là các đơn vị cung ứng dịch vụ mà sẽ là những đơn vị tiên phong, định hình xu hướng du lịch, cũng như tạo sức hút, nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Hy vọng với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các bộ ngành, địa phương, nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành du lịch Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025 để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% của đất nước và từ năm sau sẽ là tăng trưởng hai con số”, Cục trưởng bày tỏ.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia, nhà kinh tế đã chia sẻ về nhiều chủ đề như: Đề xuất chính sách khuyến khích đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ, chuyển đổi số theo Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị; Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tìm cơ hội trong chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu; Ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả, giảm chi phí logistics; Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp - vai trò của AI trong quá trình này; Đầu tư phát triển sản xuất xanh, tuần hoàn...
Nguồn: Cục Du lịch QGVN
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/cac-doanh-nghiep-can-phat-huy-vai-tro-tien-phong-trong-thuc-hien-muc-tieu-tang-truong-cua-nganh-du-lich-20250418103336527.htm
Bình luận (0)