Giáo sư - tiến sĩ Phan Lương Cầm trong một lần trao học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: DUYÊN PHAN
Thông tin từ người nhà cho hay giáo sư - tiến sĩ Phan Lương Cầm - phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - qua đời vào rạng sáng 9-4 ở tuổi 82.
Giáo sư Phan Lương Cầm là một trong những người "gieo mầm" cho học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ. Ngay mùa đầu tiên trao học bổng cho tân sinh viên tại trụ sở của báo Tuổi Trẻ (khi ấy ở đường Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM vào năm 2003), giáo sư Phan Lương Cầm đã đề nghị thành lập ngay quỹ Tiếp sức đến trường.
Từ học bổng này, hàng chục ngàn tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước đã viết tiếp giấc mơ của mình ở giảng đường đại học.
Lần nào gặp cũng vậy, bà dặn tôi gia cảnh đã khó thì phải nỗ lực hơn chúng bạn. Phải chú tâm vào học hành, đừng lăn tăn chuyện cơm áo, cần gì cứ nói với bà.
Bác sĩ VÕ VĂN THUẬN (Bệnh viện TP Thủ Đức, TP.HCM)
Hỗ trợ vô giá với sinh viên nghèo
Ngày 9-4, bên hành lang bệnh viện, bác sĩ Võ Văn Thuận (Bệnh viện TP Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ cảm xúc của mình trước thông tin bà Phan Lương Cầm qua đời. Mắt anh ngấn lệ, bần thần. Bác sĩ Võ Văn Thuận nhận giáo sư Phan Lương Cầm là bà và mình là "cháu nuôi".
Đậu vào ngành y khoa Trường ĐH Y Dược TP.HCM năm 2013, anh Thuận là một trong số các tân sinh viên nghèo được nhận học bổng Tiếp sức đến trường. Bác sĩ Thuận kể hồi đó gia đình anh rất khó khăn. Ở quê Kiên Giang, ba của anh không có nhiều ruộng đất để cày cấy, công việc không ổn định nên thu nhập bấp bênh.
Dẫu vậy cậu học trò Võ Văn Thuận học rất giỏi và luôn đầy nghị lực vượt lên số phận. Nhờ vậy, năm ấy tân sinh viên Võ Văn Thuận lọt vào danh sách được giáo sư Phan Lương Cầm chọn để hỗ trợ học đại học.
Suốt sáu năm đại học, đều đặn từng năm một, giáo sư Phan Lương Cầm gặp và trao tận tay 5 triệu đồng tiền sinh hoạt phí cho Thuận. "Đó là khoản hỗ trợ vô giá với tôi" - bác sĩ Thuận nhớ lại.
Ngoài hỗ trợ về tài chính, bác sĩ Thuận tâm sự anh còn nhận được từ giáo sư Phan Lương Cầm những lời dạy bảo, dặn dò. "Lần nào gặp cũng vậy, bà dặn tôi gia cảnh đã khó thì phải nỗ lực hơn chúng bạn. Phải chú tâm vào học hành, đừng lăn tăn chuyện cơm áo, cần gì cứ nói với bà" - anh Thuận tâm sự thêm.
Trước thông tin giáo sư Phan Lương Cầm qua đời, trên Facebook, ông Trần Thanh (sinh năm 1963, TP.HCM) để những dòng chia buồn đầy thương tiếc. Biết rõ không thể vượt ra khỏi quy luật sinh lão bệnh tử, thế nhưng thông tin cô giáo mẫu mực của mình qua đời khiến ông Thanh xúc động.
Ông Thanh từng là sinh viên K26 (năm 1981-1986, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), học trò của giáo sư Phan Lương Cầm ở môn ăn mòn hóa học. Sau gần 40 năm, ông Thanh kể vẫn nhớ như in ký ức, hình ảnh của bà. Đó là hình ảnh của một nữ giảng viên tài giỏi, trí thức và đầy sức trẻ. Vào mùa đông, bà thường xuất hiện trước cả lớp khi khoác lên mình chiếc áo măng tô dài ngang đầu gối. "Cô tính cách thì rất mạnh mẽ, nhưng sống đầy tình cảm" - ông Thanh chia sẻ.
Nữ giáo sư, tiến sĩ đầu tiên
Giáo sư - tiến sĩ Phan Lương Cầm sinh ngày 5-3-1943 tại Thừa Thiên Huế, là phu nhân của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Bà là nữ giáo sư - tiến sĩ đầu tiên của Trường đại học Bách khoa Hà Nội (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội).
Giáo sư - tiến sĩ Phan Lương Cầm nổi tiếng với vai trò nhà khoa học trong lĩnh vực điện hóa - ăn mòn kim loại tại Việt Nam. Bà là một trong những người sáng lập và chủ tịch đầu tiên của Hội Khoa học - Kỹ thuật ăn mòn và bảo vệ kim loại Việt Nam.
Bà còn là chủ tịch Hiệp hội Vật liệu và ăn mòn châu Á - Thái Bình Dương nhiệm kỳ 1999 - 2001, chủ tịch Hội nghị quốc tế ăn mòn châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 11 tổ chức tại TP.HCM năm 1999, ủy viên ban cố vấn quốc tế của nhiều hội nghị quốc tế ăn mòn châu Á - Thái Bình Dương khác.
Trong hơn bốn thập niên giảng dạy và nghiên cứu khoa học, giáo sư - tiến sĩ Phan Lương Cầm đã đào tạo rất nhiều khóa sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ. Bà cũng đã chủ trì nhiều công trình khoa học có ý nghĩa, trong đó có nhiều đề tài và dự án khoa học cấp nhà nước, đề tài hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học. Bà cũng là tác giả của bằng phát minh sáng chế, bằng giải pháp hữu ích.
Giáo sư - tiến sĩ Phan Lương Cầm được nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 1995, Huân chương Lao động và nhiều huy chương, bằng khen vì những cống hiến của bà trong sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp khoa học - công nghệ, sự nghiệp vì sự tiến bộ của phụ nữ và bảo trợ trẻ em.
Lễ viếng từ 16h hôm nay 10-4
Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM có thông báo về tang lễ phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là giáo sư - tiến sĩ Phan Lương Cầm.
Linh cữu quàn tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam (số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM).
* Lễ viếng: 16h ngày 10-4-2025 (thứ năm).
* Lễ truy điệu: 8h15 ngày 12-4 (thứ bảy).
* Lễ động quan: 9h ngày 12-4.
An táng tại Nghĩa trang TP.HCM (TP Thủ Đức). Gia đình miễn chấp điếu. Ban tổ chức lễ tang có chuẩn bị vòng hoa.
Ân cần với từng tân sinh viên
Tháng 12-2022, báo Tuổi Trẻ tổ chức lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường cho sinh viên nghèo 7 tỉnh, thành Đông Nam Bộ. Bao giờ cũng thế, bà luôn mặc áo dài tối màu và nụ cười nở trên môi. Cứ đi được vài bước, bà lại dừng. Bà ân cần hỏi thăm sức khỏe, gia đình, hoàn cảnh của từng bạn tân sinh viên. Khi nghe đến một hoàn cảnh gian khó, nghị lực nào đó, bà lại khóc. Giọt nước mắt cứ thế lăn dài…
Cách đồng hành cùng sinh viên nghèo của giáo sư Phan Lương Cầm cũng rất đặc biệt. Ngoài hàng trăm suất học bổng được bà trao đi qua ngần ấy năm, mỗi năm bà luôn đọc thật kỹ danh sách tân sinh viên nhận học bổng.
Bà lọc tìm danh sách một cách kỹ càng, chọn ra vài trường hợp đặc biệt khó khăn rồi đồng hành cùng các bạn đó đến hết quãng đường đại học.
Đọc tiếpVề trang Chủ đề
CÔNG TRIỆU
Nguồn: https://tuoitre.vn/giao-su-phan-luong-cam-nguoi-gieo-mam-cho-tiep-suc-den-truong-20250410062924525.htm
Bình luận (0)