Nhiều giáo viên những ngày qua đổ xô đến các bộ phận một cửa trên địa bàn TP.Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh đăng ký kinh doanh để tổ chức dạy thêm theo đúng quy định của Thông tư 29.
Ngày 21.2, thông tin từ UBND TP.Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết, những ngày qua địa phương này quá tải trong việc tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục đăng ký kinh doanh của giáo viên để tổ chức dạy thêm.
Giáo viên làm thủ tục kinh doanh tại Trung tâm Hành chính công TP.Hạ Long
Trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo UBND TP.Hạ Long cho biết, tính đến sáng 21.2, địa phương đã tiếp nhận khoảng 500 hồ sơ. Trong đó chủ yếu là giáo viên tại các trường công lập, dân lập trên địa bàn nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục.
"Qua kiểm tra hồ sơ ban đầu, chúng tôi thấy có rất nhiều giáo viên, đa phần là các trường dân lập đăng ký dạng hộ kinh doanh. Bộ phận tiếp nhận hồ sơ đều hướng dẫn, tạo điều kiện để các thầy cô thực hiện các thủ tục theo đúng quy định", vị lãnh đạo TP.Hạ Long cho biết.
Trong khi đó, tại TP.Hải Phòng, những ngày qua Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH-ĐT Hải Phòng) tiếp nhận hồ sơ trong lĩnh vực giáo dục tăng đột biến.
Chỉ tính trong một tháng qua, đơn vị đã tiếp nhận, xử lý và cấp phép 278 bộ hồ sơ trên lĩnh vực giáo dục, bằng 86% của cả năm 2024, 185% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, bao gồm cả hồ sơ đăng ký mới, đăng ký chi nhánh trực thuộc, thay đổi nội dung đăng ký và đăng ký bổ sung.
Trung tâm Hành chính công TP.Hạ Long thời gian vừa qua tiếp nhận hồ sơ tăng đột biến trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh giáo dục
Ngoài ra, bộ phận một cửa các quận/huyện trên địa bàn TP.Hải Phòng cũng ghi nhận nhiều tổ chức, cá nhân đăng ký hồ sơ kinh doanh lĩnh vực giáo dục.
Tuy nhiên, việc các giáo viên nộp hồ sơ tại các Trung tâm hành chính công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng như TP.Hải Phòng hiện nay chưa thể giải quyết thủ tục được ngay. Nguyên nhân là theo thông báo của Cục Quản lý kinh doanh (Bộ KH-ĐT) do sự cố kỹ thuật của hệ thống đăng ký thông tin bị gián đoạn từ ngày 17.2. Cục Quản lý kinh doanh đang khẩn trương khắc phục sự cố để trả kết quả trong thời gian sớm nhất.
Ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy không có nhiều giáo viên hoàn thành việc đăng ký kinh doanh của mình.
Chị Nguyễn Thị H.A (giáo viên trên địa bàn TP.Hạ Long, Quảng Ninh) cho hay: "Khi tôi cầm tờ khai 2 trang, tưởng ghi thông là xong nhưng có rất nhiều thứ mình chưa thể thực hiện được như mã số thuế, vốn kinh doanh, điều kiện an toàn PCCC... Trong khi đó dạy ở trường đã kín thời gian, không thể nghỉ để hoàn thành các thủ tục".
Còn cô L.V.T (cũng là một giáo viên tại TP.Hạ Long) tính chuyện ký hợp đồng với trung tâm giáo dục và chia % lợi nhuận thay vì tự đi làm thủ tục.
"Phụ huynh học sinh liên tục gọi điện nhờ dạy học, trong khi tôi chưa hoàn thành các thủ tục đăng ký, đành ký hợp đồng với một trung tâm gần nhà và chia sẻ % với họ để có chỗ dạy thêm cho học sinh", cô T cho biết.
Theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (gọi chung cơ sở dạy thêm) phải thực hiện yêu cầu đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, những ngày qua giáo viên nhiều địa phương đổ xô đi đăng ký kinh doanh hoặc tìm cách hợp đồng với các trung tâm để dạy thêm.
Nguồn: https://thanhnien.vn/giao-vien-hai-phong-quang-ninh-do-xo-di-dang-ky-kinh-doanh-day-them-185250221135611952.htm
Bình luận (0)