
THĂM GIẾNG NGỌC ĐỀN HÙNG
Bên giếng tôi ngồi nghe lá rụng
Tự lòng sâu vọng tiếng thời gian
Bên giếng tôi ngồi nghe gió động
Lật từng trang sử mở giang san.
Bên giếng tôi ngồi lắng nghe hồn nước
Cây cỏ thì thầm chuyện thuở hồng hoang
Một vòm trời xanh thu vào vòng nhẫn ngọc
Thấy bao la bờ cõi Văn Lang.
Vẳng nghe mặt thành vua thổi ốc
Thúc voi cày về chầm chậm bước hoàng hôn
Thấy công chúa làm nương xong, ngồi chải tóc
Cười với gương xanh má điểm hồng.
Tôi tựa thành rêu mòn nếp đá
Ơi nàng công chúa đất Phong Châu
Soi tấm gương: mảnh lòng tôi đó
Giếng Ngọc còn đây, người ngọc đâu?
Thương đất nước bao lần quân thù giày xéo
Vẫn lồng lộng mảnh trời xanh trong trẻo
In trời xanh, giếng Ngọc cũng xanh trong
Ta nguyện giữ tấm gương này mãi mãi
Soi suốt tương lai lớp lớp anh hùng.
BÀNG SỸ NGUYÊN
Bàng Sỹ Nguyên là một nhà thơ tên tuổi của Việt Nam, ông là em ruột của thi sĩ Bàng Bá Lân đã từng xuất hiện từ trong phong trào Thơ mới. Nhiều tác phẩm của ông đã đến với người đọc và để lại ấn tượng sâu sắc như: Trên mảnh đất của tình thương (1966), Nay mình hái quả (1972), Người con gái Bắc Sơn (1973)…
"Thăm giếng Ngọc Đền Hùng" của Bàng Sỹ Nguyên được rút từ Tuyển tập thơ Đền Hùng là một thi phẩm thấm đượm lòng tự hào dân tộc, sự tri ân với cội nguồn và niềm tin vào tương lai của đất nước. Qua hình tượng giếng Ngọc, tác giả khéo léo khơi gợi những hồi ức lịch sử, những truyền thống hào hùng của cha ông và gửi gắm khát vọng bảo vệ những giá trị văn hóa vĩnh cửu của non sông, đất nước.
Ngay từ đầu bài thơ "Thăm giếng Ngọc Đền Hùng", người đọc đã cảm nhận được không gian linh thiêng của vùng Đất Tổ. Giếng Ngọc không những là một thắng cảnh nổi tiếng mà còn là biểu tượng của sự trường tồn, nơi lắng đọng linh khí ngàn năm. Vì vậy, những hình ảnh đậm chất thi vị và giàu cảm xúc đã làm xao xuyến trái tim người đọc ngay từ khi lần mở những câu chữ đầu tiên:
Bên giếng tôi ngồi nghe lá rụng
Tự lòng sâu vọng tiếng thời gian
Bên giếng tôi ngồi nghe gió động
Lật từng trang sử mở giang san
Thể thơ bảy chữ ở khổ đầu phảng phất chất Đường thi đầy hoài niệm, trăn trở, day dứt. Hình tượng nhân vật trữ tình tác giả ngồi bên thành giếng, lặng lẽ cảm nhận những chuyển động của thiên nhiên - lá rụng, gió động. Đó không chỉ là âm thanh của vạn vật, của những gì đang diễn ra xung quanh thực tại mà còn là tiếng vọng từ quá khứ, từ những trang sử hào hùng của dân tộc. Câu thơ “lật từng trang sử mở giang san” gợi lên sự kết nối giữa hiện tại và quá khứ, như thể lịch sử đang mở ra trước mắt lớp hậu sinh, làm người đọc xúc động về thuở Vua Hùng dựng nước.
Đến khổ thơ tiếp theo, hình ảnh thiên nhiên hòa quyện với tinh thần dân tộc, làm nổi bật sự thiêng liêng của đất trời nơi có Đền Hùng. Hồn nước là cả một câu chuyện vừa hào hùng, kỳ vĩ vừa nhuốm màu sắc tâm linh, lắng đọng qua lớp lớp thời gian về một cõi Văn Lang huyền nhiệm. Cỏ cây hiện lên dường như cũng mang trong mình những câu chuyện từ thuở Hồng Bàng, thì thầm kể lại những biến cố lịch sử của dân tộc. Hình ảnh “vòm trời xanh thu vào vòng nhẫn ngọc” gợi ra sự bao la của đất trời nhưng cũng hàm chứa vẻ đẹp ngưng đọng, tinh túy của hồn thiêng sông núi, về một thời kỳ lập quốc xa xưa:
Bên giếng tôi ngồi lắng nghe hồn nước
Cây cỏ thì thầm chuyện thuở hồng hoang
Một vòm trời xanh thu vào vòng nhẫn ngọc
Thấy bao la bờ cõi Văn Lang
Hóa ra Đền Giếng như chiếc “nhẫn ngọc”, lóng lánh và vĩnh hằng nơi trần thế. Qua ý thơ này, tác giả Bàng Sỹ Nguyên tái hiện lại những hình ảnh hào hùng, những kỳ tích vinh quang của cha ông buổi đầu dựng nước. Từ bờ cõi Văn Lang uy nghiêm hiện diện đến hình ảnh Vua Hùng thổi ốc và cấy cày, công chúa hồn nhiên làm nương, chải tóc và “cười với gương xanh má điểm hồng” đã góp phần khẳng định tình cảm hài hòa, gắn bó sâu đậm giữa nhà vua với muôn dân. Qua đó, các hình tượng thơ hiện lên đã khắc họa đậm nét vẻ đẹp đời sống của tiền nhân, tôn vinh truyền thống lao động dựng nước thật đẹp đẽ và cao quý:
Vẳng nghe mặt thành vua thổi ốc
Thúc voi cày về chầm chậm bước hoàng hôn
Thấy công chúa làm nương xong, ngồi chải tóc
Cười với gương xanh má điểm hồng
Sau phút giây tái hiện cuộc sống của Vua Hùng thời kỳ dựng nước, từ thời điểm hiện tại, tác giả thể hiện sự hoài niệm, bâng khuâng, cảm nhận qua cõi lòng mình để hướng về quá khứ với một nỗi niềm bồi hồi, tiếc nuối. Thời gian trôi qua, Giếng Ngọc vẫn vẹn nguyên nhưng những con người trong quá khứ, lịch sử giờ đây đã mờ xa khuất. Những câu thơ như lời gọi vọng về quá khứ, man mác nỗi buồn cũng là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay đừng quên công lao tiên tổ. “Giếng Ngọc còn đây, người ngọc đâu?” là câu hỏi không lời đáp, kính cẩn và thiêng liêng, cuộn trào và bật thốt như một tiếng thở dài, một nuối tiếc không nguôi.
Bài thơ khép lại bằng những câu thơ thể hiện sự quyết tâm, niềm tin mãnh liệt của lớp hậu thế vào tương lai đất nước. Khát vọng ấy hóa thành bầu trời xanh miên viễn, trong trẻo in vào lòng giếng Ngọc - mảnh hồn quá khứ của cha ông để cất cao tiếng hát, “soi suốt tương lai lớp lớp anh hùng”:
Thương đất nước bao lần quân thù giày xéo
Vẫn lồng lộng mảnh trời xanh trong trẻo
In trời xanh, giếng Ngọc cũng xanh trong
Ta nguyện giữ tấm gương này mãi mãi
Soi suốt tương lai lớp lớp anh hùng.
"Thăm giếng Ngọc Đền Hùng" không những là bài thơ miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên của vùng đất Tổ, thẳm sâu hơn, thi phẩm còn là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay phải có trách nhiệm bảo vệ và phát huy truyền thống cha ông, biết tự hào và khát vọng về một tương lai vững bền của đất nước. Với những giá trị tư tưởng sâu sắc, ngôn ngữ thơ giàu cảm xúc và sắc thái đầy gợi cảm, tác phẩm để lại những ấn tượng đẹp trong lòng người đọc, khiến chúng ta thêm tin yêu và trân quý giá trị cội nguồn.
LÊ THÀNH VĂNNguồn: https://baohaiduong.vn/gieng-ngoc-den-hung-tham-tham-tam-guong-trong-408565.html
Bình luận (0)