Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

'Gieo' tình yêu rừng cho học sinh

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), bảo vệ động vật hoang dã trong các trường học. Cách làm này đã góp phần “gieo” tình yêu và trách nhiệm với rừng cho học sinh; qua đó, các em sẽ là những hạt nhân quan trọng, tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng bền vững tại địa phương.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai23/05/2025

Học sinh Trường trung học cơ sở Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) tham quan khu trưng bày các tranh ảnh giới thiệu về giá trị tài nguyên rừng. Ảnh: A.Nhơn

Chọn cách tuyên truyền phù hợp, hiệu quả

Sáng 9-5, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Vĩnh Cửu chủ trì tổ chức buổi tuyên truyền cổ động công tác PCCCR và QLBVR cho học sinh Trường trung học cơ sở Hiếu Liêm (ở xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu).

Tại buổi tuyên truyền, 320 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 của trường được hướng dẫn tham quan khu trưng bày các tranh ảnh giới thiệu về những giá trị đa dạng sinh học về tài nguyên rừng mang lại hiện nay; các loài động vật hoang dã quý hiếm (voi, bò tót, nai, khỉ, các loài chim…) cần được bảo vệ; các hành vi nghiêm cấm của pháp luật (đốt lửa khiến cháy lan đến rừng; bẫy, săn bắt và buôn bán các sản phẩm từ động vật hoang dã…). Sau đó, các em học sinh còn tích cực tham gia trò chơi “đố vui có thưởng”, học sinh trả lời đúng các nội dung câu hỏi của Ban tổ chức sẽ được nhận quà. Thông qua trò chơi, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Cửu lồng ghép tuyên truyền về những nội dung liên quan đến công tác PCCCR, QLBVR, bảo vệ động vật hoang dã... Nhờ cách làm sáng tạo này đã giúp cho buổi tuyên truyền pháp luật trở nên sôi động, hấp dẫn và mang lại hiệu quả cao.

Em Bùi Lê Thanh Thủy (học sinh lớp 7, Trường trung học cơ sở Hiếu Liêm) chia sẻ, đây là lần thứ 2 em được dự buổi tuyên truyền pháp luật về công tác QLBVR, PCCCR và bảo vệ các loài động vật hoang dã. Thông qua buổi tuyên truyền đã giúp em biết nhiều kiến thức về những giá trị rừng mang lại và ngày càng trân trọng, yêu quý rừng hơn. Từ đó, bản thân em sẽ tuyên truyền cho gia đình, người thân và bà con hàng xóm cùng tích cực hưởng ứng bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái rừng hiện nay.

Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Ngọc Phượng cho biết, mục đích của việc tổ chức tuyên truyền nhằm giúp cho học sinh - thế hệ tương lai của đất nước, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ rừng, PCCCR, bảo vệ động vật hoang dã. Qua đó, giúp cho lực lượng kiểm lâm, đơn vị chủ rừng và các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ PCCCR, QLBVR ngày càng tốt hơn.

Cũng theo ông Phượng, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh, hàng năm, Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Cửu (Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Vĩnh Cửu) tham mưu UBND huyện xây dựng chương trình tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân, trong đó có tuyên truyền cho học sinh tại các trường học đóng trên địa bàn (theo hình thức luân phiên). Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền đã giúp công tác QLBVR, PCCCR mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt là các vụ vi phạm trên địa bàn ngày càng giảm đáng kể.

Theo Phó giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc Tô Thế Mạnh, thời gian qua, ngoài nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng, đơn vị còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, trong đó có học sinh. Hình thức tuyên truyền là đơn vị phối hợp với nhà trường phát tờ rơi có nội dung liên quan đến công tác QLBVR, PCCCR.

Lan tỏa cách làm hiệu quả

Giám đốc Trung tâm Sinh thái, văn hóa lịch sử Chiến khu Đ (Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) Nguyễn Văn Hà cho hay, trong những năm qua, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên đến với đối tượng học sinh - thế hệ tương lai của đất nước. Đây là một trong những nhóm đối tượng quan trọng, có khả năng lan tỏa mạnh mẽ thông điệp bảo tồn, bảo vệ thiên nhiên đến các gia đình và cộng đồng người dân.

Cụ thể, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các trường học đóng trên địa bàn để tổ chức nhiều chương trình ngoại khóa và truyền thông. Tổ chức tham quan, học tập trải nghiệm thực tế tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (tại đây các em được giới thiệu về hệ sinh thái rừng, các loài động, thực vật quý hiếm và ý nghĩa của công tác bảo tồn). Lồng ghép với nội dung giáo dục môi trường vào các buổi sinh hoạt chuyên đề tại nhà trường thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, hội thi vẽ tranh, viết bài cảm nhận về thiên nhiên. Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường với nhiều hình thức phong phú, sinh động, phù hợp với từng lứa tuổi học sinh.

Học sinh hào hứng tham gia trò chơi “đố vui có thưởng” với những nội dung liên quan đến rừng do Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Vĩnh Cửu tổ chức.

Để thu hút đông đảo học sinh tham gia và hứng thú hơn với các hoạt động bảo tồn, đơn vị đã không ngừng đổi mới phương pháp tiếp cận như: tổ chức các trò chơi tương tác ngoài trời, sử dụng mô hình trực quan, thí nghiệm nhỏ, giúp học sinh học qua trải nghiệm thực tiễn thay vì chỉ nghe lý thuyết; ứng dụng công nghệ thông tin như tạo các video clip ngắn sinh động, phát hành trên mạng xã hội hoặc chiếu tại trường học để lan tỏa thông điệp; phát triển các chương trình Em yêu thiên nhiên, Một ngày làm kiểm lâm nhí…, giúp học sinh nhập vai và trải nghiệm công việc thực tế của nhân viên kiểm lâm…

“Chính việc đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền hiệu quả đã giúp nhận thức của học sinh về vai trò của rừng, động vật hoang dã và môi trường sống được nâng cao rõ rệt. Nhiều em đã trở thành “đại sứ nhỏ” tuyên truyền những kiến thức học được cho bạn bè và người thân. Hơn nữa, các hoạt động này còn giúp thắt chặt mối liên kết giữa nhà trường và khu bảo tồn, tạo nên một mạng lưới giáo dục môi trường rộng khắp trong cộng đồng” - ông Hà chia sẻ.

Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị chủ rừng đã xây dựng các kế hoạch hướng đến đối tượng học sinh. Trong đó, mở rộng quy mô các chương trình tuyên truyền đến nhiều trường học hơn trong khu vực và các huyện lân cận; phát triển tài liệu giáo dục môi trường dành riêng cho học sinh, phù hợp với từng độ tuổi, gắn liền với chương trình học chính khóa; tăng cường ứng dụng số hóa trong giáo dục bảo tồn, bao gồm xây dựng nền tảng học trực tuyến, trò chơi điện tử mang nội dung bảo vệ thiên nhiên; kết nối với các tổ chức thanh thiếu niên, đoàn thể tại địa phương để tổ chức các chiến dịch truyền thông và hành động vì môi trường…

Giám đốc Trung tâm Sinh thái, văn hóa lịch sử Chiến khu Đ (Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) Nguyễn Văn Hà chia sẻ, với định hướng kiên trì và cách làm sáng tạo trong tuyên truyền, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đang dần xây dựng được một thế hệ học sinh có nhận thức tốt, tình yêu thiên nhiên sâu sắc và tinh thần trách nhiệm cao đối với môi trường. Đây chính là nền tảng vững chắc cho mục tiêu bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên trong tương lai.

An Nhơn

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202505/gieo-tinh-yeu-rung-cho-hoc-sinh-cf96240/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm